Vụ mật giám Internet làm hại kinh tế Mỹ như thế nào?

(ĐTCK) Vụ xì-căng-đan về hoạt động theo dõi mạng của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đang phá hủy tín nhiệm của Chính phủ Mỹ trong tư cách là một chính phủ cổ xúy cho tự do Internet.
Facebook có khoảng 261 triệu người châu Âu truy cập mỗi tháng, so với khoảng 195 triệu người của cả Mỹ và Canada Facebook có khoảng 261 triệu người châu Âu truy cập mỗi tháng, so với khoảng 195 triệu người của cả Mỹ và Canada

Nhưng ảnh hưởng tới các công ty công nghệ của Mỹ và nền kinh tế vốn đang yếu ớt của nước này thậm chí còn lớn hơn.

Tiết lộ mới nhất cho thấy, hoạt động theo dõi nhiều hơn rất nhiều so với tưởng tượng, với sự tham gia của nhiều hơn các công ty điện thoại và công ty Internet. Một trong những khía cạnh đáng quan ngại nhất của vụ gián điệp mạng này là các công dân nước ngoài không có quyền riêng tư theo luật Mỹ và bởi vậy, không lẽ nào họ lại bị xâm phạm chỉ vì lợi ích của Mỹ. Thật trớ trêu khi một vài chính phủ đồng minh thân cận tại châu Âu của Mỹ trong lĩnh vực tự do Internet như Đức và Hà Lan cũng là mục tiêu theo dõi của cơ quan an ninh Mỹ.

Đối với các công ty Internet có tên trong báo cáo về hoạt động theo dõi của NSA, lợi nhuận của họ đang gặp rủi ro bởi các thị trường châu Âu là cực kỳ quan trọng. Giờ còn quá sớm để đánh giá về tác động đối với các công ty Internet, nhưng phạm vi ảnh hưởng rõ ràng là rất lớn. Chẳng hạn, Facebook có khoảng 261 triệu người sử dụng tại châu Âu truy cập mỗi tháng, so với khoảng 195 triệu người của cả Mỹ và Canada, trong khi 22% thu nhập ròng quý I/2013 của Apple đến từ châu Âu.

Châu Âu là nơi có phản ứng mạnh nhất với vụ theo dõi của NSA, bởi người dân nơi đây vốn quan tâm sâu sắc đến quyền riêng tư khi đã từng nếm trải sự xâm phạm của nhà nước thời Đức Quốc xã. Và chuyện do thám của Mỹ với người châu Âu liên quan đến các công ty cũng là vấn đề gây tranh cãi từ ít nhất năm 2011. Hồi đó, vào khoảng tháng 6, Microsoft thừa nhận rằng, Mỹ có thể phớt lờ các quy định về đời tư của Liên minh châu Âu (EU) để thu thập lượng lớn các dữ liệu đám mây từ các khách hàng châu Âu của họ. 6 tháng sau đó, BAE Systems, một công ty có trụ sở tại Anh quốc đã ngừng sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây của Microsoft vì vấn đề này.

Một cuộc khảo sát của EU được công bố tháng 6/2011 phát hiện ra rằng, “cứ 4 người dân châu Âu thì có 3 người chấp nhận việc bị lộ thông tin cá nhân là một phần của đời sống hàng ngày, mặc dù vậy, họ cũng lo ngại về cách mà các công ty - bao gồm các công cụ tìm kiếm và các mạng xã hội - sử dụng thông tin của họ”. Chỉ 22% tin tưởng các công ty cung cấp dịch vụ thư điện tử, mạng xã hội và tìm kiếm sử dụng lành mạnh dữ liệu cá nhân.

Sau đó, vào tháng 10/2012, Nghị viện châu Âu cũng công bố một báo cáo về tình trạng bảo mật cá nhân. Bản báo cáo đã xác nhận thông tin từ Microsoft và thúc giục những cam kết mới trong việc bảo vệ thông tin cá nhân giữa EU và Mỹ. EU đã cố gắng làm điều đó, nhưng tờ Financial Times cho biết, các quan chức cấp cao của chính quyền Obama và các đại diện ngành công nghiệp mạng của nước này đã lobby thành công để không phải làm việc đó.

Vụ xì-căng-đan của NSA như đổ thêm dầu vào lửa. Các công tố viên của Đức có lẽ đã mở một cuộc điều tra đối với hoạt động do thám của NSA. Hôm 3/7, Bộ trưởng Nội vụ Đức nói rằng, mọi người nên dừng việc sử dụng dịch vụ của các công ty như Google và Facebook nếu cảm thấy lo ngại Mỹ đang truy cập dữ liệu của mình. Một ngày sau đó, Nghị viện châu Âu đã lên án về hoạt động theo dõi bí mật các công dân châu Âu và đề nghị một cuộc điều tra đối với việc này. Cùng ngày, Neelie Kroes, Giám đốc Văn phòng viễn thông và Internet của EU lên tiếng cảnh báo về “hậu quả trị giá nhiều tỷ euro cho các công ty Mỹ” vì hoạt động theo dõi này.

Các công ty mạng đã chậm trễ trong việc giữ khoảng cách với NSA và kêu gọi minh bạch hơn. Google, Microsoft, Yahoo và Facebook đang ở trong một vị thế đặc biệt khó khăn khi đều là thành viên của tổ chức Sáng kiến mạng toàn cầu, một liên minh (bao gồm tổ chức Giám sát quyền con người) được tạo ra để kiểm tra xem liệu các công ty có tôn trọng sự tự do ngôn luận và thông tin cá nhân trên mạng hay không.

Minh bạch hóa là bước đi quan trọng đầu tiên để các công ty mạng lấy lại niềm tin vốn đã bị tổn hại nhiều ở châu Âu. Niềm tin đó là đặc biệt quan trọng. Giám đốc pháp lý của Google cũng thừa nhận như vậy khi phát biểu hôm 19/6 rằng, “hoạt động kinh doanh của chúng tôi phụ thuộc vào niềm tin của những người sử dụng dịch vụ”.

Không phải tất cả các khách hàng châu Âu của các công ty Internet đều là thành viên của Al Qaeda hay tội phạm, nhưng về cơ bản, hoạt động theo dõi của Mỹ khiến họ bị ứng xử như những kẻ đó. Nếu điều này không dừng lại, đó sẽ là khởi đầu cho “cuộc chiến” rất tốn kém giữa hoạt động do thám của Mỹ chống lại hoạt động kinh doanh, thương mại và quyền con người ở châu Âu. Trước mắt, cuộc đàm phán Hiệp định thương mại song phương Mỹ - EU trị giá 272 tỷ USD có thể sẽ thất bại như là hậu quả đầu tiên.


Quang Huy (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục