Vụ ly hôn của vợ chồng “vua cà phê” Trung Nguyên: Gay gắt chuyện phân chia tài sản

Ngày 4/12, tòa phúc thẩm vụ án tranh chấp ly hôn giữa vợ chồng “vua cà phê” Trung Nguyên bước vào ngày xét xử cuối cùng, vấn đề phân chia tài sản vẫn rất gay gắt. Sau khi nghe Viện Kiểm sát phát biểu quan điểm kháng cáo, Hội đồng xét xử quyết định tạm nghỉ để nghị án. Dự kiến, tòa sẽ tuyên phúc thẩm vào chiều mai (5/12).
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo chia sẻ sau phiên xét xử ngày 4/12. Bà Lê Hoàng Diệp Thảo chia sẻ sau phiên xét xử ngày 4/12.

Sáng 4/12, phiên tòa phúc thẩm vụ ly hôn của vợ chồng “vua cà phê” Trung Nguyên là ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên) và bà Lê Hoàng Diệp Thảo (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên) bước vào ngày xét xử cuối cùng.

Các bên đương sự, luật sư cùng đại diện Viện Kiểm sát phát biểu quan điểm kháng cáo.

Theo yêu cầu của bị đơn (ông Vũ), phiên tòa được xử kín. Tuy nhiên, trao đổi với báo chí sau phiên xét xử, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Thảo cho biết, trong phiên xử hôm nay, bên phía ông Vũ vẫn giữ quan điểm là đồng ý bản án sơ thẩm và hủy một phần bản án sơ thẩm.

Cụ thể, là phần tranh chấp về tài sản, ông Vũ yêu cầu tòa sơ thẩm giải quyết lại. Đồng thời, đề nghị Hội đồng xét xử chấp thuận cho ông và bà Thảo được lý hôn. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử cơ bản chấp thuận kháng cáo của bà Thảo và các luật sư tại phiên tòa phúc thẩm.

Khi được hỏi về việc trong phiên tòa này, ông Vũ đã có ý tự nguyện tặng phần tài sản của mình bên Singapore - Công ty Trung nguyên International, bà Thảo cho biết, trên thực tế thì khối tài sản này là của mình.

Theo bà Thảo, năm 2007, bà cùng 3 con sang Singapore và tự lập Công ty Trung nguyên International, mở cánh cổng phát triển quốc tế cho Trung Nguyên, và vốn thì cũng hoàn toàn là của bà. Từ ngày đó cho đến nay, bà cũng là CEO và Chủ tịch của công ty đó. Ông Vũ chưa bao giờ bước chân tới công ty và cũng không biết công ty có bao nhiêu nhân viên. Như vậy thì không thể nói công ty đất là sản của ông Vũ được.

“Nhưng quan điểm của tôi thì nghĩ rằng, tài sản của tôi là tài sản chung của 2 vợ chồng, nên cần phải được phân chia trong việc ly hôn”, bà Thảo nói.

Trước đó, tại phiên sơ thẩm diễn ra vào tháng 3/2019, Toà án nhân dân TP.HCM đã ra phán quyết về vụ án ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

Toà quyết định chia cho ông Vũ hưởng 60%, bà Thảo 40%. Bên cạnh đó, ông Vũ sẽ sở hữu các cổ phần của bà Thảo. Ông Vũ có trách nhiệm trả tiền cho bà Thảo tương ứng với giá trị cổ phần sở hữu.

Với bất động sản, tòa ghi nhận sự thỏa thuận của hai bên, giao cho ông Vũ sở hữu 6 nhà đất đang quản lý, trị giá hơn 350 tỷ đồng.

Bà Thảo sở hữu 7 nhà đất trị giá hơn 375 tỷ đồng bao gồm căn nhà trên đường Tú Xương, quận 3, TP.HCM - nơi bà và các con sinh sống. Bà Thảo có nghĩa vụ trả lại cho ông Vũ phần chênh lệch 12,5 tỷ đồng.

Về khối tài sản tại các ngân hàng trị giá 1.764 tỷ đồng (thay vì 2.100 tỷ đồng) bà Thảo đang đứng tên, Hội đồng xét xử xác định đây là tài sản chung, sẽ chia đôi nhưng có tính đến công sức đóng góp của các bên.

Theo đó, tòa giao bà Thảo tiếp tục quản lý tài sản này, số tiền chênh lệch được cấn trừ vào số cổ phần ông Vũ nhận lại từ bà Thảo.

Ngay sau đó, cả phía ông Vũ và bà Thảo đều làm đơn kháng cáo lên Toà án Nhân dân TP.HCM. Theo đó, bà Thảo kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm. Trong khi đó, ông Vũ kháng cáo một số nội dung liên quan đến việc chia tài sản và đề xuất chia theo tỷ lệ 70% cho ông Vũ và 30% cho bà Thảo.

Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM cũng có kháng nghị chỉ ra 11 điểm bất hợp lý trong bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm.

Việt Dũng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục