Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư
Ông Đỗ Hữu Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Long An
Một trong những ưu tiên tỉnh Long An năm 2014 là tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Chúng tôi quyết tâm giữ Long An ở nhóm “tốt” đến “rất tốt”. Qua đó, tỉnh cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Điều quan trọng là, tỉnh luôn nỗ lực tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, bảo đảm công khai minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Long An sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định, thủ tục hành chính theo hướng tạo thuận lợi hơn. Hiện tại, 18/19 sở, ngành; 15/15 UBND huyện, thị xã, thành phố của tỉnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông… Chúng tôi cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước. Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa như hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, đổi mới công nghệ, tháo gỡ khó khăn về vốn, xúc tiến mở rộng thị trường sẽ được quan tâm thực hiện.
Cải thiện môi trường đầu tư đã tác động lan tỏa lớn tới thu hút vốn FDI. Năm 2014, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 90 dự án FDI, bằng 173% so với năm 2013, với vốn đăng ký 646 triệu USD, tăng gần 3,5 lần so với năm 2013.
Năm 2015, Long An tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình Tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020. Trong đó, tỉnh tập trung đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhân dân; tăng cường thanh tra, kiểm tra thực hiện chế độ công vụ, công chức. Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, vi phạm pháp.
Đồng Nai tiếp tục sàng lọc dự án FDI
Ông Nguyễn Phú Cường, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai
Tổng vốn FDI vào tỉnh Đồng Nai năm 2014 là gần 1,732 tỷ USD, tăng 5,6% so với năm 2013 và tăng 92,4% so với kế hoạch. Nguyên nhân của các kết quả tích cực này là do môi trường đầu tư của Đồng Nai ngày càng cải thiện, hoạt động xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tập trung vào các quốc gia có tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc... Các công ty kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp chú trọng tập trung đầu tư công trình hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài. Trong năm 2014, có trên 500 lượt doanh nghiệp nước ngoài đến Đồng Nai khảo sát thực tế và nhiều doanh nghiệp đã quyết định chọn Đồng Nai là địa chỉ để đầu tư.
Năm 2015, tỉnh Đồng Nai xây dựng kế hoạch thu hút vốn FDI từ 900 triệu USD đến 1 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với kết quả năm 2014. Lý do là, tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách, chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, khuyến khích dự án công nghệ cao, dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ, dự án thân thiện với môi trường, các dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ, hạ tầng, giao thông, dự án có vốn đầu tư lớn sử dụng công nghệ tiên tiến, lao động có tay nghề (hạn chế những dự án sử dụng nhiều lao động phổ thông, công nghệ lạc hậu, gây ảnh hưởng đến môi trường). Đặc biệt, chú trọng thu hút các dự án công nghiệp hỗ trợ (những dự án này thường có quy mô nhỏ, gọn, mức vốn thấp)…Để thực hiện mục tiêu này, trọng tâm công tác xúc tiến đầu tư của Đồng Nai là kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh; các dự án lớn của các tập đoàn có chuỗi sản xuất toàn cầu; từ hiệu quả của mô hình Bàn Kansai (Kansai Desk) đẩy mạnh thu hút các dự án trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp Nhật Bản; các doanh nghiệp ở các quốc gia khu vực Bắc Mỹ mà tỉnh đã xúc tiến đầu tư trong năm 2014; các dự án đến từ một số nước ở châu Âu đã có dự án hoạt động hiệu quả tại Đồng Nai…
Đầu tư phát triển - điểm sáng của kinh tế Bình Thuận
Ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận
Năm 2014, tổng vốn đầu tư phát triển của Bình Thuận ước đạt 2.154,3 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ, vốn ODA… Đây là nguồn lực quan trọng để đầu tư kết cấu hạ tầng cho tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh rất chú trọng công tác thu hút cho các dự án đầu tư với nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước. Năm 2014, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 41 dự án có vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký 2.635 tỷ đồng, trong đó có 5 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký 51,47 triệu USD.
Để tạo tiền đề cho thu hút đầu tư, tỉnh Bình Thuận tiếp tục đôn đốc doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp. Cụ thể, KCN Phan Thiết giai đoạn 2, Hàm Kiệm I, Sông Bình cơ bản hoàn thành đầu tư kết cấu hạ tầng. Riêng KCN Hàm Kiệm II cơ bản hoàn thành đầu tư kết cấu hạ tầng giai đoạn I (230 ha), đang triển khai thi công giai đoạn II. Năm qua, các KCN trên địa bàn tỉnh thu hút thêm 9 dự án. Tính chung, đến nay, các KCN thu hút 47 dự án đầu tư, trong đó có 33 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn 3.207 tỷ đồng và 14 dự án FDI, với tổng vốn 125,9 triệu USD đầu tư. KCN Tuy Phong đã được khởi công và đang đầu tư xây dựng hạ tầng để đón các nhà đầu tư. Các cụm công nghiệp Thắng Hải 1 và 2 tiếp tục triển khai thi công kết cấu hạ tầng.
Bình Thuận đã thực hiện hiệu quả giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến với tỉnh. Năm qua, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bình Thuận có sự bứt phá ngoạn mục, từ thứ hạng 47 lên thứ hạng 22, tăng 25 bậc. Điều này cho thấy, nỗ lực của địa phương nhằm xóa bỏ rào cản, vướng mắc, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, cải thiện tốt môi trường đầu tư cho doanh nghiệp. Trong tương lai gần, khi các tuyến đường giao thông trọng điểm đi qua địa bàn tỉnh như Quốc lộ 1A, đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết cùng Sân bay Phan Thiết được xây dựng sẽ tạo ra sức hút lớn với các nhà đầu tư. Chúng tôi hy vọng nhiều vào hiệu quả các nguồn đầu tư giúp kinh tế địa phương bứt tốc trong thời gian tới.