Vừa lên UPCoM, cổ đông lớn vội thoái vốn

(ĐTCK) Trong khi việc thoái vốn Nhà nước là cơ hội để doanh nghiệp làm mới mình, thì việc cổ đông chiến lược rút vốn ngay khi doanh nghiệp vừa lên sàn có thể tạo ra những xáo trộn nhất định.
Giới đầu tư đang chờ đợi việc thoái vốn của SCIC tại FPT Telecom Giới đầu tư đang chờ đợi việc thoái vốn của SCIC tại FPT Telecom

Cổ đông lớn thoái vốn...

Mới gia nhập UPCoM từ 23/12, Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (mã SEA) đang chuẩn bị cho việc chia tay cổ đông lớn gắn bó trong 2 năm qua là CTCP Xuất nhập khẩu tổng hợp miền Nam (thành viên của Geleximco).

Công ty này vừa đăng ký bán ra 18,75 triệu cổ phần SEA, tương đương 15% vốn điều lệ SEA. Đây là lượng cổ phần còn lại trong tổng số 35% cổ phần được nhóm cổ đông liên quan đến Geleximco mua trong đợt IPO của SEA năm 2014. Nếu thành công, Geleximco sẽ không còn là cổ đông của SEA.

Nguyên nhân của cuộc chia tay được cho là bởi những mâu thuẫn không thể giải quyết giữa Geleximco và cổ đông Nhà nước trong việc đầu tư dự án tại khu đất số 2 - 4 - 6 Đồng Khởi, quận I, TP.HCM, một trong những khu “đất vàng” mà SEA đang nắm giữ.

Hiện tại, danh tính của cổ đông mới vẫn chưa lộ diện, nhưng đại diện SEA cho biết: “Có lẽ bên mua là tổ chức lớn, bởi số lượng cổ phần bán ra là rất lớn”. Tính theo thị giá cổ phiếu SEA chốt phiên giao dịch 27/12 là 20.900 đồng/CP, số cổ phần SEA nêu trên giá trị gần 392 tỷ đồng.

Với lợi thế về “đất vàng”, đợt thoái vốn của Geleximco có thể sẽ được các doanh nghiệp bất động sản quan tâm. Nhiều ý kiến đồn đoán về khả năng, CTCP Nova Bắc Nam 79, cổ đông lớn vừa mua vào  20,01% vốn, sẽ mua thêm cổ phần để gia tăng sở hữu tại SEA.

Tương tự, sau khi CTCP Vận tải dầu khí Thái Bình Dương (mã PVP) đưa cổ phiếu lên sàn từ ngày 20/12, thì ngay sau đó, cổ đông lớn nắm 10,13% vốn PVP là CTCP Quản lý quỹ PVI (PVI AM) công bố đăng ký thoái toàn bộ số vốn này. Đáng chú ý, trước thời điểm thoái vốn, cổ phiếu PVP tăng trần 3 phiên liên tiếp từ mức giá 11.000 đồng/CP lên 20.300 đồng/CP (tăng 84,5%). Hiện tại, PVP đang giao dịch quanh mức 18.800 đồng/CP (giá chốt phiên 27/12).

PVP có vốn điều lệ 942,75 tỷ đồng, là 1 trong 12 thành viên của Tổng CTCP Vận tải dầu khí (mã PVT, nắm giữ 64,9% vốn). Các cổ đông lớn còn lại của PVP là CTCK Vietcombank (VCBS) nắm giữ 12,73% vốn và CTCP Quản lý quỹ đầu tư tài chính dầu khí sở hữu 8,96% vốn.

Cũng có thể có sự thay đổi cổ đông lớn ngay sau khi lên sàn là CTCP Thủy điện Sông Chảy 5 (mã SCH), khi CTCP Sông Đà 5, công ty mẹ của SCH, vừa đăng ký bán 13,2 triệu cổ phần, tương đương 88% vốn SCH từ 23/12/2016 đến 20/1/2017.

Kế hoạch thoái vốn của SD5 đã được ban lãnh đạo doanh nghiệp thông qua từ tháng 8, sau nhiều lần sửa đổi, vào giữa tháng 12 này, phương án được thống nhất là bán khớp lệnh qua sàn, với giá tối thiểu không thấp hơn 13.900 đồng/CP. Hiện cổ phiếu SCH giao dịch quanh mức giá 12.100 đồng/CP.

Nhà Nước cũng thoái vốn...

Đối với các doanh nghiệp đại chúng, lên sàn UPCoM là cơ hội để cổ đông có thể giao dịch cổ phiếu công khai, minh bạch, đồng thời tạo điều kiện cho Nhà Nước thực hiện thoái vốn.

UBND tỉnh Lạng Sơn vừa đăng ký bán hơn 2,2 triệu cổ phiếu NLS của CTCP Cấp thoát nước Lạng Sơn nhằm giảm tỷ lệ sở hữu tại đây từ 95,05% về còn khoảng 51%. Kể từ khi NLS lên UPCoM vào cuối tháng 7, UBND Lạng Sơn đã 1 lần đăng ký bán, nhưng không thành công.

Tại CTCP Xuân Hòa Hà Nội (XHC), UBND TP. Hà Nội đăng ký bán toàn bộ hơn 8 triệu cổ phiếu XHC đang nắm giữ , tương đương 40% vốn. Việc thoái vốn tại XHC nằm trong kế hoạch thoái vốn Nhà nước giai đoạn 2016-2020 tại 96 doanh nghiệp mà UBND Thành phố công bố hồi tháng 9 năm nay. Trong số này, có một số doanh nghiệp cũng vừa lên UPCoM như CTCP Giày Thượng Đình (GTD), CTCP Dịch vụ môi trường đô thị Từ Liêm (MTL), CTCP Nước sạch số 2 Hà Nội (NS2)…

Một số ý kiến cho rằng, việc rút lui của cổ đông lớn ngoài lý do cơ cấu lại danh mục đầu tư, cũng có thể là vì không còn “mặn mà” với doanh nghiệp. Trong khi đó, ở các đợt bán vốn Nhà nước, nhất là tại các doanh nghiệp lớn, kinh doanh hiệu quả, việc thoái vốn có thể là bước ngoặt của doanh nghiệp, cũng như cơ hội lớn của nhà đầu tư.

Hiện giới đầu tư đang chờ đợi đợt thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại CTCP Viễn thông FPT (FPT Telecom), khi chủ trương thoái vốn đã rõ ràng và FPT Telecom đã được cấp mã giao dịch trên UPCoM (mã FOX). SCIC đang nắm 62,5 triệu cổ phần (50,16% vốn) và Công ty mẹ FPT nắm 56,88 triệu cổ phần (45,64% vốn). Còn lại 4,18% thuộc về các cổ đông khác.

Theo thông tin từ Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), trong kế hoạch thoái vốn tại 10 doanh nghiệp nhà nước hàng đầu, khả năng năm nay sẽ chỉ thoái vốn Nhà nước tại Vinamilk, 9 doanh nghiệp lớn còn lại (trong đó có FPT Telecom) sẽ được thực hiện muộn nhất vào đầu năm 2017.               

Anh Quốc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục