Vùng nguyên liệu mía ở Tây Ninh: Nguy cơ xóa trắng

Số hộ nông dân Tây Ninh bỏ trồng mía đang ngày càng tăng lên, khiến các DN chế biến đường trên địa bàn này đang “đau đầu” lo ngại nguy cơ vùng nguyên liệu bị xóa trắng.
Thu lỗ do mía cháy, nhiều nông dân đang bỏ mía

Giá thu mua mía tăng so với vụ trước, đồng thời, các nhà máy lập lịch thu hoạch phù hợp, hạn chế tình trạng đông ken, nôn nóng chờ chặt mía. 2 nhà máy lớn trong tỉnh đều tăng công suất để tăng sản lượng mía tiêu thụ và hoạt động ổn định. Giá thu mua mía tiếp tục tăng lên đến gần 1,2 triệu đồng/tấn 10 CCS tại ruộng. Dự kiến của các nhà máy, đến giữa tháng 3 năm nay là kết thúc vụ chế biến mía đường 2011-2012.

Ông Trần Văn Sơn (Tân Hiệp, Tân Châu) trước kia có 7 ha mía. Cả gia đình ông chủ yếu sống nhờ cây mía nên ông rất chịu khó đầu tư, chăm sóc. Thế nhưng 2 năm trước, ông Sơn đã quyết định chuyển 5 héc -ta trồng mía sang trồng mì do nhiều lần mía của ông bị cháy mà không rõ lý do cũng không có cách gì bảo vệ được. Ông Sơn cho biết, với giá gần 1,2 triệu đồng/tấn 10 CCS, ông cầm chắc 2 héc -ta mía còn lại sẽ cho thu nhập không dưới 70 triệu đồng. Thế nhưng sau khi bị cháy, chẳng những chất lượng, sản lượng mía giảm mà mọi chi phí thu hoạch lại tăng cao hơn bình thường do bị “đầu công” ép đòi tăng giá. Kết quả là ông chẳng còn lãi được đồng nào sau gần 1 năm trời bỏ công chăm sóc. Cuối cùng thì ông Sơn cũng quyết định bỏ hẳn cây mía.

Chuyện nông dân phải bỏ mía vì gặp quá nhiều rủi ro đã xảy ra ở khá nhiều hộ ở nhiều nơi. Bởi vì khi mía cháy trước Tết Nguyên đán không được bảo hiểm chữ đường bị thiệt thòi không nhỏ, còn sau tết được bảo hiểm nhưng chỉ 7,5 CCS nên cũng chẳng có lời. Trong khi đó, mọi chi phí tăng bo, thu hoạch, vận chuyển… mía cháy đều bị tăng giá lên rất cao. Trong dịp tiếp xúc với chính quyền và nhà máy đường trước Tết Nhâm Thìn, nhiều nông dân trồng mía đã bày tỏ bức xúc về chuyện rủi ro và bị o ép. Ông Trần Văn Tuấn - một nông dân trồng mía ở xã Tân Bình (Tân Biên) bức xúc vì trên diện tích gần 7 ha mía của ông chuẩn bị thu hoạch thì có đến hơn 5 ha bị cháy. Bình thường giá tăng bo chỉ khoảng 50.000 đồng/tấn, nhưng lúc mía cháy chủ xe bò đòi tăng lên gấp đôi. Đầu công cũng lợi dụng nhu cầu bức thiết của chủ mía trong việc thu hoạch mía cháy nên cũng tăng từ mức bình thường là 140.000 đồng/tấn lên đến 200.000 đồng/tấn...

Khi mía bị cháy, tuy rằng các nhà máy lập tức cho thu hoạch ngay và vận chuyển mía về nhà máy. Thế nhưng, nhà máy không thể ngưng thu hoạch hoàn toàn mía tươi được do còn rất nhiều hộ trồng mía khác đã đến lịch chặt nên mỗi ngày lệnh chở mía cháy cho mỗi đám chỉ được có… 1 xe tương đương khoảng 15 tấn. Do đó, nếu đám mía cháy chừng vài ha trở lên thì chắc chắn sẽ tồn mía tại ruộng trong thời gian dài và sản lượng, chất lượng bị giảm rất nhiều. Theo một số nông dân, với mía năng suất 70 tấn/ha hiện nay có thể cho lãi khoảng 30 triệu đồng/ha, nhưng khi bị cháy thì có khi bị lỗ đến 10 triệu đồng/ha.

Về phía các nhà máy đường, nạn cháy mía cũng gây khó khăn đáng kể. Nhà máy đường của CTCP Bourbon Tây Ninh (SBT), trong vụ chế biến này phải tiếp nhận sản lượng mía cháy lên đến hơn 30% tổng sản lượng mía đưa về nhà máy. Còn ở Nhà máy đường Biên Hoà Tây Ninh thì lượng mía cháy cũng chiếm hơn 20%. Khi mía cháy, chữ đường giảm, hiệu suất thu hồi đường thấp nhưng chi phí hoạt động lại không giảm nên hiệu quả hoạt động của nhà máy thấp hơn mía không cháy. Trong thời gian qua, các nhà máy đường cũng đã có nhiều nỗ lực để khuyến khích nông dân giữ mía như: tăng cường mức đầu tư, có nhiều khoản hỗ trợ không hoàn lại, có chính sách thưởng, tăng giá thu mua mía…, thế nhưng vẫn không thể hạn chế được tình trạng nông dân bỏ mía.

Theo Nhà máy đường Biên Hoà Tây Ninh, đến nay, vùng nguyên liệu mía do nhà máy đầu tư chắc chắn sẽ “mất” thêm khoảng 400 héc- ta nữa do nhiều nông dân chuyển sang trồng cây khác. Từ nay đến cuối vụ thu hoạch, có khả năng con số này sẽ tiếp tục tăng thêm. Còn ở vùng nguyên liệu mía do Nhà máy đường SBT đầu tư- tuy chưa có thống kê chính thức nhưng chắc chắn diện tích mía chuyển sang cây trồng khác không thấp hơn Nhà máy đường Biên Hoà Tây Ninh. Nguy cơ diện tích mía trên địa bàn tỉnh tiếp tục giảm đang diễn ra trước mắt.

Có ý kiến cho rằng nếu đã xác định cây mía là cây thế mạnh và ngành công nghiệp chế biến mía đường có sự đóng góp không nhỏ vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, thì nhất thiết phải tạo mọi điều kiện duy trì và phát triển cả về diện tích lẫn năng suất mía. Muốn như thế, trước mắt là phải làm sao hạn chế rủi ro cho nông dân khi trồng mía - cụ thể là hạn chế tình trạng mía cháy.


Diễn đàn doanh nghiệp

Tin cùng chuyên mục