Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần liên kết đồng bộ

0:00 / 0:00
0:00
Mỗi tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có một cảng biển, nhưng hệ thống giao thông kết nối còn thấp do đó cần phải liên kết chặt chẽ và đồng bộ để cùng phát triển.
Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững”. Ảnh: Thanh Chung Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững”. Ảnh: Thanh Chung

Ngày 21/7, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững”.

Trách nhiệm xã hội là nhân tố then chốt

Tiến sĩ Hoàng Hồng Hiệp, quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ cho hay, doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo được đánh giá là hai yếu tố quan trọng đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh và bền vững.

Theo tiến sĩ Hiệp, doanh nghiệp từ lâu đã được xác định là thành phần cơ bản của nền kinh tế có trách nhiệm thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm tác động đến sự phát triển và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế thị trường.

"Vai trò của doanh nghiệp được thể hiện thông qua khả năng tạo việc làm, điều khiển sự phát triển kinh tế, đổi mới sáng tạo, phát triển các điều kiện xã hội và xác định, giải quyết các thách thức xã hội - môi trường. Trong khi đó, lĩnh vực đổi mới sáng tạo luôn được xem là yếu tố quan trọng nhất để đạt được cả tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng năng suất lao động. Đổi mới sáng tạo kết hợp với công nghiệp hóa bao trùm và bền vững có thể giải phóng các lực lượng kinh tế năng động và cạnh tranh để tạo ra việc làm và tăng thu nhập.

Hội thảo khoa học quốc tế này được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học quốc tế và trong nước, các nhà quản lý trao đổi các vấn đề học thuật, chia sẻ các vấn đề lý luận, kinh nghiệm thực tiễn cũng như đề xuất các giải pháp về phát triển doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo cho phát triển bền vững quốc gia nói chung và phát triển bền vững vùng nói riêng trong bối cảnh mới", tiến sĩ Hoàng Hồng Hiệp nói.

Thạc sĩ Nguyễn Lệ Thủy cho hay, doanh nghiệp muốn phát triển bền vững cần có những bước đi phù hợp, trong đó vấn đề trách nhiệm xã hội là nhân tố then chốt quyết định tính “tất yếu” của quá trình phát triển doanh nghiệp cũng như phát triển đất nước. Đại dịch COVID-19 đã đặt nhiều vấn đề quan trọng đến sự sinh tồn của doanh nghiệp, đòi hỏi doanh nghiệp phải chuyển đổi, thích ứng với bối cảnh mới. Đó vừa là thời cơ, vừa là thách thức doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm xã hội của mình cho sự phát triển chung.

Hiến kế phát triển cảng biển miền Trung

Tiến sĩ Phan Thị Sông Thương cho hay, hiện nay vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có 5 cảng biển lớn. Tuy nhiên, theo Quy hoạch 2021-2030, tầm nhìn 2050, toàn vùng kinh tế trọng điểm miền Trung sẽ có 11 khu bến cảng, trong đó khu bến cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) đảm nhận vai trò là cảng cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung. Trong khi đó, hàng hóa qua cảng biển tại vùng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung tăng bình quân khoảng 8,54%/năm giai đoạn 2015-2019, thấp hơn so với cả nước (15,65%/năm).

Theo tiến sĩ Sông Thương, mức độ đóng góp của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung vào tổng lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam chỉ đạt 7,7% năm 2019. So với cả nước, hàng hóa qua cảng Đà Nẵng chỉ chiếm hơn 3%; so với vùng Trung bộ chiếm gần 23%;.

Tiến sĩ Sông Hương đặt ra các vấn đề tồn tại như: Hệ thống giao thông kết nối cảng biển còn thấp; sự phân tán thị trường hàng hóa tại các cảng biển trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Các địa phương cạnh tranh trong thu hút đầu tư phát triển cảng biển trong vùng.

Ngoài ra, tiến sĩ Sông Thương còn cho rằng hạ tầng sau cảng, hạ tầng logistics còn nhiều hạn chế và yếu kém, việc tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển cảng biển ở vùng còn nhiều tồn tại và đặc biệt là thiếu một khung pháp lý hoàn chỉnh hay một mô hình quản lý đầu tư cảng hợp lý.

Tại hội thảo, tiến sĩ Sông Thương đưa ra một số giải pháp để phát triển cảng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung như triển khai quy hoạch phát triển cảng biển ở vùng theo hướng liên kết chặt chẽ, đồng bộ trong mối quan hệ phát triển tương hỗ; Cần tập trung đầu tư phát triển một cảng chính và kết nối với các cảng trong vùng, cả nước và khu vực (cụ thể là cảng Liên Chiểu); Phân luồng hàng hóa phù hợp với tiềm năng, lợi thế phát triển của từng địa phương trong Vùng; Phát triển mạng lưới giao thông liên tỉnh kết nối các trung tâm logistics và hệ thống cảng biển; Hoàn thiện khung pháp lý trong công tác quản lý cảng biển và xây dựng mô hình quản lý và đầu tư cảng phù hợp với đặc điểm của các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung…

Thanh Chung
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục