Vụ Việt Á: Hé lộ vai trò giúp sức tích cực của cựu Vụ phó Bộ Khoa học Công nghệ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Kết luận điều tra của C03 – Bộ Công an, bị can Trịnh Thanh Hùng, Vụ phó Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) có vai trò quan trọng giúp Công ty Việt Á chiếm đoạt công trình nghiên cứu của Nhà nước sau đó nâng khống giá kit test Covid-19 rồi bán lại cho chính Nhà nước và nhân dân, thu lời bất chính gần 1.235 tỷ đồng.
Bị can Trịnh Thanh Hùng, cựu Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ KHCN). Bị can Trịnh Thanh Hùng, cựu Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ KHCN).

Giúp Việt Á chiếm đoạt công trình nghiên cứu của Nhà nước

Theo Kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an (C03) về vụ án hình sự "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”… xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan; toàn bộ quá trình vi phạm của Công ty Việt Á có sự giúp sức của hàng loạt quan chức thuộc Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Y tế và các tỉnh thành: Hà Nội, Hải Dương, Nghệ An, Bắc Giang, Bình Dương…

Tại Bộ KHCN, nổi lên là vai trò của cựu Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật – ông Trịnh Thanh Hùng (sinh năm 1966, quê quán Nam Định, đang sống ở Hà Nội).

Theo đó, đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, thực hiện chủ trương của Chính phủ và Bộ KHCN về việc chủ động nghiên cứu, phục vụ công tác phòng, chống dịch; Học viện Quân y đã ra chủ trương giao Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự (đơn vị trực thuộc Học viện) tiến hành nghiên cứu, chế tạo bộ sinh phẩm phát hiện vi rút Corona (kit test, test xét nghiệm).

Mặc dù văn bản đề xuất của Học viện Quân y gửi Bộ KHCN không đề cập đến Công ty Việt Á tham gia nghiên cứu nhưng do đã từng hợp tác với Công ty Việt Á nên Trịnh Thanh Hùng đã bàn bạc với Phan Quốc Việt (cựu Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á) rồi gọi điện cho Hồ Anh Sơn (Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự) yêu cầu trong đề xuất của Học viện Quân y phải đưa Công ty Việt Á là đơn vị tham gia phối hợp nghiên cứu với lý do trước đây Học viện Quân y đã hợp tác với Công ty Việt Á nghiên cứu, thương mại hóa Test xét nghiệm Lao phổi. Hồ Anh Sơn đồng ý.

Sau khi có đề xuất nói trên của Học viện Quân y, Trịnh Thanh Hùng không chuyển cho Văn thư Bộ KHCN như thông lệ mà làm Tờ trình báo cáo trực tiếp ông Chu Ngọc Anh, thời đó là Bộ trưởng Bộ KHCN, đề xuất thành lập Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ KHCN độc lập cấp quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona và được Chu Ngọc Anh đồng ý.

Trịnh Thanh Hùng còn đề xuất gộp nhiệm vụ nghiên cứu với nhiệm vụ chế tạo 20.000 test xét nghiệm (mục đích giúp Công ty Việt Á được tham gia Đề tài vì Học viện Quân y chỉ có chức năng nghiên cứu, không có chức năng sản xuất), được các thành viên Hội đồng tư vấn đồng ý và ông Chu Ngọc Anh ký quyết định giao nhiệm vụ.

Sau đó, ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ KHCN ký quyết định thành lập Hội đồng tư vấn và Tổ thẩm định kinh phí gồm 14 thành viên thực hiện nhiệm vụ nói trên, Trịnh Thanh Hùng là Tổ trưởng Tổ thẩm định. Tổ này họp, xác định kinh phí của Đề tài là 18,98 tỷ đồng (từ ngân sách sự nghiệp KHCN trung ương), thời gian thực hiện là 18 tháng.

Bộ kit Việt Á có giá thành bao gồm 5% lợi nhuận là 143.461 đồng/bộ nhưng Việt Á nâng lên 470.000 đồng/bộ, cho dù Phan Quốc Việt khẳng định bán rẻ để ủng hộ Chính phủ chống dịch.

Bộ kit Việt Á có giá thành bao gồm 5% lợi nhuận là 143.461 đồng/bộ nhưng Việt Á nâng lên 470.000 đồng/bộ, cho dù Phan Quốc Việt khẳng định bán rẻ để ủng hộ Chính phủ chống dịch.

Theo quy định, công trình nghiên cứu thực hiện bằng ngân sách Nhà nước thì kết quả nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước (trường hợp này do Bộ KHCN quản lý). Tuy nhiên, Việt đã thông đồng với Trịnh Thanh Hùng để Công ty Việt Á được sử dụng, khai thác kết quả nghiên cứu Đề tài.

Sau đó, Trịnh Thanh Hùng tham mưu cho ông Phạm Công Tạc ký quyết định thành lập Hội đồng đánh giá nghiệm thu giai đoạn 1 của Đề tài, mặc dù theo quy định chỉ nghiệm thu khi kết thúc đề tài. Việc này nhằm hợp thức hoá hồ sơ giúp Công ty Việt Á (vào tháng 2/2020) lập hồ sơ đăng ký xin Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành, sản xuất, kinh doanh kit test (do không có văn bản chuyển giao dự án của Bộ KHCN cho Công ty Việt Á).

Bằng cách này, Hùng đã giúp sức tích cực cho Công ty Việt Á biến công trình nghiên cứu khoa học của Nhà nước thành sản phẩm thương mại của Công ty Việt Á.

Sau khi chiếm được đề tài, Phan Quốc Việt đã thao túng hàng loạt quan chức Bộ Y tế và một trợ lý Phó Thủ tướng cùng một số quan chức địa phương để được cấp phép lưu hành, sản xuất, kinh doanh kit test và bán ra thị trường.

Cụ thể, Phan Quốc Việt đề nghị Nguyễn Văn Trịnh (cựu trợ lý Phó thủ tướng); Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế), Nguyễn Huỳnh (cựu Thư ký Nguyễn Thanh Long) can thiệp, tác động, chỉ đạo Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế) tham mưu, đề xuất để ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế ký quyết định cấp sổ đăng ký lưu hành tạm thời và sau đó là đăng ký lưu hành chính thức kit xét nghiệm Covid-19 cho Công ty Việt Á, mặc dù Việt Á thiếu hồ sơ để được cấp phép.

Khi Công ty Việt Á sản xuất thương mại, bán 200.000 kit xét nghiệm cho Bộ Y tế, Phan Quốc Việt đã nâng khống giá gấp gần 3 lần (giá thành bao gồm 5% lợi nhuận là 143.461 đồng/bộ kit nhưng Việt Á nâng giá lên 470.000 đồng/bộ) nhưng Phan Quốc Việt vẫn khẳng định là bán rẻ để ủng hộ Chính phủ chống dịch.

Khi Bộ Y tế kiểm tra giá hiệp thương, xác định Công ty Việt Á không có hồ sơ chứng minh cấu thành giá bán 470.000 đồng/bộ kit; thậm chí thay đổi nguyên vật liệu sản xuất so với hồ sơ đăng ký lưu hành.

Tuy nhiên, Bộ Y tế không ra kết luận kiểm tra, không kiến nghị biện pháp xử lý; dẫn đến Công ty Việt Á tiếp tục sử dụng giá hiệp thương với Bộ Y tế đã được Phan Quốc Việt nâng khống, tạo mặt bằng giá để bán cho các đơn vị, địa phương.

Giúp Việt Á “đánh bóng” tên tuổi, gian dối chứng nhận của WHO, thu lời bất chính…

Đáng lưu ý, trong suốt quá trình Công ty Việt Á phối hợp với Học viện Quân y nghiên cứu đề tài và tổ chức sản xuất, tiêu thụ test xét nghiệm, Trịnh Thanh Hùng cùng Phan Quốc Việt đã cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí để “đánh bóng” sản phẩm test xét nghiệm của Công ty Việt Á.

Đồng thời, để khẳng định thương hiệu sản phẩm và được xuất khẩu ra nước ngoài, Trịnh Thanh Hùng đã bàn bạc và cùng Phan Quốc Việt làm các thủ tục, gửi hồ sơ đề nghị Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chứng nhận sản phẩm Test xét nghiệm cho Công ty Việt Á.

Ông Chu Ngọc Anh (trái) nhận "cảm ơn" 200 nghìn USD, ông Nguyễn Thanh Long nhiều lần "gợi ý" và nhận hối lộ 2,25 triệu USD

Ông Chu Ngọc Anh (trái) nhận "cảm ơn" 200 nghìn USD, ông Nguyễn Thanh Long nhiều lần "gợi ý" và nhận hối lộ 2,25 triệu USD

Mặc dù văn bản WHO chưa cấp chứng nhận test xét nghiệm đạt chất lượng nhưng Trịnh Thanh Hùng đã cung cấp để đăng văn bản này lên cổng thông tin điện tử của Bộ KHCN và đăng nhiều bài báo thể hiện thông tin sai sự thật “Sản phẩm test xét nghiệm của Công ty Việt Á đã được WHO cấp chứng nhận”.

Ông Chu Ngọc Anh còn chỉ đạo Trịnh Thanh Hùng tham mưu, phối hợp với Vụ Thi đua và Khen thưởng (Bộ KHCN) hoàn thiện thủ tục để ký quyết định tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ KHCN, ký tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ khen thưởng cho Công ty Việt Á và Phan Quốc Việt.

Đồng thời, ông Chu Ngọc Anh chỉ đạo ông Trần Văn Tùng (Thứ trưởng Bộ KHCN) ký văn bản đề nghị UBND TP.HCM khen thưởng cho Công ty Việt Á.

Kết quả điều tra xác định, trong tổng số gần 8,8 triệu test xét nghiệm mà Công ty Việt Á đã sản xuất trong các năm 2020 và 2021, Công ty Việt Á đã tiêu thụ là gần 8,4 test xét nghiệm, tổng giá trị hơn 3.929 tỷ đồng, đã được thanh toán hơn 5,9 triệu test xét nghiệm, với tổng giá trị hơn 2.257 tỷ đồng.

Hành vi này làm thiệt hại cho tài sản Nhà nước 18,9 tỷ đồng ngân sách nghiên cứu và hơn 402 tỷ đồng chênh lệch giá bán. Công ty Việt Á thu lời bất chính hơn 1.235 tỷ đồng từ việc bán kit xét nghiệm.

Từ nguồn thu này, Phan Quốc Việt đã chi hàng trăm tỷ đồng để ăn chia phần trăm ngoài hợp đồng và hối lộ quan chức. Đơn cử, Việt thoả thuận trước và chia cho Trịnh Thanh Hùng 350 nghìn USD (tương đương hơn 8 tỷ đồng); chi hoa hồng cho Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC Hải Dương) 27 tỷ đồng; chi “cảm ơn” ông Chu Ngọc Anh 200 nghìn USD (hơn 4,6 tỷ đồng); hối lộ ông Nguyễn Thanh Long 2,25 triệu USD (hơn 51 tỷ đồng); hối lộ cựu Thư ký ông Long 4 tỷ đồng, hối lộ Phạm Xuân Thăng (cựu Chủ tịch Hải Dương) 150 nghìn USD và 600 triệu đồng…

Từ trái sang: Nguyễn Minh Tuấn, Nguyễn Nam Liên, Trịnh Thanh Hùng - Ảnh: Bộ Công an

Từ trái sang: Nguyễn Minh Tuấn, Nguyễn Nam Liên, Trịnh Thanh Hùng - Ảnh: Bộ Công an

Từ kết quả điều tra nói trên, C03 kiến nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố 38 bị can trong vụ án này, trong đó có 6 bị can bị đề nghị truy tố tội “Nhận hối lộ” gồm: Nguyễn Thanh Long, Trịnh Thanh Hùng, Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ phó Vụ trang thiết bị y tế, Bộ Y tế), Nguyễn Huỳnh (Phó phòng quản lý giá thuốc, Bộ Y tế, cựu thư ký ông Long), Phạm Duy Tuyến (nguyên Giám đốc CDC Hải Dương), Nguyễn Nam Liên (Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế).

Hiện bị can Trịnh Thanh Hùng đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo khoản 4, Điều 354 Bộ Luật hình sự, tội “Nhận hối lộ” có khung hình phạt cao nhất là tử hình. Tuy nhiên, các bị can này có tình tiết giảm nhẹ là có lịch sử công tác tốt, thành khẩn khai báo; đến thời điểm ra kết luận, ông Long đã nộp lại phần lớn số tiền nhận hối lộ; Các bị can: Phạm Xuân Thăng, Trịnh Thanh Hùng, Nguyễn Huỳnh, Nguyễn Minh Tuấn, Nguyễn Nam Liên, Nguyễn Văn Trịnh đã nộp khắc phục toàn bộ số tiền nhận từ Việt.

Hoàng Yến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục