Vụ mất 338 tỷ đồng tại MSB, Ngân hàng Nhà nước nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) "Hiện vụ việc đúng sai thế nào, trách nhiệm của ai thì phải chờ kết luận của cơ quan Công an. Tuy nhiên, quyền lợi chính đáng của khách hàng sẽ được bảo vệ nếu khách hàng đã thực hiện đúng các quy định", Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nói.
Vụ mất 338 tỷ đồng tại MSB, Ngân hàng Nhà nước nói gì?

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 diễn ra chiều 3/4, báo chí đặt câu hỏi với Ngân hàng Nhà nước, đề nghị cung cấp thêm thông tin về vụ khách hàng mất 338 tỷ đồng khi gửi tại Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB) vừa qua.

Trước đó, Công an TP. Hà Nội cho biết, bà Bùi Thị Hoài Anh, Giám đốc Chi nhánh Thanh Xuân của Ngân hàng MSB bị bắt vì bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt 338 tỷ đồng của 8 khách hàng.

"Xin hỏi nếu khách hàng không có bất kỳ sai sót nào trong giao dịch thì khi nào khách hàng được hoàn lại số tiền đã gửi tại ngân hàng? Ngân hàng MSB và cá nhân bà Hoài Anh sẽ phải đền bù tiền cho khách hàng ra sao?", câu hỏi được gửi tới Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú.

Đây không phải lần đầu tiên xảy ra vụ việc nhân viên ngân hàng lợi dụng chức vụ để chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng, nhiều ý kiến cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước nhận định, phải chăng đang có "lỗ hổng" trong quy trình hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng; đồng thời yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nêu giải pháp bảo vệ người gửi tiền.

Bà Bùi Thị Hoài Anh, Giám đốc MSB Thanh Xuân

Bà Bùi Thị Hoài Anh, Giám đốc MSB Thanh Xuân

Trả lời câu hỏi này, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua vẫn có câu chuyện tiền trong tài khoản bị mất, có vi phạm có thể do cá nhân, tập thể ngân hàng...

"Nhưng không thể nói đó là do "lỗ hổng" của hệ thống ngân hàng mà chỉ là vụ việc của ngân hàng, có thể do cá nhân cán bộ ngân hàng, do cách thức quản lý của phòng giao dịch hoặc thậm chí là thông đồng với nhau...", ông Tú khẳng định.

Theo Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, sau mỗi vụ việc, cơ quan này đều có rút kinh nghiệm chung cho các ngân hàng khác.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước luôn rà soát thường xuyên. Từ lâu các quy định liên quan mở tài khoản thanh toán, vấn đề gửi tiết kiệm, chuyển tiền của người dân và doanh nghiệp... đã được văn bản hoá rất đầy đủ, quy định cụ thể trách nhiệm của cả ngân hàng lẫn khách hàng.

Năm 2014 với Thông tư 23 của Ngân hàng Nhà nước, các quy định về vấn đề này đã được thể hiện rất rõ, sau đó được cập nhật thường xuyên để phù hợp thực tiễn.

Tuy nhiên, ông Tú thừa nhận, việc triển khai thực hiện các quy định đó của các ngân hàng thương mại bằng các quy định nội bộ là trách nhiệm quản trị của các ngân hàng thương mại. Vụ việc của MSB là ví dụ điển hình để các ngân hàng thương mại khác xem xét xem đã thực hiện đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước chưa?

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thông tin tại buổi họp báo chiều 3/4

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thông tin tại buổi họp báo chiều 3/4

Về câu chuyện bà Bùi Thị Hoài Anh, Giám đốc MSB Thanh Xuân chiếm đoạt 338 tỷ đồng của khách hàng, ông Tú thông tin, Ngân hàng Nhà nước đã nhận được báo cáo của Ngân hàng MSB. Không phải khách hàng mà chính Ngân hàng MSB qua rà soát rủi ro thường xuyên, đã phát hiện và gửi hồ sơ sang Bộ Công an từ tháng 10/2023.

"Hiện Bộ Công an đang khẩn trương điều tra, xác định xem trách nhiệm của ai. Để xác định được đúng sai, trách nhiệm của ai thì phải chờ kết quả điều tra của cơ quan Công an. Chúng tôi tin rằng cơ quan Công an sẽ có kết luận đầy đủ", ông Tú nói và khẳng định, quyền lợi chính đáng của khách hàng sẽ được bảo vệ nếu khách hàng đã thực hiện đúng các quy định.

Thông qua vụ việc này, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị, các khách hàng gửi tiết kiệm tại ngân hàng cần có cơ chế tự bảo vệ bằng cách thường xuyên kiểm tra số dư, kiểm tra các giao dịch của mình để hạn chế tối đa các rủi ro mất tiền.

Tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt

Cũng tại cuộc họp báo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, hiện nay vấn đề tỷ giá đang rất "nóng", đã có việc tăng giá USD thời gian qua. Năm 2023 tỷ giá cũng đã "sôi động", điều hành tỷ giá đã có lúc rất khó khăn.

Trong quý I/2024 vấn đề tỷ giá tiếp tục "nóng thêm" do: Áp lực tăng giá đồng USD tiếp tục khi Fed chưa đưa ra thời điểm cụ thể nới lỏng lãi suất; chính sách hạ lãi suất của Việt Nam rất mạnh thời gian qua tạo ra chênh lệch lớn về lãi suất VND/USD trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục âm; 3 tháng đầu năm nay, nhập khẩu Việt Nam tích cực nên nhu cầu ngoại tệ tăng dẫn đến chênh lệch tỷ giá...

Ngân hàng Nhà nước coi đây là một trong những vấn đề đáng được quan tâm và điều hành tập trung. Theo ông Tú, điều hành của Ngân hàng Nhà nước cho thấy vẫn đảm bảo được các cân đối chung, đáp ứng nhu cầu ngoại tệ hợp pháp cho các doanh nghiệp.

"Tỷ lệ mất giá của VND so với USD so với các nước vẫn thấp, năm 2023 là 2,9% và hiện tại khoảng 2,6% - trong khi đồng nhân dân tệ Trung Quốc so với USD là 1,74%, đồng batt Thái so với USD là 5,93%; đồng yên Nhật so với USD là 7,52%...", Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu dẫn chứng.

Đồng thời, ông Tú nói rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ vẫn duy trì điều hành tỷ giá theo cơ chế hết sức linh hoạt để tỷ giá có thể lên xuống theo xu thế chung nhưng vẫn đảm bảo hài hoà cân đối giữa ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tâm lý thị trường, đáp ứng nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của doanh nghiệp và người dân.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục