Theo thống kê của cơ quan chức năng, tính đến thời điểm này, đã có 4 người tử vong; 10 người bị thương trong đó có 1 người đang bị thương nặng trong vụ nổ; 1 ô tô bị hư hỏng nặng, 6 mô tô bị cháy, 36 căn hộ bị hư hỏng nặng, 95 căn hộ phía sau hiện trường vụ nổ bị vỡ hết kính, nứt tường, bung cửa. Thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu khoảng hơn chục tỷ đồng.
Theo quy định tại Điều 623, Bộ luật Dân sự, người trực tiếp gây ra vụ nổ này phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ các thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Tuy nhiên, người trực tiếp gây ra vụ nổ này đã tử vong nên không có căn cứ để bồi thường thiệt hại cũng như truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp các nạn nhân có mua bảo hiểm, liệu có được các doanh nghiệp bảo hiểm thanh toán thiệt hại?
Trao đổi với ĐTCK, đại diện Tổng công ty Bảo hiểm PTI cho biết, nếu các chủ hộ trong khu vực bị ảnh hưởng bởi vụ nổ có tham gia bảo hiểm cháy nổ và các rủi ro đặc biệt thì sẽ được nhà bảo hiểm thanh toán các chi phí phát sinh liên quan đến tổn thất về tài sản trong nhà, thiệt hại về khung nhà.
Ví dụ như với sản phẩm bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt mà PTI đang triển khai trên thị trường, trong trường hợp không may xảy ra cháy nổ, Công ty sẽ thanh toán toàn bộ chi phí để khắc phục thiệt hại về kết cấu khung nhà (sập toàn bộ hoặc một phần nhà) và những thiệt hại về cửa kính. Các tài sản trong nhà như tivi, tủ lạnh, giường tủ… cũng sẽ được PTI thanh toán, tùy theo định mức bảo hiểm mà khách hàng mua.
Trở lại vụ cháy nổ tại Văn Phú - Hà Đông, trao đổi với ĐTCK, một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho biết đã rà soát lại danh sách khách hàng và không có bồi thường nào trong những tổn thất tại đây.
Vụ việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng cháy nổ cũng như vai trò của bảo hiểm cháy nổ và bảo hiểm nhà tư nhân. Theo số liệu của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an, trong năm 2015, cả nước xảy ra gần 2.800 vụ cháy, làm chết 62 người, bị thương 264 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.498 tỷ đồng.
So với cùng kỳ năm 2014, số vụ cháy tăng 417 vụ; về người chết giảm 28 người. Nguyên nhân các vụ cháy chủ yếu là sự cố hệ thống và thiết bị điện chiếm 51%; sơ suất trong sử dụng lửa, điện, xăng dầu, khí đốt, hóa chất chiếm 23,3%.
Dù số lượng vụ cháy diễn ra khá nhiều, nhưng theo các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, ý thức về mua bảo hiểm cháy nổ và bảo hiểm nhà tư nhân hiện nay chưa cao, kể cả những sản phẩm cháy nổ đã có quy định bắt buộc phải mua. Sản phẩm cháy nổ và rủi ro đặc biệt đang được triển khai trên thị trường chủ yếu thông qua các hợp đồng mua nhà của ngân hàng, hoặc của các ban quản lý tòa nhà cho các khu chung cư.
Sau một loạt các vụ cháy nổ diễn ra trong năm 2015, số lượng người mua có tăng lên, tuy nhiên không đáng kể so với mức độ cần được bảo hiểm.
Cũng theo PTI, mức phí bảo hiểm cháy nổ nhà phụ thuộc vào giá trị khung nhà và các tài sản bên trong. Thông thường, để mua bảo hiểm cho một căn nhà có giá trị là 2 tỷ đồng, khách hàng chỉ phải bỏ ra mức phí 200.000 đồng/năm, nhưng rất ít người dân chịu chi để bảo vệ tài sản của mình.
Theo đại diện của một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ khác, sản phẩm cháy nổ đa phần được bán thông qua kênh ngân hàng, do các kênh này thường đưa luôn điều khoản mua bảo hiểm cháy nổ là điều kiện bắt buộc trong hợp đồng tín dụng. Hơn nữa, ý thức mua các sản phẩm bảo hiểm của các khách hàng tại các khu chung cư này cũng cao hơn do nguy cơ cháy nổ nhiều hơn.
Hiện nay, trên thị trường đang cung cấp 3 loại sản phẩm bảo hiểm liên quan đến cháy nổ là: bảo hiểm cháy nổ bắt buộc (dành cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tiểu thương), bảo hiểm cháy nổ và các rủi ro đặc biệt (dành cho cả doanh nghiệp và cá nhân); bảo hiểm nhà tư nhân (dành riêng cho khách hàng cá nhân). Mỗi sản phẩm bảo hiểm đều có những quy định về phạm vi bồi thường khác nhau nên khi mua sản phẩm bảo hiểm, khách hàng cần lưu ý tìm hiểu kỹ các điều khoản để được bảo vệ tốt nhất.