Vụ Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 2): Viện Kiểm sát đối đáp lại quan điểm bào chữa của luật sư và các bị cáo

0:00 / 0:00
0:00
Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, không xuất hiện tình tiết mới trong phiên phúc thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, đồng thời bác bỏ nhiều luận điểm của luật sư bị cáo Trương Mỹ Lan.
Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao tại TP.HCM tham gia phiên toà phúc thẩm (giai đoạn 2). Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao tại TP.HCM tham gia phiên toà phúc thẩm (giai đoạn 2).

Bác lập luận “không sử dụng tiền trái phiếu” của bà Trương Mỹ Lan

Ngày 8/4, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân (Viện Kiểm sát) cấp cao tại TP.HCM đã đối đáp với các quan điểm bào chữa của luật sư trong phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 2).

Theo Viện Kiểm sát, qua đối chiếu với bản án sơ thẩm, tại phiên tòa phúc thẩm không có tình tiết mới nào đủ sức làm thay đổi bản chất vụ án. Các nội dung trong bản án sơ thẩm đã đánh giá đầy đủ vai trò, mức độ tham gia của từng bị cáo cũng như xem xét các tình tiết giảm nhẹ để quyết định hình phạt phù hợp, phần lớn đều dưới khung hình phạt.

Tuy nhiên, tại phiên phúc thẩm, một số bị cáo đã chủ động khắc phục hậu quả và xuất hiện một số tình tiết mới, do đó, Viện Kiểm sát đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho các trường hợp này.

Trước đề nghị của luật sư bị cáo Trương Mỹ Lan về việc cần làm rõ nguyên nhân, bối cảnh vụ án, cũng như mối liên hệ giữa các tội danh của bà Lan trong hai giai đoạn, Viện Kiểm sát khẳng định các yếu tố này đã được làm rõ trong bản kết luận điều tra, cáo trạng và các bản án sơ thẩm.

Đối với lập luận cho rằng, bị cáo Lan không sử dụng tiền phát hành trái phiếu, Viện Kiểm sát khẳng định không có căn cứ. Viện dẫn lời khai của tài xế Dũng, người nhiều lần đến Ngân hàng SCB rút tiền và giao lại theo chỉ đạo của bà Lan, cùng lời khai của bị cáo Trần Thị Mỹ Dung, Viện Kiểm sát cho rằng, mọi hoạt động giải ngân đều cần sự chấp thuận của bà Lan.

Ngoài ra, lời khai của Nguyễn Phương Hồng (đã mất) tại cơ quan điều tra cũng cho thấy mục đích phát hành trái phiếu An Đông là để phục vụ cho các công ty trong Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Bị cáo Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác tại toà.

Bị cáo Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác tại toà.

Từ chối đề nghị phục hồi SCB và các vấn đề ngoài phạm vi xét xử

Với đề nghị xác minh số liệu tại Ngân hàng SCB và cho phép bà Lan tham gia phương án phục hồi ngân hàng này, Viện Kiểm sát cho biết, những vấn đề này đã được giải quyết tại phiên phúc thẩm giai đoạn 1 và không thuộc phạm vi xét xử hiện tại. Riêng đề xuất phục hồi SCB, đại diện Viện Kiểm sát nhận thấy việc này không thuộc thẩm quyền của mình cũng như của Hội đồng xét xử.

Về các vấn đề liên quan đến kết luận giám định của Công ty Hoàng Quân, Viện Kiểm sát cho biết đã được xem xét tại phiên sơ thẩm giai đoạn một và không cần tranh luận lại. Tương tự, đối với 988 khoản vay chưa đến hạn (trị giá 357.000 tỷ đồng), Viện Kiểm sát nhấn mạnh các bị cáo đang bị xét xử về 3 tội danh, trong đó tội rửa tiền có nguồn gốc từ các tội tham ô và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tổng số tiền 445.000 tỷ đồng từ 2 hành vi này là cơ sở để quy trách nhiệm rửa tiền cho bà Lan.

Bảo lưu quan điểm kê biên tài sản và thu hồi vật chứng

Trước đề nghị gỡ bỏ kê biên tài sản của bà Lan do không đảm bảo cho các khoản vay tại SCB, Viện Kiểm sát cho rằng, SCB là bị hại trong vụ án và việc phong tỏa tài sản là cần thiết nhằm phục vụ điều tra và đảm bảo thi hành án.

Về khoản 15.000 tỷ đồng là vật chứng trong vụ án, Viện Kiểm sát dẫn bản kết luận điều tra và án sơ thẩm để khẳng định hiện chưa thể bóc tách rõ ràng, cần tiếp tục điều tra làm rõ nên không có cơ sở để thu hồi từ các ngân hàng khác vào thời điểm này.

Trước yêu cầu đánh giá lại cấu thành tội "vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới", Viện Kiểm sát cho biết, dù hành vi không mang tính cơ học (như mang tiền qua biên giới), các bị cáo đã lợi dụng hoạt động thanh toán quốc tế để chuyển tiền ra nước ngoài trái phép. Đây là phương thức phạm tội mới, xâm hại đến quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng, nên việc truy tố là có căn cứ.

Cuối cùng, liên quan đề nghị cho bà Lan tham gia xử lý tài sản ở cả hai giai đoạn, Viện Kiểm sát khẳng định việc xử lý tài sản thuộc thẩm quyền của Cơ quan Thi hành án dân sự TP.HCM và không nằm trong phạm vi xét xử của phiên phúc thẩm. Bị cáo và luật sư cần liên hệ cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết.

Việt Dũng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục