Vững tin vào triển vọng mua ròng của vốn ngoại

(ĐTCK) Trao đổi với ĐTCK, ông Kim Thiên Quang, Tổng giám đốc CTCK Maybank KimEng bày tỏ tin tưởng vào triển vọng mua ròng của khối ngoại trong giai đoạn tới, khi nền kinh tế hồi phục mạnh hơn, sức khỏe của các DN niêm yết hồi phục và định giá hiện tại của TTCK Việt Nam đang rẻ hơn trung bình của các thị trường khu vực tới 20%.
TTCK Việt Nam có PE trung bình trên HOSE khoảng11,5 lần, rẻ hơn 20% so với trung bình của khu vực TTCK Việt Nam có PE trung bình trên HOSE khoảng11,5 lần, rẻ hơn 20% so với trung bình của khu vực

Maybank Kim Eng vừa thực hiện báo cáo đánh giá sức khỏe DN với điều kiện giả định khá khắc nghiệt. Xin ông cho biết kết quả chịu đựng của DN thế nào?

Với tình hình kinh tế thế giới ngày càng biến động, các tổ chức, ngân hàng đã hạ dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế chính, và Việt Nam với độ mở ngày càng cao không thể tránh khỏi các tác động tiêu cực, nhất là hoạt động xuất khẩu.

Xuất phát từ lý do đó, Maybank Kim Eng là CTCK đầu tiên thực hiện đánh giá tác động của các yếu tố vĩ mô (tỷ giá, lãi suất, khả năng hấp thụ hay nhu cầu của thị trường) đối với sức khỏe của một số DN hàng đầu niêm yết trên sàn chứng khoán. Chúng tôi dựa trên tình huống đồng nội tệ giảm so với ngoại tệ mạnh (như đồng USD) 5-10%, lãi suất cao hơn 0,5 - 1% hay doanh thu của DN thấp hơn 5-10% so với các giả định hiện tại của mô hình đánh giá để dự báo tác động lên lợi nhuận và dòng tiền của DN khi đó sẽ thế nào.

Đây là một “bài tập” mà Maybank Kim Eng đã thực hiện đồng loạt tại Trung Quốc, Hongkong, Indonesia, Ấn Độ, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore, Việt Nam, nên các giả định cũng mang tính chất đồng nhất ở khu vực, mặc dù xác suất xảy ra của các tình huống này sẽ rất khác nhau đối với từng quốc gia.

Đối với Việt Nam, Maybank Kim Eng vẫn tin tưởng khả năng xảy ra các trường hợp này khá thấp với đà tăng trưởng kinh tế (nhanh hơn kể từ đầu năm với GDP quý III tiếp tục đạt rất cao, 6,81%) và sức khỏe DN phần lớn đã tốt hơn rất nhiều sau thời gian khó khăn, nhiều biến động của giai đoạn 2011 - 2014, bao gồm cả việc duy trì tỷ lệ nợ vay khá thấp và ít sử dụng nợ vay bằng ngoại tệ (trừ một số DN trong ngành điện, xi măng hay vận tải).

Kết quả trong các đánh giá của DN Việt Nam nhìn chung tích cực hơn so với nhiều nước khác, mặc dù Phòng Nghiên cứu phân tích của Maybank Kim Eng Việt Nam đã rất thận trọng trong các giả thuyết và tính toán của mình. Các DN tiêu dùng, dược phẩm nhìn chung sẽ ít bị tác động nhất do đặc thù mang tính phòng thủ của ngành và nhiều DN có lượng tiền mặt dồi dào, hầu như rất ít nợ vay.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhấn mạnh rằng, yếu tố ngành của các DN niêm yết khá yếu do phần lớn các phân ngành có một số lượng rất ít DN lớn chiếm tới 80 - 90% ngành và trong các DN này thì mô hình kinh doanh, cơ cấu nợ vay là rất khác nhau. Kết quả cụ thể đối với từng DN, do đó, có thể rất khác nhau, dù được phân loại cùng nhóm ngành. Với lý do đó, kết quả đánh giá đối với DN bất động sản chẳng hạn khá là khác biệt do quy mô, số lượng các dự án đang triển khai, cơ cấu nợ. Mặt khác, chúng tôi e ngại rằng, các yếu tố ảnh hưởng đến ngành dầu khí vẫn tiếp tục chưa được cải thiện trong các tháng cuối năm và thậm chí trong năm 2016.

Ông Kim Thiên Quang
 

NĐT nước ngoài đang bán ròng ở TTCK Việt Nam, ông có bình luận gì về động thái này và so sánh với tình hình ở các thị trường trong khu vực, theo quan sát của hệ thống Maybank Kim Eng?

Trong tháng 9 vừa qua, nước ngoài bán ròng xấp xỉ 1.000 tỷ đồng tại TTCK Việt Nam. Đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến triển vọng ngắn hạn của thị trường bị tác động tiêu cực. Dù vậy nhìn rộng hơn, có thể thấy, hoạt động bán ròng tại Việt Nam không phải là cá biệt, mà xảy ra ở hầu hết các thị trường mới nổi do những lo ngại về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất trong tương lai gần và tỷ giá bất ổn. Tính từ đầu năm đến nay khối ngoại vẫn thực hiện mua ròng hơn 3.500 tỷ đồng trên TTCK Việt Nam, cho thấy cái nhìn trong trung dài hạn của khối ngoại vẫn lạc quan.

Dù ngắn hạn có thể sẽ còn một số trở ngại, chúng tôi tin tưởng động thái chủ đạo của nhà đầu tư nước ngoài sẽ vẫn là mua ròng trong giai đoạn tới, khi nền kinh tế Việt Nam đang hồi phục với tốc độ nhanh hơn, số liệu GDP quý III vừa được công bố là một bằng chứng rõ nét, 2015 đang là năm ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Thêm vào đó định giá hiện tại của TTCK Việt Nam đang khá hấp dẫn với PE trung bình trên HOSE khoảng11,5 lần, rẻ hơn 20% so với trung bình của khu vực.

MBKE có nghiên cứu nào về tác động của việc FED tăng lãi suất đối với thị trường châu Á, mới nổi nói chung và Việt Nam nói riêng?

Trong vòng 5 tuần tính đến đầu tháng 9, theo EPFR Global, có 46 tỷ USD bị rút khỏi các quỹ đầu tư trên toàn thế giới. Trong đó rút ra khỏi các thị trường mới nổi 9 tuần liên tiếp với 4,5 tỷ USD, các quỹ đầu tư vào Mỹ bị rút 15,9 tỷ USD và châu Âu là 800 triệu USD. Hiện chỉ có các quỹ đầu tư vào Nhật tăng vốn và quỹ đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ có thêm 1,4 tỷ USD, đánh dấu 10 tuần hút ròng liên tiếp (nhưng quỹ trái phiếu của thị trường mới nổi lại bị rút ra 7 tuần liên tục).

Dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ của tháng 9, nhưng xu hướng rút tiền ra khỏi các kênh đầu tư mạo hiểm như thị trường cổ phiếu (trừ Nhật), ngoại hối và thậm chí cả vàng vẫn đang tăng. Hiện dòng tiền đang có xu hướng chuyển sang những sản phẩm được xem là an toàn là TPCP Mỹ (TPCP các nước khác vẫn bị bán) đồng Yên Nhật JPY và Franc Thụy Sỹ. Số liệu thị trường ngoại hối châu Á trong quý III cho thấy các đồng tiền của châu Á đều rớt giá so với USD, nhưng đồng Yên Nhật lại tăng 2% so với USD nhờ dòng tiền chảy vào.

Như vậy, có thể nói, mặc dù FED chưa chính thức tăng lãi suất, nhưng trong suốt quý III vừa qua tiền được rút khỏi các kênh đầu tư mạo hiểm. Bên cạnh đó, Bloomberg dẫn báo cáo niềm tin tiêu dùng của Đại học Michigan cũng cho thấy số lượng các hộ gia đình giàu có thủ tiền mặt cho mình, tăng cường trả nợ đã lên tới mức 15% (thua mức cao nhất trong lịch sử cách đây 15 năm chỉ 1 điểm phần trăm) và FactSet cũng báo cáo các số liệu về DN trong chỉ số S&P500 của Mỹ cho thấy các DN cũng "thủ" tiền mặt rất lớn.

Điều này cho thấy những định chế tài chính, tổ chức, NĐT lớn đều đang chuẩn bị cho động thái tăng lãi suất này của FED và rõ ràng là trong ngắn hạn tác động xấu đến thị trường tài chính quốc tế nói chung và châu Á nói riêng.

Việc phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc vừa qua đã thổi bùng lên cuộc đua điều chỉnh tỷ giá tại châu Á,  nhất là tại các thị trường mới nổi sẽ bị tác động rõ rệt.

Về dài hạn, tác động của việc FED tăng lãi suất đối với thị trường châu Á, mới nổi nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ còn phụ thuộc vào phản ứng bằng chính sách của những nước này trước quyết định của FED cùng với chính sách của các DN để tận dụng lợi ích từ việc FED tăng lãi suất đồng thời hạn chế tối đa bất lợi.

Kể từ sau khi Việt Nam chính thức mở room, ông có ghi nhận gì về sự quan tâm của NĐT nước ngoài tới TTCK Việt Nam nói chung và có kỳ vọng có dòng vốn mới vào thị trường và sẽ vào theo các hình thức nào?

Quyết định gia tăng thêm room cho các nhà đầu tư nước ngoài là một động thái được khối ngoại hết sức hoan nghênh, do họ có thêm nhiều cơ hội tiếp cận những cổ phiếu hấp dẫn nhưng đã kín room ở thời gian trước đó.

Dù sự quan tâm là rất lớn, trên thực tế những hoạt động giải ngân tính đến hiện tại vẫn chưa diễn ra mạnh mẽ do vướng phải những quy định chưa rõ ràng trong việc thực hiện nới room tại các công ty.

Trong thời gian tới, khi có thêm những văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể hơn, chúng tôi tin rằng dòng vốn ngoại chắc chắn sẽ có nhiều hoạt động giải ngân mạnh để nắm bắt những cơ hội này. Nhu cầu gia tăng đầu tư sẽ đến từ cả những cổ đông ngoại hiện hữu của các công ty đang kín room và cả những nhà đầu tư nước ngoài mới.

Maybank Kim Eng có đưa ra khuyến nghị gì với các NĐT từ nay đến cuối năm sau?

Đứng từ góc độ Tập đoàn, Việt Nam vẫn là thị trường ưa thích và một trong những lựa chọn hàng đầu trong tương quan với các thị trường khác, do yếu tố kinh tế vĩ mô tiếp tục cải thiện, DN tiếp tục có kết quả kinh doanh tốt hơn, cơ chế luật pháp tiếp tục được cải thiện.

Theo quan sát của chúng tôi, Việt Nam có thêm nhiều luật mới, sửa đổi luật nói chung và cho TTCK nói riêng được ban hành trong năm 2014 và năm nay nhiều hơn tổng cộng của cả 10 năm trước.

Bên cạnh đó, định giá thị trường vẫn còn khá hấp dẫn (PE khoảng 12,5 lần trong năm 2015 và hơn 11 lần năm 2016, trong khi ROE chỉ kém hơn Indonesia và xấp xỉ Thái Lan). Sau việc Việt Nam và EU chính thức thông qua FTA vào đầu tháng 8, thông tin kết thúc thành công đàm phán TPP cũng rất có lợi cho nền kinh tế nói chung và thị trường nói riêng. Theo một báo cáo của Viện Quản lý chính sách kinh tế, GDP Việt Nam có thể tăng thêm 1,03 – 2,11% sau khi áp dụng TPP. Tuy vậy, TPP cần phải được Quốc hội các nước thành viên thông qua, ước tính mất vài tháng đến 1 năm. 

Tuy nhiên, chúng tôi cũng cho rằng, tâm lý của nhà đầu tư trong nước bị ảnh hưởng khá nhiều từ các diễn biến tại các thị trường chính trong khu vực và trên thế giới và việc một số quỹ nước ngoài (đặc biệt quỹ ETF với tỷ trọng cao ở các cổ phiếu vốn hóa lớn) bị gia tăng áp lực bán trong xu hướng chung dòng tiền bị rút khỏi các thị trường mới nổi do FED có thể tăng lãi suất.

Về ngắn hạn, thị trường cần một cú hích để có đà tăng điểm sau khi đã tích lũy ở vùng giá hiện tại. Chúng tôi cho rằng, đây là cơ hội tốt để lựa chọn mua các cổ phiếu cơ bản tốt, hưởng lợi từ sự phát triển của nền kinh tế cũng như mức tiêu dùng tiếp tục cao của hơn 90 triệu dân Việt Nam.

Thu Hương thực hiện

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục