Công ty Tuần Châu vừa có đơn gửi kháng cáo vụ tranh chấp bản quyền.
Trước đó, từ ngày 14-20/3/2019, TAND TP. Hà Nội đã xét xử sơ thẩm vụ án tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa CTCP Tuần Châu Hà Nội và CTCP Đầu tư tổng hợp truyền thông DS do đạo diễn Nguyễn Việt Tú làm Giám đốc. Vụ kiện này liên quan đến vở diễn thực cảnh Ngày xưa do ông Tú là đạo diễn.
Bản án sơ thẩm tuyên buộc DS phải chuyển giao quyền sở hữu tác phẩm vở diễn Ngày xưa cho Tuần Châu nhưng không chấp nhận yêu cầu bồi thường hơn 6 tỷ đồng. Tòa án cũng tuyên tác phẩm "Tinh hoa Bắc Bộ" do ông Hoàng Nhật Nam làm đạo diễn, là tác phẩm phái sinh từ vở "Ngày xưa".
Vì vấn đề này, Công ty Tuần Châu kháng cáo bản án sơ thẩm. Công ty cho rằng, tòa tuyên vở diễn “Tinh Hoa Bắc Bộ” là phái sinh của “Ngày xưa” nhưng không cho triệu tập tác giả là đạo diễn Hoàng Nhật Nam đến toà.
Bên cạnh đó, kết luận của vở Tinh hoa Bắc Bộ cũng không thuộc phạm vi của phiên toà này. Điều này đã ảnh hưởng đến danh dự và quyền lợi đến Tuần Châu, khi mà vở “Tinh hoa Bắc Bộ” được Cục bản quyền cấp phép quyền sở hữu và quyền tác giả như một tác phẩm độc lập.
“Chúng tôi cảm thấy khó hiểu và không thoả đáng, vì vậy Tuần Châu đã gửi đơn kháng án với mong muốn đi tìm sự minh bạch và công bằng ở phiên toà phúc thẩm. Khi nào nhận được bản án, chúng tôi sẽ đi vào kháng cáo chi tiết những phần ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Tuần Châu"”, công ty viết trong đơn kháng cáo.
Đạo diễn Việt Tú trả lời báo chí sau khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc.
Theo bản án sơ thẩm, năm 2015, giữa Tuần Châu và DS ký hợp đồng nguyên tắc thỏa thuận về việc DS tư vấn, thiết kế mỹ thuật, dàn dựng chương trình cho dự án trình diễn thực cảnh Tuần Châu Hà Nội. Giá trị hợp đồng là 7,3 tỷ đồng. Đạo diễn Việt Tú đã sử dụng kịch bản vở diễn Ngày xưa để thực hiện hợp đồng trên.
DS xuất trình bằng chứng xác nhận tại vi bằng thể hiện kịch bản vở diễn Ngày xưa được định hình từ trước khi ký hợp đồng.
Tòa án xác định Tuần Châu không trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm hay một phần tác phẩm, mà chỉ hỗ trợ ông Tú. Ông Tú là tác giả duy nhất của kịch bản Ngày xưa, Tuần Châu không phải đồng tác giả mà là chủ sở hữu kịch bản theo quy định tại khoản 2, Điều 39 Luật Sở hữu trí tuệ.
Vì vậy, việc DS đăng ký quyền tác giả cho ông Tú là đúng nhưng việc công ty đăng ký quyền sở hữu kịch bản trên là không đúng. Tòa tuyên buộc DS phải chuyển giao quyền sở hữu tác phẩm cho Tuần Châu.
Mặt khác, hai bên đã thỏa thuận về tính độc quyền nhưng Tuần Châu đơn phương chấm dứt hợp đồng và ký kết với Công ty Sen Vàng để thực hiện vở diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ thay thế. Đây là lựa chọn kinh doanh của công ty nên DS không có lỗi. Do đó, tòa án không chấp nhận yêu cầu buộc DS phải bồi thường hơn 5,9 tỷ đồng.
HĐXX căn cứ vào lời khai của các họa sỹ thiết kế sân khấu và công văn của Hội nghệ sỹ sân khấu Việt Nam thì xác định 2 vở diễn trên có nhiều điểm giống nhau về ý tưởng, chất liệu, kết cấu câu chuyện, địa điểm, trang phục, đạo cụ…. Trường hợp vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ có sau mà sử dụng lại gần như toàn bộ diễn viên, trang phục… của vở diễn có trước thì không được coi là sáng tạo độc lập. Vì vậy, có đủ căn cứ xác định vở diễn "Tinh hoa Bắc Bộ" là tác phẩm phái sinh của vở “Ngày xưa”.