Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra sáng 12/2.
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, với nguồn nhân lực và các tổ chức khoa học công nghệ chiếm 50% của cả nước, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Vùng đồng bằng sông Hồng là phải tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp với các viện, trường, cơ sở nghiên cứu. "Đây cũng là kiến nghị của Ngân hàng Thế giới với Việt Nam", ông Đạt cho hay.
Tuy nhiên, các hoạt động liên kết hiện nay chủ yếu đang hướng vào việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, chưa chú trọng nhiều vào việc giải quyết các vướng mắc công nghệ của doanh nghiệp. Một trong các nguyên nhân chính là do việc triển khai theo hướng này gặp rào cản lớn về cơ chế xác định, phê duyệt do việc nghiệm thu nhiệm vụ khoa học công nghệ. Do đó, Bộ KH&CN đề xuất các tỉnh, thành phố trong Vùng tiên phong trong việc đề xuất các nhiệm vụ, chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia nhằm giải quyết các vướng mắc công nghệ cho các doanh nghiệp trong vùng. "Bộ KH&CN sẵn sàng tiếp nhận các đề xuất và phối hợp cùng các địa phương trong Vùng tổ chức triển khai", Bộ trưởng khẳng định.
Bên cạnh đó, để tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp với các viện, trường, cơ sở nghiên cứu, theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, đó là cần phải phát triển thị trường khoa học công nghệ trong Vùng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp có thể tiếp cận với nguồn cung công nghệ chất lượng cao phục vụ đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Do đó, ông đề nghị các tỉnh thành nghiên cứu việc thành lập và vận hành các sàn giao dịch công nghệ. "Bộ KH&CN đánh giá rất cao TP Hà Nội đã quyết định thành lập sàn giao dịch công nghệ vào tháng 4/2022. Bộ KH&CN đang vận hành sàn giao dịch công nghệ quốc gia và sẵn sàng kết nối chia sẻ thông tin về công nghệ với sàn giao dịch công nghệ các tỉnh thành trong vùng", ông Đạt nói.
Một vấn đề cũng được người đứng đầu ngành KH&CN lưu ý với Vùng đồng bằng sông Hồng là cần khai thác lợi thế và tiềm lực khoa học công nghệ của Vùng để đẩy nhanh các hoạt động nghiên cứu cơ bản, nhất là nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng để tiến tới tự chủ và cạnh tranh về công nghệ trong những lĩnh vực then chốt. "Các địa phương trong vùng cần quan tâm tạo không gian cho nghiên cứu cơ bản, thông qua tài trợ cho các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản. Đây là loại hình nghiên cứu không thể có ứng dụng và lợi ích thương mại trong ngắn hạn, nhưng rất quan trọng trong việc nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia và đào tạo nhân lực chất lượng cao, là nền tảng cho công nghệ lõi của chúng ta trong tương lai", ông Đạt tha thiết.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, kinh nghiệm quốc tế cho thấy các quốc gia phát triển đều có chính sách nhằm hình thành các cụm đổi mới sáng tạo, là nhóm các doanh nghiệp và các tổ chức có liên quan trên cùng khu vực địa lý có liên kết với nhau.
"Để thúc đẩy hệ thống đổi mới sáng tạo của Vùng và quốc gia, với điều kiện, vai trò và vị thế hiện nay, Vùng đồng bằng sông Hồng có đủ khả năng để tiên phong hình thành cụm đổi mới sáng tạo trong Vùng, trước mắt có thể lấy các khu công nghệ cao, các khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hạt nhân để triển khai thành các cụm đổi mới sáng tạo trong vùng", Bộ trưởng đề xuất.
Bộ trưởng cho biết, tỉnh Hà Nam đang xúc tiến xây dựng khu công nghệ cao quốc gia và Bộ KH&CN đang trình Chính phủ xem xét việc cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng cho các khu công nghệ cao quốc gia.
Về xây dựng trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Vùng đồng bằng sông Hồng, đây là điểm mới có khả năng tạo đột phá cho tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong Vùng. Bộ KH&CN đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung xây dựng 3 khu trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại miền Bắc - Trung - Nam.
"Tại miền Bắc, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã cơ bản hoàn thành, có nhiều chính sách nổi trội nhằm khuyến khích các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và kết nối chặt chẽ với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của khu vực và thế giới", ông Đạt cho hay.
Do đó, Bộ trưởng Bộ KH&CN cho rằng, việc xây dựng và hình thành trung tâm đổi mới sáng tạo Vùng đồng bằng sông Hồng nhất thiết phải có sự kết nối với các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, nhất là NIC. Đồng thời, cũng cần thiết sớm xác định địa phương nào trong Vùng là nơi đặt trung tâm đổi mới sáng tạo của vùng. "Bộ KH&CN sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ ngành liên quan, các địa phương trong vùng thảo luận và sẽ báo cáo Thủ tướng trong thời gian tới", ông Đạt nêu rõ.