Vụ mất tiền tại Eximbank - bài học cho cả hai

(ĐTCK) Phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Eximbank chi nhánh TP.HCM vừa kết thúc, để lại bài học lớn cho các giao dịch viên và khách hàng. 
Các chuyên gia khuyến nghị, đối với giao dịch gửi tiền, khách hàng nên giao dịch trực tiếp tại quầy ngân hàng.

Hầu tòa trong vụ án khách hàng bị mất 245 tỷ đồng tại Eximbank có 6 bị cáo, gồm các cựu giao dịch viên và ngân quỹ của Eximbank chi nhánh TP.HCM: Hồ Ngọc Thủy, Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Trần Nguyễn Xuân Lan, Nguyễn Thị Thi, Cao Lan Phương, Lương Quốc Anh.

Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM truy tố 6 bị cáo tội danh “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp”. Liên quan đến vụ án, Lê Nguyễn Hưng - nguyên Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM được coi là chủ mưu, hiện bỏ trốn. 

Tại tòa, cả 6 bị cáo khai, do tin tưởng Lê Nguyễn Hưng mà thiếu trách nhiệm khi thực hiện không đúng các quy định, tạo điều kiện cho Hưng lợi dụng rút tiền gửi tiết kiệm trong hệ thống Eximbank.

Bị cáo Thuỷ khai, bị cáo tiếp nhận hồ sơ từ ông Hưng mà không gặp người uỷ quyền là bà Bình vì ông Hưng nói, bà Bình là khách hàng lớn (VIP), thường đi công tác, không có thời gian trực tiếp giao dịch nên không cần gặp. Theo bị cáo Thủy, khách hàng VIP là khách hàng có số dư lớn tại ngân hàng, có thể giao dịch tại nhà và bà Bình là một trong số đó.

Chính vì thế, Thủy đã làm theo cấp trên khi Hưng yêu cầu làm giấy uỷ quyền, giấy này đã có chữ ký của bà Bình và Phong, nhưng chưa có nội dung uỷ quyền, nên Thủy soạn theo chỉ đạo của Hưng là ủy quyền cho ông Phong. Khi làm giấy ủy quyền, không có sổ tiết kiệm bản chính, chỉ kiểm tra trên hệ thống.

Bị cáo khẳng định, nhận lệnh từ ông Hưng, làm theo chỉ đạo của cấp trên. Vì thế, đối với 21 lệnh chi, Thủy cũng không gặp bà Bình. Thủy thừa nhận, giao dịch khi không gặp khách hàng là sai, nhưng bị cáo không có cơ hội gặp bà Bình. Các lệnh chi tiền chuyển xuống các phòng ban khác cũng nhận được ý kiến gì.

Viện kiểm sát cho rằng, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ cũng như lời khai của các bị cáo tại phiên tòa ngày 22/11 cho thấy, các bị cáo đã thực hiện không đúng quy định của Ngân hàng về trình tự, thủ tục.

Cụ thể, việc lập giấy ủy quyền nhưng không có mặt người ủy quyền, không có giấy tờ tùy thân, không có các sổ tiết kiệm bản chính, người được ủy quyền không được biết nội dung ủy quyền; khách hàng không yêu cầu rút tiền trong sổ tiết kiệm, khách hàng không ký chứng từ trước mặt nhân viên…

Có đủ cơ sở để kết luận các bị cáo đã phạm tội như cáo trạng quy kết, Hội đồng xét xử tuyên phạt Thủy 4 năm tù giam; bị cáo Trâm và Thi cùng mức phạt 3 năm tù, nhưng cho hưởng án treo; bị cáo Lan, Phương, Anh cùng mức phạt 2 năm tù, nhưng cho hưởng án treo.

Về 3 sổ tiết kiệm của bà Bình, Hội đồng xét xử tuyên buộc Eximbank phải có trách nhiệm chi trả gốc (245 tỷ đồng) và lãi.

Về phần dân sự, Hội đồng xét xử nhận định, có đủ cơ sở kết luận ông Hưng là người chiếm đoạt tổng cộng hơn 264 tỷ đồng của Eximbank. Nhưng Hưng hiện đã bỏ trốn và đang bị truy nã, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Vụ án trên được xem là bài học lớn cho các giao dịch viên ngân hàng cũng như khách hàng VIP. Thực tế, ngân hàng luôn đưa ra chương trình chăm sóc cá nhân gửi tiết kiệm với số tiền lớn.

Theo đó, khách VIP thường không đến quầy ngân hàng để giao dịch để tránh mất thời gian, mà ủy quyền cho các cán bộ là lãnh đạo cấp chi nhánh, trưởng phòng giao dịch của ngân hàng thực hiện toàn bộ giao dịch gửi, rút tiền. Bên cạnh đó, do mang lại doanh thu cao cho ngân hàng nên nhiều khách VIP đòi hỏi lãi suất cao, không được tính phí chuyển tiền.

Việc ủy quyền giao dịch này đối mặt với không ít rủi ro. Có rủi ro đến từ vấn đề pháp lý trong giao dịch như nội dung ủy quyền, người đại diện, chữ ký... Ngoài ra, trong những vụ việc mất tiền cũng có phần chủ quan của khách hàng VIP khi giao phó toàn bộ tài sản cho cán bộ ngân hàng, hoặc ký khống giấy tờ, như trường hợp bà Bình mất 245 tỷ đồng tại Eximbank.

Theo quy trình giao dịch tại nhà, phải có từ 2 nhân viên ngân hàng trở lên. Nhưng trong quá trình giao dịch với Eximbank, bà Bình không muốn tiếp xúc với người khác ngoài ông Hưng - người đã biển thủ 245 tỷ đồng, nên khi nhân viên ngân hàng liên hệ thì bà Bình trả lời bận. Đây là kẽ hở để ông Hưng lợi dụng chiếm đoạt tiền.

Theo các chuyên gia, khách hàng không nên chủ quan, tin tưởng tuyệt đối vào một cán bộ ngân hàng nào để tránh rủi ro. Rủi ro lớn nhất vẫn là con người, mà con người thì khó kiểm soát nhất. TS. Bùi Quang Tín - chuyên gia tài chính, ngân hàng khuyến nghị, đối với giao dịch gửi tiền, khách hàng nên giao dịch trực tiếp tại quầy ngân hàng, vì giao dịch bên ngoài dễ có những rủi ro tiềm ẩn. Đã có nhiều trường hợp thất thoát vì giao dịch bằng niềm tin và không tuân thủ các quy định.          

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục