Theo hồ sơ vụ việc, tháng 12/2010, Sacombank ký hợp đồng sử dụng thẻ tín dụng quốc tế với anh Lương Đình Phương (trú tại phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội).
Ban đầu, anh Phương được cấp hạn mức 200 triệu đồng, sau tăng lên thành 500 triệu đồng. Tháng 5/2011, anh Phương được tăng hạn mức tín dụng lên thành 1 tỷ đồng. Theo hợp đồng, khoản vay này không có tài sản bảo đảm mà là khoản vay tín chấp, dựa vào uy tín và thu nhập của anh Phương.
Quá trình sử dụng thẻ, anh Phương đã thực hiện các giao dịch với tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng. Kể từ thời điểm tháng 1/2011 đến tháng 12/2012, anh Phương đã thanh toán cho ngân hàng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng bao gồm tiền gốc, phí rút tiền mặt và các khoản phí khác theo quy định của ngân hàng.
Từ thời điểm tháng 8/2012, anh Phương thường xuyên để quá hạn thanh toán với ngân hàng và không thanh toán đủ số tiền tối thiểu phải nộp theo quy định nên tháng 1/2013, Sacombank khởi kiện đề nghị Tòa án buộc anh Phương phải thanh toán hơn 1,4 tỷ đồng nợ gốc, nợ lãi và phí sử dụng.
Bản án sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Sacombank, buộc anh Phương phải trả nợ cho ngân hàng nhưng tính lại lãi suất nợ quá hạn do đó anh Phương chỉ phải trả cho Sacombank hơn 1 tỷ đồng.
Sau phiên tòa sơ thẩm, cả nguyên đơn và bị đơn đều kháng cáo. Nguyên đơn Sacombank chống án vì vấn đề lãi suất, ngân hàng này cho rằng Tòa cấp sơ thẩm tính lãi suất không hợp lý. Lãi suất mà bản án sơ thẩm áp dụng là dựa trên lãi suất cho vay có tài sản bảo đảm trong khi Sacombank cho vay tín chấp. Với cho vay tín chấp, rủi ro cao hơn nên mức lãi suất phải tính khác.
Còn bị đơn cho rằng, Tòa cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng dẫn đến quyền lợi của bị đơn không được bảo đảm. Bị đơn không nhận được các loại giấy tờ, thông báo từ Tòa án, không được tống đạt các loại giấy tờ, văn bản. Bị đơn không biết việc khởi kiện, không được triệu tập hòa giải, xét xử...
Tại cấp phúc thẩm, anh Phương giữ nguyên trình bày như trong đơn kháng cáo là không biết việc ngân hàng khởi kiện, cũng không được triệu tập đến tòa làm việc.
Anh Phương trình bày, trước đây khi ngân hàng đòi nợ, thường cho nhân viên đến “canh” tại cửa công ty mà anh hợp tác với một người bạn. Thấy việc này gây phiền phức công ty, nên anh Phương không về ở đây nữa.
Trên thực tế, khi giải quyết vụ án, tòa cấp sơ thẩm nhiều lần triệu tập anh Phương, nhưng anh Phương không đến. Do đó, các văn bản đã được Tòa án niêm yết tại bản tin của tổ dân phố, tại trụ sở UBND phường, nơi bị đơn cư trú và trụ sở của Tòa án. Nhưng do anh Phương đăng ký địa chỉ khi mở thẻ với Sacombank là địa chi khác, địa chỉ ở lại khác, nên khi tòa niêm yết văn bản không phải tại địa chỉ thường trú.
Tại phiên tòa phúc thẩm, anh Phương có đề nghị Sacombank miễn giảm lãi và sẽ có lộ trình trả nợ trong 2 năm. Tuy nhiên, Sacombank không đồng ý, ngân hàng này yêu cầu, nếu anh Phương cam kết trả ngay trong 6 tháng thì được miễn giảm lãi, nếu không thì đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.
Hội đồng xét xử đề nghị Ngân hàng cân nhắc hòa giải, bởi do kinh tế khó khăn, khách hàng khó có điều kiện trả nợ ngay, lãi vay tại thời điểm đó rất cao, lên đến 30%/năm. Nay lãi suất cũng đã giảm, để tạo điều kiện cho khách hàng, Ngân hàng nên xem xét giảm lãi. Tuy nhiên, Sacombank không đồng ý.
Cho rằng, bản án sơ thẩm có vi phạm về tố tụng nghiêm trọng, Tòa cấp phúc thẩm đã hủy án sơ thẩm, giao tòa cấp sơ thẩm giải quyết lại.