Thủy sản Minh Phú đã có một năm 2015 làm ăn thua lỗ. Tuy trong quá khứ, Minh Phú cũng từng bị thua lỗ nhưng 7 năm qua, giới đầu tư đã quen với một Minh Phú tràn đầy năng lượng: doanh thu tăng trưởng trung bình hằng năm hơn 40%, đứng đầu thế giới về xuất khẩu tôm, hướng đến giấc mơ tỉ đô ngay trong năm 2015.
Vì thế, ít ai ngờ Minh Phú có thể rơi mạnh như vậy, hoàn toàn vượt ngoài dự đoán. So với cùng kỳ, doanh thu năm 2015 của Minh Phú giảm gần 19%; còn lợi nhuận thì bị âm. Khi đặt con số thua lỗ gần 7 tỷ đồng của Minh Phú bên cạnh doanh thu hàng chục ngàn tỷ đồng và Công ty từng lãi khủng gần 1.000 tỷ đồng ở năm trước đó, mới thấy được sự khắc nghiệt mà Minh Phú trải qua.
Có thể thấy Minh Phú luôn là bị đơn trong các đợt thẩm tra chống bán phá giá từ Bộ Thương mại Mỹ (DOC). Mức thuế chống bán phá giá áp cho Minh Phú cũng luôn ở diện cao nhất nhì. Trong lần xem xét thứ 9 (POR9), chẳng hạn, thuế chống bán phá giá dành cho Minh Phú ở mức cao nhất, 1,39%. Trước đó, ở kỳ POR8, mức thuế áp lên Minh Phú là 4,98%, chỉ đứng sau Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex).
Với việc liên tục bị “chiếu tướng”, con tôm của Minh Phú gặp không ít gian nan khi vào đất Mỹ. Tuy nhiên, bất chấp Mỹ làm khó làm dễ, theo thông tin từ Công ty, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu tôm chính của Minh Phú, chiếm khoảng 35% tổng sản lượng tiêu thụ của Công ty.
Những rào cản kỹ thuật và thương mại dựng lên từ các quốc gia nhập khẩu tuy tạo thêm chướng ngại nhưng dường như chưa đủ sức quật ngã Minh Phú. Cú ngã đau trong năm 2015 của Minh Phú, được chính Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Lê Văn Quang chỉ ra là do tỷ giá.
Năm 2015, những quốc gia cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong xuất khẩu tôm đều giảm mạnh đồng nội tệ so với đồng USD như đồng rupiah của Indonesia giảm tới 42%, rupee của Ấn Độ mất giá 20%. Kết quả là tôm của các nước này vào Mỹ với một mức giá mà như ông Lê Văn Quang nói là “rẻ không tưởng tượng nổi”. Với giá đó, tôm Việt Nam bỗng nhiên đắt hơn tôm các nước này đến hơn 20%.
|
Lợi nhuận sau thuế của Thủy sản Minh Phú
|
Việt Nam mất khả năng cạnh tranh không chỉ ở thị trường Mỹ mà còn ở các thị trường khác. Bằng chứng là Việt Nam để tuột mất gần 60 thị trường vào tay các đối thủ. Và ở những thị trường chính, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu tôm đều đồng loạt giảm mạnh, như ở Mỹ giảm 35,4%, châu Âu giảm 18%, Nhật giảm 22,8%, Trung Quốc giảm 17%... Riêng với Minh Phú, số liệu nửa đầu năm 2015 cho thấy tất cả các thị trường chủ lực đều sụt giảm trên 20%.
Kinh doanh sa sút còn vì lý do sản lượng tôm các nước đã phục hồi trở lại, gây bất lợi cho tôm Việt Nam nói chung và tôm của Minh Phú nói riêng. Theo Rabobank, sản lượng tôm các nước ước tăng khoảng 6% trong năm 2015. Trong khi đó, tôm Việt Nam chịu sức ép từ giá đầu vào cao, cộng thêm nuôi tôm thiếu chuyên nghiệp khiến Việt Nam càng cách biệt trong cạnh tranh so với các nước.
Ông Lê Văn Quang cho rằng Công ty vẫn có thể kiếm lời nếu mua tôm nguyên liệu theo giá thị trường. Nhưng đó sẽ là mua lại dưới giá thành, khiến người nuôi không còn động lực tiếp tục nuôi tôm và doanh nghiệp sẽ gặp khó vì thiếu nguyên liệu. Do đó, Minh Phú phải chấp nhận “chịu trận”.
Nhưng dù nói gì thì các nguyên nhân kể trên không mới. Từ năm 2006, trong báo cáo thường niên, Minh Phú đã cho thấy họ là doanh nghiệp dễ bị tổn thương trước tác động từ yếu tố vĩ mô, điều kiện tự nhiên và biến động thị trường.
Đặc biệt, những khó khăn trong ngành tôm như thiếu nguyên liệu, các rào cản phi thuế quan, rủi ro trong thay đổi cung cầu thị trường, cạnh tranh với các đối thủ, rủi ro tỷ giá... đều được lãnh đạo Công ty nhìn ra từ sớm. Nhưng cho đến nay, Minh Phú vẫn chưa tìm được một tấm khiên đủ vững để giúp Minh Phú phòng vệ tốt hơn trước những tác động bên ngoài.
Hiện tại Minh Phú vẫn lao đao trước các biến động của thị trường. Điều này thể hiện qua con số thuê ngoài trong khâu bán hàng, chiếm hơn 680 tỷ đồng. Mức độ chi mạnh cho bán hàng, liên quan đến các chi phí như hoa hồng cho đại lý, cho các đơn vị ủy thác xuất khẩu... đã ít nhiều phản ánh sự thất thế trong cạnh tranh ở Minh Phú. Công ty phải chi mạnh, chấp nhận chi phí ăn mòn lợi nhuận hơn để có được khách hàng và duy trì doanh số.
Đặc biệt, câu chuyện tỷ giá dường như vẫn đủ sức công phá Minh Phú. Nếu như năm 2008, Minh Phú chỉ bị lỗ khoảng 11 tỷ đồng từ chênh lệch tỷ giá thì năm 2015 con số này là hơn 200 tỷ đồng, theo báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty. Ảnh hưởng của tỷ giá lên Minh Phú khá thường xuyên, khiến thị trường không khỏi thắc mắc vì sao Minh Phú không thực hiện bảo hiểm tỷ giá.
Minh Phú dường như cũng chậm chân hơn so với các công ty cùng ngành trong việc xoay chuyển tình hình. Đơn cử, Sao Ta - một công ty con của Hùng Vương và cũng xuất khẩu tôm như Minh Phú - đã tìm cách để Mỹ phải cho Sao Ta bán hàng ở Mỹ với thuế chống bán phá giá bằng 0%. Công ty này cũng linh hoạt trong chuyển đổi thị trường, tìm cách mở rộng vào thị trường EU, từ tỉ lệ 7% năm 2014 lên khoảng 15% năm 2015 để tận dụng ưu đãi thuế 0% khi hiệp định FTA giữa Việt Nam và EU có hiệu lực từ năm 2016. Nhờ đó, dù doanh thu 9 tháng đầu năm 2015 tại thị trường Mỹ của Sao Ta giảm 25% thì thị trường EU lại tăng gần 300%.
Ngoài bán tôm đông lạnh, Sao Ta còn bán tôm thành phẩm (tôm bao bột, tôm chiên). Đây là mảng kinh doanh đem lại nhiều giá trị gia tăng, với tỉ suất lợi nhuận gộp chiếm 29% doanh thu nông sản. Kết quả là cả năm 2015, Sao Ta lãi 95 tỷ đồng trên doanh số khoảng 3.000 tỷ đồng.
Sao Ta sẽ tiếp tục đẩy mạnh tôm thành phẩm với mục tiêu đạt tăng trưởng 20-30% mỗi năm. Riêng về Minh Phú, ông Lê Văn Quang cho biết Minh Phú đang nghiên cứu cách thức sản xuất mới, sao cho giá thành giảm gần một nửa, đủ sức cạnh tranh mà vẫn đảm bảo người nuôi có lời, giúp doanh nghiệp có thêm sự chủ động trong nguồn nguyên liệu chế biến.
Một tin vui là theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm có thể tăng trở lại vào năm 2016. Đây là cơ sở để Minh Phú lạc quan hơn trong năm 2016. Nhưng dù như thế nào, nhà đầu tư mong đợi lãnh đạo Minh Phú sẽ sớm rút kinh nghiệm để có bước đi uyển chuyển, chắc chắn, tận dụng các ưu thế và kinh doanh bền vững hơn.