Vụ việc 100 container hạt điều xuất khẩu: Doanh nghiệp còn mắc kẹt hàng trăm tỷ đồng tiền cọc

0:00 / 0:00
0:00
Vụ việc 100 container hạt điều xuất khẩu có nguy cơ bị lừa đã được trả lại quyền sở hữu cho các doanh nghiệp Việt, nhưng hiện vẫn còn hàng trăm tỷ đồng tiền cọc chưa về với chủ.
Doanh nghiệp Việt Nam đang bị “treo" lại khoảng 150 tỷ đồng tiền cọc ở các hãng tàu trong vụ việc 100 container điều xuất khẩu. Doanh nghiệp Việt Nam đang bị “treo" lại khoảng 150 tỷ đồng tiền cọc ở các hãng tàu trong vụ việc 100 container điều xuất khẩu.

Sau một thời gian nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ và cơ quan liên quan, toàn bộ 100 container hạt điều hiện đã được trả lại quyền sở hữu cho các doanh nghiệp Việt Nam. Dù doanh nghiệp đã lấy lại hàng nhưng vẫn còn “treo” lại khoảng 150 tỷ đồng tiền cọc ở các hãng tàu.

Thông tin từ Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), hiện vẫn còn 30 container của 3 doanh nghiệp đã được các hãng tàu trả lại cho doanh nghiệp đưa về Việt Nam hoặc bán cho khách mới nhưng các hãng tàu đang giữ tiền cọc/bảo lãnh với thời hạn 18 tháng đến 6 năm.

Tổng số tiền cọc cho các container điều này vào khoảng 150 tỷ đồng, gây nhiều thiệt hại tài chính và khó khăn cho doanh nghiệp.

“1 container điều có giá trị khoảng 4 tỷ đồng, tiền cọc/bảo lãnh 125%-150% giá trị lô hàng thì doanh nghiệp ít nhất phải chi khoảng 5 tỷ đồng/container, 30 container tương đương khoảng 150 tỷ đồng”, Vinacas ước tính.

Bắt nguồn từ việc quá tin đơn vị môi giới, đó là một doanh nghiệp Việt kiều tại Mỹ - Công ty Kim Hạnh Việt, đầu năm nay, 6 doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng bán 100 container điều cho nhóm 5 công ty nhập khẩu Italia.

Tuy nhiên, thương vụ xuất khẩu này đã phát lộ nguy cơ lừa đảo (35 container mất bộ chứng từ gốc). Trong quá trình gửi hồ sơ nhờ thu từ ngân hàng Việt Nam tới các ngân hàng của người mua, ngân hàng tại Italia thông báo họ đã nhận được bộ chứng từ nhưng chỉ là chứng từ photocopy, không phải bản gốc.

Ngay khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, các doanh nghiệp Việt Nam phối hợp với các đơn vị đã kịp thời dừng không giao 26 container.

Trong số 74 container đã giao hàng xuống tàu thì có 39 container phía ta đã kịp thời dừng một số container tại cảng transit ở Singapore... cho quay trở lại Việt Nam. Một số container đã và đang trên đường đến cảng ở Italia thì phía Việt Nam đề nghị đơn vị chuyển phát chứng từ giao lại những bộ chứng từ gốc chưa giao cho ngân hàng người mua.

Trong số 35 container mất bộ chứng từ gốc, đã giải quyết được 30 container đưa về Việt Nam, bán cho khách hàng khác tại Italia hoặc bán sang nước thứ ba. Với 5 container còn nằm lại tại cảng Italia, sau một quá trình làm việc với các cơ quan chức năng của Italia, ngày 27/5, Tòa án dân sự Larino đã ra phán quyết trả lại quyền sở hữu của 3 container nằm trong phạm vi tố tụng của tòa này.

Ngày 15 và 16/6, Cảnh sát Kinh tế - Tài chính Napoli và Cảnh sát Quân đội cảng Genova đã ra quyết định trả 2 container cuối cùng cho doanh nghiệp Việt Nam.

Vụ việc đã kết thúc thành công, tránh được sự thua thiệt lớn do đã giữ lại được toàn bộ số hàng hóa, nhưng nhưng hiện nay các doanh nghiệp đang bị chôn vốn rất lớn từ tiền cọc bị treo lại, chưa kể lượng hàng hóa bán lại sang nước thứ 3 các doanh nghiệp còn chịu thiệt hại do lô hàng bán lại với giá rẻ hơn ban đầu. Đây là bài học rất xương máu cho ngành điều, nhiều doanh nghiệp đã bị lừa bởi các nhà môi giới.

Vinacas cho hay, sẽ tiếp tục phối hợp cùng Thương vụ Việt Nam tại Italia, luật sư của các doanh nghiệp và các doanh nghiệp đôn đốc, thực hiện các thủ tục pháp lý để các Tòa án Dân sự, Tòa Hình sự, Viện Công tố, Cảnh sát Kinh Tài và Cảnh sát Quân đội của Italia tiếp tục ra phán quyết cuối cùng có lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam liên quan đến số tiền cọc này.

Để tránh trường hợp xảy ra như vụ việc 100 container điều vừa qua, Vinacas khuyến cáo, các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu phải lựa chọn nhà môi giới có uy tín, phải xác minh lại thông tin của cả đơn vị môi giới lẫn đối tác nhập khẩu.

Từ kinh nghiệm giao dịch quốc tế, các chuyên gia thương mại lưu ý, các nhà xuất khẩu phải xác minh, đánh giá độ tín nhiệm của nhà mua hàng, đây là yêu cầu hàng đầu khi mà các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục