
Phát hành mới, phương án có khả thi?
Với chiến dịch quảng cáo giai đoạn cuối năm 2007 với các thông tin liên quan đến dự án bệnh viện, kế hoạch tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, rồi mục tiêu hướng đến nắm giữ trên 80% thị phần... khiến không ít NĐT sẵn sàng bỏ qua quá khứ thua lỗ của BBT để hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn của DN. Tuy nhiên, thành quả đâu chưa thấy, hiện tại, chỉ thấy một loạt rắc rối liên quan đến vấn đề tài chính. Câu trả lời của ông Tạ Xuân Thọ, Tổng giám đốc BBT tại ĐHCĐ hôm 14/7 về nguy cơ BBT đứng trước bờ vực phá sản, "thậm chí ngân hàng có thể phát mại tài sản của Công ty ngay trong tháng 9 tới" đã như gáo nước lạnh đổ vào phần nhiệt huyết còn lại của cổ đông. Công cuộc tìm kiếm một lối thoát cho BBT dường như rơi vào bế tắc, nhất là khi cổ đông nhà nước là Công ty Dệt may Gia Định không đồng ý phương án phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược của BBT.
Giống như "sắp chết vớ được cọc", việc cổ đông chiến lược chấp nhận mua cổ phiếu vào lúc này dường như là giải pháp khả thi và duy nhất. Vì vậy, không ít ý kiến cho rằng, việc Công ty Dệt may Gia Định không thông qua phương án phát hành là hành động... ném đá vào hội nghị.
Tạm tin vào sự chính xác của báo cáo tài chính quý I/2008 của BBT thì nợ ngắn hạn là 44,74 tỷ đồng, nợ dài hạn là 10,54 tỷ đồng. Giả thiết toàn bộ vốn chủ sở hữu 68 tỷ đồng tài trợ cho tài sản dài hạn (trị giá 83 tỷ đồng) thì BBT vẫn phải sử dụng khoảng 4,5 tỷ đồng vốn vay ngắn hạn để đầu tư cho tài sản dài hạn. Đây thực sự là cơ cấu không hợp lý, nhất là khi BBT là đơn vị sản xuất, cần nhiều vốn lưu động. Trong khi đó, năng lực cạnh tranh của BBT không cao. Doanh thu giảm khoảng 33% ngay trong quý I/2008 so với cùng kỳ năm trước, cộng với hàng tồn kho tăng khoảng 23% là dấu hiệu cho thấy sự thụt lùi của BBT. Đó là chưa kể tình trạng hàng tồn kho cuối quý I lớn hơn cả doanh thu thực hiện trong kỳ (doanh thu quý I là 10,065 tỷ đồng, trong khi hàng tồn kho trị giá 11,491 tỷ đồng, với 6,8 tỷ đồng thành phẩm).
Với khả năng quản lý tài chính và năng lực cạnh tranh yếu kém như hiện nay, liệu BBT có thể xoay chuyển tình thế với hơn 73 tỷ đồng tiền bán cổ phiếu cho cổ đông chiến lược (nếu phương án được thông qua và phát hành thành công)? Khi đó, cơ cấu vốn nợ trên vốn chủ sở hữu của BBT sẽ có sự thay đổi tích cực, nhưng điều quan trọng không phải là việc BBT "kéo dài sự sống", mà vấn đề là Công ty sẽ đi lên hay tiếp tục chuỗi ngày lay lắt? Cũng có thể, BBT sau khi có thêm "máu" sẽ "sống" trong vòng 5 - 10 năm tiếp theo, nhưng nếu không cải tổ, không có hướng đi rõ ràng, thì BBT chỉ là mang ý nghĩa "tồn tại". Khi đó, ai muốn đầu tư vào một cổ phiếu mà hoạt động của DN chỉ ở mức... không lỗ hoặc có chút đỉnh lợi nhuận?
Rõ ràng, với một cơ cấu tài chính khập khiễng như vậy, việc BBT lâm vào hoàn cảnh khó khăn là tất yếu. Nguồn gốc sâu xa của việc này là do năng lực quản trị tài chính yếu kém của lãnh đạo Công ty trong quá trình lên kế hoạch kinh doanh của dự án (nhất là dự án nhập dây chuyền sản xuất bông và băng vệ sinh trị giá 100 tỷ đồng, nhưng thiết bị không đồng bộ) cũng như chuẩn bị nguồn tiền cho hoạt động kinh doanh chính. Bên cạnh đó, một lỗi không kém phần quan trọng thuộc về chính các cổ đông khi họ đã biểu quyết thông qua những kế hoạch lớn của Công ty. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của quá khứ, bài toán hiện tại là chấp nhận phá sản hay tìm hướng đi mới cho BBT.
Kinh nghiệm của Công ty Du lịch Dầu khí Phương Đông
Trên thế giới, một sự kiện có liên quan là việc Microsoft đàm phán với HĐQT của Yahoo để mua lại công ty này. Tất nhiên, Yahoo không phải là đơn vị làm ăn kém, mà ngược lại, còn là "con mồi thèm khát" của Microsoft. Điều đáng quan tâm ở đây là vai trò của HĐQT đối với số mệnh của Yahoo. HĐQT Yahoo đã từ chối lời đề nghị mua lại cổ phiếu của Yahoo của Microsoft, với tổng giá trị lên tới 51 tỷ USD (tương đương mức 37,8 USD/cổ phiếu trong khi giá thị trường tại thời điểm đó khoảng 24 USD/cổ phiếu), với lý do giá này quá rẻ so với giá trị thực của Yahoo. Rõ ràng, HĐQT trong tình huống này đã được giao trọng trách bảo vệ tối đa quyền lợi của cổ đông, kể cả quyền quyết định việc mua - bán, sáp nhập DN nếu như cổ đông được lợi.
Ông Lê Tiến Phước Cố vấn đầu tư CTCP Đầu tư Trúc Anh (đơn vị muốn mua 40% số cổ phần phát hành thêm của BBT), đồng thời là Thành viên HĐQT Bông Bạch Tuyết
Trước khi có ý định đầu tư vào Bông Bạch Tuyết, Trúc Anh đã nghiên cứu kỹ đặc điểm của Công ty, môi trường kinh doanh, các đối thủ cạnh tranh. Nếu Trúc Anh trở thành cổ đông chiến lược của BBT, chúng tôi sẽ nỗ lực đưa BBT "sống" lại trong vòng 1 năm tới. Kế hoạch hành động cụ thể sau việc mua cổ phần (nếu có) là bí mật kinh doanh của Công ty, tuy nhiên, chúng tôi sẽ cùng HĐQT BBT xem xét lại cách sản xuất, đường hướng kinh doanh.
Tại BBT, nếu xem xét kỹ sẽ thấy, có một số mặt hàng tồn kho nhiều, chi phí lớn mà lợi nhuận thấp, nên việc cơ cấu lại danh mục sản phẩm là điều cần thiết. Về chuyện thay đổi Ban giám đốc, tôi nghĩ rằng, điều này chưa cần nghĩ tới bởi họ còn quá mới, 6 tháng làm việc không thể biến một công ty từ tình trạng "nguy kịch" trở nên sống khỏe mạnh được.
|
Trở lại câu chuyện BBT, một câu hỏi đặt ra là: tại sao có tổ chức muốn đầu tư vào BBT mà cổ đông nhà nước lại không chịu? Có phải Dệt may Gia Định không tin vào năng lực của BBT hay BBT cần nỗ lực tìm ra giải pháp khác để không làm pha loãng quyền sở hữu của cổ đông nhà nước?
Khách quan mà nói, một giải pháp để có thể đáp ứng được yêu cầu không giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông hiện hữu, lại giúp DN vượt qua tình thế này thực sự không đơn giản, bởi ai có thể cho BBT vay trong tình trạng ngấp nghé bờ vực phá sản? Hơn nữa, nếu một DN nào đó đủ tốt cho BBT vay vốn, liệu BBT có khả năng sinh lời đủ trả lãi vay? Với 10 tỷ đồng phải trả lãi vay/năm hiện tại, nếu BBT được cấp thêm khoảng 30 tỷ đồng vốn hoạt động, với mức lãi suất 21%/năm, thì mỗi năm, tổng chi phí lãi vay của BBT khoảng 16 tỷ đồng, bằng 25% doanh thu (giả thiết lũy kế 4 lần theo kết quả doanh thu quý I/2008).
Như vậy, nếu phương án phát hành mới không được thông qua và những gì mà ông Thọ nhận định về BBT là chính xác, nhiều khả năng BBT sẽ biến mất. Với vốn điều lệ 68 tỷ đồng, tổng giá trị tài sản 100 tỷ đồng, nợ 47 tỷ đồng, BBT có 53 tỷ đồng thuộc về chủ sở hữu. Như vậy, giá trị sổ sách của cổ phiếu BBT khoảng 8.000 đồng/CP, nhưng nếu để BBT phá sản, 8.000 đồng/CP kia sẽ còn lại bao nhiêu? Trong khi đó, một tổ chức (Công ty Trúc Anh) sẵn sàng mua lại cổ phiếu BBT với giá 9.000 đồng/CP, chẳng phải là cao hơn? Vấn đề đáng bàn là năng lực của Trúc Anh thế nào, liệu có đủ sức giúp BBT vượt qua sóng gió này hay không.
Trường hợp của BBT có phần giống trường hợp của CTCP Du lịch Dầu khí Phương Đông trước đây. Tính đến 31/12/2006, Công ty Du lịch Dầu khí Phương Đông có tổng vốn chủ sở hữu 7,218 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả lên đến 77,726 tỷ đồng. Sở dĩ có tình trạng này vì trong quá trình đầu tư xây dựng (Khách sạn Phương Đông), Công ty này đã dùng quá nhiều vốn vay để tài trợ dự án. Và quá trình thi công đã phải hoãn lại do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính - tiền tệ Đông Á 1997. Khi dự án mới đi được nửa chặng đường thì ngân hàng ngừng cấp vốn, Công ty không có vốn để thi công tiếp. Doanh thu từ dự án không có trong khi chi phí lãi vay và các khoản nợ quá hạn tăng lên, đó là chưa kể công suất sử dụng phòng thấp do lượng khách du lịch giảm đột ngột... Tình cảnh thua lỗ và nợ chồng chất cuối cùng cũng được tháo gỡ khi Tập đoàn Dầu khí đứng ra trả toàn bộ nợ vào quý I/2007 và chuyển Công ty về trực thuộc Tập đoàn. Nguồn "máu" mới đã ngay lập tức giúp Công ty có lãi gần 200 triệu đồng trong 6 tháng đầu năm 2007, thay vì cứ lỗ triền miên như các năm trước. Đến cuối năm 2007, Du lịch Dầu khí Phương Đông đã thực hiện IPO với giá gấp hơn 2 lần mệnh giá.
Theo ông Hoàng Trung Hưng, Tổng giám đốc CTCP Du lịch Dầu khí Phương Đông: "Giải quyết số nợ quá lớn là nguyên nhân quan trọng, nhưng để một công ty chuyển từ lỗ sang lãi là tổng hợp các yếu tố, bao gồm con người, hệ thống bộ máy quản lý điều hành và các hoạt động đoàn thể... cùng lúc vận hành đồng bộ, nhịp nhàng để mang lại tinh thần chung cho tất cả mọi người, giúp Công ty vượt qua khó khăn".
Thiết nghĩ, thay vì tìm nguyên nhân và đổ lỗi cho ai là "kẻ tội đồ" của BBT, tìm ra lối đi để các cổ đông đỡ bị thiệt hại nhất mới là điều quan trọng. Bài học của Du lịch Dầu khí Phương Đông còn đó, "mạnh thường quân" có lẽ cũng không khó tìm, tại sao không tìm cho BBT một lối đi mới, thay vì cố gắng gượng trên vũng lầy cũ? Đây là vấn đề cấp thiết cho BBT lúc này, vì nếu càng kéo dài, thiệt hại cho cổ đông càng lớn, do không có doanh thu nhưng vẫn phải chịu hàng loạt chi phí liên quan đến lãi vay ngân hàng và trả lương người lao động và rất nhiều các khoản phải nộp khác.