Trong vụ án Đào Thành Long và các đồng phạm cố ý làm trái quy định của Nhà nước, gây thiệt hại nghiêm trọng vừa được TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử ngày 27/4, CTCP Phát triển nguồn lực và dịch vụ dầu khí Việt Nam (Petromanning) được xác định là nguyên đơn dân sự.
Bị cáo Đào Thành Long, nguyên tổng giám đốc của Petromanning bị truy tố về hành vi nâng khống hợp đồng mua đất, rút tiền chênh lệch 26,1 tỷ đồng. Số tiền Long sử dụng bất hợp pháp làm thất thoát của Công ty được xác định là 17,9 tỷ đồng.
Nguyên cớ phát sinh vụ án xuất phát từ hợp đồng mua đất giữa Đào Thành Long (khi đó là phó tổng giám đốc) và vợ chồng bà Trần Thị Tâm (tại P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy). Mảnh đất có diện tích 781,5 m2, chưa có quyền sử dụng đất. Thời điểm ký hợp đồng tháng 10/2010, hai bên thỏa thuận giá đất là 58 tỷ đồng. Giá trị thanh toán lần 1 là 4 tỷ đồng.
Ký xong hợp đồng, Long mới trình cấp trên phương án mua đất xây chung cư kinh doanh, dự kiến lợi nhuận 4 tỷ đồng. Ngày 14/10/2010, ông Bùi Hải Hòa, Tổng giám đốc ký giấy ủy quyền để Long thực hiện mua bán thửa đất trên. Đến tháng 12/2010, Long mới được bổ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty.
Ngày 21/12/2010, Long làm tờ trình về việc chuyển đổi chủ đầu tư là Petromanning sang cho cá nhân Long với lý do giúp việc cấp sổ đỏ thuận lợi hơn. HĐQT đồng ý ủy thác cho Long đầu tư dự án Chung cư Petromanning và để Long đứng tên trên sổ đỏ.
Tiếp tục thực hiện hợp đồng mua 2 thửa đất, Long trực tiếp ký ủy nhiệm chi, chuyển tiền từ tài khoản Công ty và chỉ đạo Ngô Trung Thành, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Đầu tư xây dựng lấy 58,8 tỷ đồng trả bà Tâm.
Cùng thời gian trên, Long chi 14,7 tỷ đồng cho Nguyễn Thị Bích Huấn (sinh năm 1976) và Nguyễn Khánh Tuấn (sinh năm 1962) để “chạy” sổ đỏ.
Cáo trạng thể hiện, tháng 6/2011, Long tự ý viết Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 14/10/2010, nâng số tiền từ 58,8 tỷ đồng thành 85 tỷ đồng. Đồng thời, Long thương thảo nhờ bà Tâm ký lại hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và các giấy biên nhận tiền.
Hợp thức hóa số tiền chênh lệch 26,1 tỷ đồng, Long đã chỉ đạo cấp dưới là Ngô Trung Thành, Nguyễn Thị Mỹ Linh (sinh năm 1976, thủ quỹ), Hà Lê Thắng (sinh năm 1970), Trần Ngọc Lâm (sinh năm 1974) và Nguyễn Thị Thanh Vân (sinh năm 1974, cựu giám đốc Trung tâm Thương mại dịch vụ và xuất khẩu lao động Petromanning) làm giả hợp đồng vay tiền, lập các chứng từ thu, chi tiền sai quy định.
Trước tòa, bị cáo Long không thừa nhận hành vi gây hậu quả nghiêm trọng. Cựu tổng giám đốc Petromanning cho rằng, khi thực hiện hợp đồng mua đất, bị cáo được Công ty ủy quyền. Khi bị bắt, chung cư đang xây dựng dở dang nên chưa thực hiện quyết toán. Hợp đồng chuyển nhượng ngày 14/10/2010 đã được công chứng. Nguồn tiền chi trả phần lớn là tiền bị cáo vay mượn.
Phía đại diện Petromanning cũng không thừa nhận là nguyên đơn dân sự và khẳng định, không có thiệt hại. Công ty cho rằng, mọi giao dịch của Đào Thành Long thực hiện theo Luật Doanh nghiệp và Điều lệ Công ty. Petromanning xác nhận có mua 2 mảnh đất diện tích 765 m2 với giá 85 tỷ đồng. Thậm chí, Công ty biết rõ mảnh đất có giá trị thực cao hơn và sau đó mời đơn vị độc lập thẩm định.
“Cơ quan điều tra bắt ông Long gây thiệt hại lớn cho Công ty, dự án chung cư bị đình trệ, Công ty mất bạn hàng, đối tác...”, đại diện Petromanning trình bày.
Bào chữa cho bị cáo Long, Luật sư Lê Phú Trường cho rằng, hợp đồng 58 tỷ đồng không có cơ sở pháp lý là vì hợp đồng được ký kết giữa cá nhân với cá nhân. Trong hợp đồng còn có điều khoản vi phạm (thỏa thuận hạ thấp giá...). Luật sư lập luận, kết luận của Viện Kiểm sát nhân dân về hợp đồng 85 tỷ đồng được tạo dựng làm lại nhằm hợp pháp hóa số tiền chênh lệch là khiên cưỡng.
Cũng theo ý kiến luật sư, Petromanning là CTCP, vốn nhà nước chiếm chưa đến 4%. Doanh nghiệp có quyền chiếm hữu, định đoạt tài sản và ĐHCĐ là cơ quan cao nhất xem xét và có nhiệm vụ giải quyết vi phạm.
Với các lý do trên, luật sư đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung.