Vụ Sadeco: Đại diện phần vốn Văn phòng Thành ủy TP.HCM phủ nhận cáo trạng

0:00 / 0:00
0:00
Bị cáo Trần Công Thiện (đại diện phần vốn Văn phòng Thành ủy TP.HCM tại Sadeco) cho rằng, việc làm của mình là đúng và không đồng ý với tội danh bị truy tố trong cáo trạng.
Bị cáo Trần Công Thiện, người đại diện phần vốn Văn phòng Thành ủy TP.HCM tại Sadeco được dẫn giải đến Tòa. Bị cáo Trần Công Thiện, người đại diện phần vốn Văn phòng Thành ủy TP.HCM tại Sadeco được dẫn giải đến Tòa.

Sáng 28/12, Tòa án nhân dân TP.HCM tiếp tục phiên xét xử 20 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Sadeco.

Trong phần xét hỏi, bị cáo Trần Công Thiện, người đại diện vốn góp của Văn phòng Thành ủy, khẳng định mình không sai khi thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình.

Theo trình bày của bị cáo Thiện, vốn của Văn phòng Thành ủy TP.HCM tại Sadeco là vốn của tổ chức chính trị. Bị cáo căn cứ vào Luật doanh nghiệp để quản lý nguồn vốn, chứ không tuân theo Luật quản lý vốn.

“Bị cáo đại diện phần vốn này là vốn ngoài nhà nước. Khi họp hội đồng quản trị của Sadeco thì có bàn về nội dung Nguyễn Kim đang là đối tác chiến lược tham gia vào Sadeco, bị cáo thấy Nguyễn Kim có tiếng trong lĩnh vực kinh doanh. Bị cáo nghĩ, nếu đủ điều kiện và thực hiện theo đúng pháp luật, Nguyễn Kim có thể mua thêm cổ phần. Nếu không phát hành được cho Nguyễn Kim thì không phát hành được cho đơn vị nào nữa. Do đó, bị cáo đã làm tờ trình để gửi lên Văn phòng Thành ủy", bị cáo Thiện trình bày.

Trước câu hỏi: “Việc ấn định cổ đông chiến lược bán cổ phần có phải là bán chỉ định không?” của HĐXX, bị cáo Thiện cho biết, do Hội đồng quản trị chọn Nguyễn Kim thì bị cáo thấy đúng quy định của pháp luật, bởi khi đó đại hội đồng cổ đông thông qua, nên bị cáo nghĩ việc ấn định Nguyễn Kim là phù hợp.

"Bị cáo suy nghĩ rằng, nếu các cổ đông nhà nước yêu cầu thì bị cáo thực hiện theo. Về nguyên tắc, bị cáo ưu tiên hoạt động theo quy định pháp luật hiện hành. Cụ thể, vốn Sadeco căn cứ vào quy chế quản lý vốn của Văn phòng Thành ủy, do Sadeco không phải là công ty nhà nước nên không tuân thủ Luật quản lý vốn, vì nếu vận dụng Luật quản lý vốn thì phải có văn bản hướng dẫn cụ thể", bị cáo Thiện trình bày.

Đồng thời, bị cáo Thiện cũng cho rằng, đến thời điểm này, bị cáo không gây thiệt hại cho Sadeco nên không đồng ý theo nội dung cáo trạng.

Ngay sau đó, HĐXX hỏi bị cáo Phạm Văn Thông, cựu phó chánh Văn phòng Thành ủy, phụ trách Phòng quản lý đầu tư - kinh doanh vốn và Phòng quản lý tài sản - dự án thuộc Văn phòng Thành ủy TP.HCM, về việc vận dụng pháp luật trong quản lý vốn của Thành ủy.

Bị cáo Thông nói, việc quản lý phần vốn của Thành ủy hay các tổ chức chính trị phải thực hiện theo nguyên tắc của Luật quản lý vốn nhà nước. Như vậy, với tư cách là người phụ trách phòng quản lý tài sản của Văn phòng Thành ủy, bị cáo nhận thấy việc mình thiếu sót khi không căn cứ vào nghị định 91.

“Lúc đồng ý bán cổ phần cho Nguyễn Kim thì thấy mình làm đúng, nhưng sau khi làm việc với cơ quan điều tra và đến khi ra tòa thì bị cáo biết đã sai sót khi trình tờ trình lên Phó bí thư lúc đó là ông Tất Thành Cang. Sau khi vụ án bị khởi tố, bị cáo thấy mình làm chưa đúng với nghị định 91 và xin nhận thiếu sót đó”, bị cáo Thông nói.

Theo cáo trạng, bị cáo Trần Công Thiện đã căn cứ tờ trình số 12A ngày 3/4/2017 của bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc (tổng giám đốc Công ty Sadeco) để cùng với bị cáo Huỳnh Phước Long lập, ký tờ trình ngày 24/4/2017 gửi Văn phòng Thành ủy với tư cách đại diện vốn, đã trực tiếp biểu quyết đồng ý thông qua việc phát hành 9 triệu cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần tại cuộc họp hội đồng quản trị Công ty Sadeco ngày 2/8/2017 với tư cách thành viên hội đồng quản trị.

Cáo trạng xác định hành vi của ông Thiện vi phạm khoản 5, điều 38 nghị định số 91/2015 khi bán cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim không thông qua đấu giá định giá gây thiệt hại cho Nhà nước 669 tỷ đồng.

Việt Dũng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục