Vụ vi phạm quy định về đấu thầu tại Bệnh viện TP. Thủ Đức: Mở loạt công ty “sân sau” để thâu tóm 27 gói thầu

0:00 / 0:00
0:00
Với vai trò là Giám đốc Bệnh viện TP. Thủ Đức, từ năm 2016, Nguyễn Minh Quân đã cho thành lập các công ty “sân sau” để thâu tóm 27 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 81 tỷ đồng.
Bệnh viện TP. Thủ Đức (TP.HCM) Bệnh viện TP. Thủ Đức (TP.HCM)

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố đối với bị can Nguyễn Minh Quân, cựu Giám đốc Bệnh viện TP. Thủ Đức (TP.HCM) và 7 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trong vụ án này, bị can Nguyễn Minh Quân và Nguyễn Văn Lợi, Giám đốc Công ty Nguyễn Tâm bị đề nghị truy tố theo khoản 3, Điều 222, Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt từ 10 đến 20 năm tù.

Thành lập hàng loạt công ty “sân sau” để thông thầu

Kết quả điều tra xác định, từ năm 2016 đến năm 2020, Bệnh viện TP. Thủ Đức đã tổ chức đấu thầu 31 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế để phục vụ công tác khám chữa bệnh; trong đó có 2 gói thầu năm 2017 và 1 gói thầu năm 2020 đã phê duyệt kết quả trúng thầu, nhưng sau đó đã hủy hợp đồng, chưa thực hiện việc thanh toán cho nhà thầu.

Trong thời gian làm Giám đốc Bệnh viện TP. Thủ Đức, Nguyễn Minh Quân đã chỉ đạo Nguyễn Văn Lợi thành lập Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất Nguyễn Tâm, Công ty TNHH Dược phẩm Trung Dung, Công ty TNHH Thanh Vương Sài Gòn. Trong đó, Lợi đứng tên Giám đốc Công ty Nguyễn Tâm, Đồng Thị Xuân Thu (vợ Lợi) đứng tên Giám đốc Công ty Thanh Vương Sài Gòn, Phạm Thị Bích Chi (nhân viên kế toán của Công ty Nguyễn Tâm) đứng tên Giám đốc Công ty Trung Dung.

Bên cạnh đó, Quân giao Lợi quản lý 3 công ty này và Công ty TNHH Ngọc Đạo, do Nguyễn Trần Ngọc Diễm (vợ Quân) thành lập và đứng tên Giám đốc từ trước đó.

Liên quan 28 gói thầu trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến 2020, khi tham gia đấu thầu trang thiết bị y tế tại Bệnh viện TP. Thủ Đức, Quân chỉ đạo Lợi sử dụng 3 công ty trong nhóm 4 công ty trên để nộp hồ sơ dự thầu. Khi muốn công ty nào trúng thầu, thì sẽ chỉnh sửa thông tin, cố ý làm cho hồ sơ của công ty này tốt hơn hồ sơ của 2 công ty còn lại và đưa ra báo giá thấp hơn để trúng thầu.

Về phía Bệnh viện TP. Thủ Đức, khi tổ chức đấu thầu mua sắm thiết bị y tế, Quân ký các quyết định thành lập Tổ chuyên gia xét thầu và Tổ thẩm định thầu cho đủ thành phần và thủ tục theo quy định về đấu thầu, từ khâu lập dự toán đến tổ chức mời thầu, chấm thầu, ký hợp đồng.

Tuy nhiên, thực chất các tổ này không hoạt động theo quyết định được phân công và không thực hiện bất kỳ công việc gì liên quan đến đấu thầu, mà chỉ thực hiện nhiệm vụ ký hoàn thiện, hợp thức hồ sơ.

Về việc làm hồ sơ thầu, Quân trực tiếp chỉ đạo và giao Tổ mua sắm của Bệnh viện (gồm Ngô Trương Ngọc Bích, Trưởng phòng Vật tư trang thiết bị y tế; Đặng Thị Hiên, Trưởng đơn vị đầu tư dự án; Nguyễn Huy Việt, nhân viên Phòng Vật tư) phối hợp với Lợi thực hiện toàn bộ việc soạn thảo tất cả hồ sơ liên quan đến giá dự toán, tổ chức đấu thầu, mua sắm.

Các cán bộ này đã hợp thức hóa hồ sơ, ấn định cho nhóm 4 công ty do Lợi quản lý trúng 27 gói thầu tại Bệnh viện TP. Thủ Đức, với tổng giá trị 345 tỷ đồng.

Trên cơ sở Kết luận định giá tài sản của Bộ Y tế và Hội đồng Định giá tài sản trong tố tụng hình sự TP.HCM, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã xác định, tổng thiệt hại của các gói thầu này là 81,288 tỷ đồng.

Không thừa nhận hành vi vi phạm về đấu thầu

Bệnh viện TP.Thủ Đức tiền thân là Trung tâm Y tế huyện Thủ Đức, đến năm 2007, được chuyển thành Bệnh viện quận Thủ Đức, trực thuộc UBND quận Thủ Đức, do Nguyễn Minh Quân giữ chức vụ Giám đốc, đại diện pháp luật.

Cuối năm 2016, đơn vị này được đổi tên thành Bệnh viện TP. Thủ Đức, là đơn vị trực thuộc Sở Y tế TP.HCM. Thời điểm này, Bệnh viện bắt đầu thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính.

Tại Cơ quan điều tra, Nguyễn Minh Quân khai, mục đích chỉ đạo Lợi thành lập nhiều công ty là để tham gia đấu thầu mua bán thiết bị, vật tư y tế cung cấp cho Bệnh viện, vì Lợi là chỗ tin tưởng.

Thêm vào đó, cựu Giám đốc Bệnh viện TP. Thủ Đức cũng cho rằng, động cơ chỉ định các công ty do Lợi thành lập trúng thầu vì sợ nếu để các đơn vị khác trúng thầu, thì không yên tâm về chất lượng máy móc, thiết bị.

Bị cáo này khai nhận, toàn bộ tiền vốn kinh doanh của các công ty trên đều là tiền của mình, giao cho Lợi quản lý toàn bộ, khi nào cần thanh toán hoặc mua bất động sản, xe ô tô hoặc tiêu dùng, thì Lợi chuyển tiền thanh toán hoặc đưa tiền mặt cho vợ chồng Quân.

Tuy nhiên, Quân không thừa nhận việc chỉ đạo các tổ chấm thầu của Bệnh viện ký hợp thức hồ sơ, ấn định cho các công ty do Lợi quản lý trúng thầu; không ý thức được hành vi sai phạm của mình, đổ lỗi cho cấp dưới thực hiện không đúng quy định pháp luật về đấu thầu, đồng thời cho rằng, bản thân chỉ liên đới chịu trách nhiệm với vai trò người đứng đầu.

Thêm vào đó, ngoài tình tiết lợi dụng chức vụ, quyền hạn, Quân còn phạm tội với động cơ vụ lợi. Theo đó, kết quả điều tra xác định, khoản lợi nhuận từ việc trúng 27 gói thầu, sau khi trừ đi chi phí trả lương cho nhân viên, chi phí phục vụ hoạt động của nhóm các công ty, thì đều chuyển về cho vợ chồng Quân. Tổng số tiền hưởng lợi của vợ chồng Quân đối với 27 gói thầu là 103,6 tỷ đồng, được xác định là tiền thu lợi bất chính cần phải thu hồi.

Từ các hồ sơ, căn cứ đã thu thập được và lời khai của các bị can liên quan, Cơ quan điều tra khẳng định, đây là hành vi thông thầu, gian lận trong đấu thầu, không đảm bảo minh bạch trong hoạt động đấu thầu.

Bị can Nguyễn Minh Quân thực hiện hành vi phạm tội với vai trò chủ mưu, cầm đầu; phải chịu trách nhiệm hình sự về hậu quả thiệt hại của 27 gói thầu, với tổng số tiền trên 81 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, bị can chưa thành khẩn khai báo, đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm cho cấp dưới, nên cần xử lý nghiêm để đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung.

Hai phó giám đốc Bệnh viện được chi ngoài 10 triệu đồng/tháng trong 3 năm

Trong quá trình thực hiện các gói thầu, từ năm 2017 đến 2020, Quân đã chỉ đạo Lợi “chi bồi dưỡng” cho 2 phó giám đốc Bệnh viện TP. Thủ Đức là Nguyễn Lan Anh và Nguyễn Thị Ngọc, mỗi người 10 triệu đồng/tháng, bằng hình thức chuyển khoản vào tài khoản cá nhân.

Ngoài ra, sau mỗi đợt bán hàng vật tư tiêu hao (hóa chất, răng giả, thạch cao, thuốc tê, dịch chạy thận, quả lọc, dây truyền máu...) cho Khoa Thận nhân tạo và Khoa Răng hàm mặt, Quân cũng chỉ đạo Lợi duyệt chi 5% là tiền “chi ngoài” cho khoa, nhưng chuyển vào tài khoản cá nhân của Ngọc và Lan Anh.

Trong hoạt động đấu thầu mua sắm tại Bệnh viện, Ngọc được giao nhiệm vụ là Tổ trưởng Tổ chuyên gia xét thầu, nhưng không phân công nhiệm vụ cho các thành viên, không nghiên cứu hồ sơ dự thầu, không họp tổ để đánh giá, lấy ý kiến, mà chỉ ký hồ sơ để hợp thức hóa.

Tương tự, Lan Anh là Tổ trưởng Tổ thẩm định, nhưng không phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong tổ, không nghiên cứu báo cáo đánh giá của Tổ chuyên gia, chỉ ký trên báo cáo thẩm định do Phòng Vật tư trang thiết bị y tế soạn sẵn để hoàn thiện hồ sơ.

Trong khoảng thời gian được chi ngoài và “lĩnh lương” hàng tháng trên, tổng số tiền Ngọc đã nhận được là hơn 1,4 tỷ đồng, còn Lan Anh đã nhận hơn 784 triệu đồng.

Khai nhận tại Cơ quan điều tra, Lan Anh cho rằng, đây là khoản tiền do Công ty tự nguyện “bồi dưỡng”. Số tiền nhận được, bị cáo này sử dụng để chi tiền cho bác sỹ, điều dưỡng trong Khoa Răng Hàm Mặt (do Lan Anh phụ trách), phần còn lại sử dụng chi tiêu cá nhân.

Kê biên hàng loạt tài sản “khủng”

Quá trình điều tra vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã kê biên nhiều tài sản có giá trị lớn, liên quan đến bị can Nguyễn Minh Quân, Nguyễn Văn Lợi và Công ty TNHH Ngọc Đạo (do Nguyễn Trần Ngọc Diễm, vợ của Quân làm Giám đốc).

Trong đó, có một căn biệt thự du lịch nghỉ dưỡng tại Nha Trang; một căn biệt thự loại song lập tại TP.HCM.

Đây là các tài sản được xác định mua từ nguồn tiền của các công ty trúng các gói thầu trang thiết bị y tế liên quan trong vụ án.

Ngoài ra, Cơ quan điều tra cũng kê biên 3 bất động sản đứng tên vợ chồng Quân; 2 căn nhà đứng tên vợ chồng Nguyễn Văn Lợi tại TP.HCM.

Trong quá trình điều tra, một số bị can và gia đình đã tự nguyện nộp 14,73 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, để khắc phục hậu quả trong vụ án, trong đó riêng bị can Nguyễn Văn Lợi nộp 14 tỷ đồng, Nguyễn Thị Ngọc nộp 340 triệu đồng và Nguyễn Lan Anh nộp 390 triệu đồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đánh giá, trong vụ án này, nguyên nhân chính dẫn đến hành vi phạm tội xuất phát từ việc bất chấp, coi thường các quy định pháp luật về đấu thầu của các bị can là người đứng đầu Bệnh viện TP. Thủ Đức. Đối tượng này đã lợi dụng chủ trương tự chủ tài chính, thâu tóm, lũng đoạn hoạt động đấu thầu trong bệnh viện; câu kết, thông đồng trong - ngoài, thành lập các công ty “sân sau” để thông thầu, gian lận trong đấu thầu, không đảm bảo minh bạch trong hoạt động đấu thầu, để từng bước dịch chuyển tài sản của Nhà nước thành tài sản của tư nhân thông qua hoạt động đấu thầu.

Bên cạnh đó, do cơ chế tự chủ về tài chính, mặc dù các cơ quan chức năng đã tổ chức thanh tra, nhưng vẫn thiếu cơ chế giám sát, kiểm tra hoạt động đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế của Bệnh viện, kiểm soát quyền lực của người đứng đầu, dẫn đến việc hành vi phạm tội diễn ra trong thời gian dài, không được phát hiện, ngăn chặn.

Huệ Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục