Chia sẻ với Đầu tư Bất động sản, ông Thắng, 1 trong 463 “thượng đế” đã mua nhà tại Dự án Thanh Hà Cienco 5 qua Công ty cổ phần 1/5 vô cùng vui mừng cho biết, bản án phúc thẩm được tuyên vào tuần qua đã giúp họ có thể lấy lại được cơ bản tài sản bị chiếm đoạt.
“Sau 7 năm dài quá mệt mỏi theo đuổi tố tụng, chúng tôi đã đòi được công lý”, ông Thắng nói.
Vụ án được khởi tố từ năm 2010, sau nhiều lần đưa ra xét xử và đã có bản án sơ thẩm được tuyên, nhưng các khách hàng - các bị hại vẫn không đồng tình với bản án. Lần gần đây nhất, tháng 6/2016, Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, nhưng sau đó bản án bị kháng cáo.
Theo tài liệu tố tụng, năm 2009, Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land) được Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) giao thực hiện 3 dự án, trong đó có Dự án Thanh Hà Cienco 5.
Đến tháng 1/2010, Cienco 5 Land và Công ty 1/5 ký hợp đồng vay vốn với nội dung Công ty 1/5 cho Cienco 5 Land vay 200 tỷ đồng, thời hạn vay 18 tháng, lãi suất 1%/tháng. Đổi lại, Công ty 1/5 được quyền ưu tiên hợp tác đầu tư tại Dự án Thanh Hà A với diện tích khoảng 55.000 m2 và Cienco 5 Land đã giao cho Công ty 1/5 bản sao tờ trích lục bản đồ quy hoạch sử dụng đất của khu vực này.
Hết thời hạn chuyển vốn cho vay, do Công ty 1/5 không chuyển tiền, nên Cienco 5 Land đã có công văn thông báo chấm dứt hợp đồng vay vốn. Dù vậy, Lê Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty 1/5 và các nhân sự của công ty này che giấu thông tin trên và tiếp tục sử dụng Hợp đồng vay vốn đưa ra cho khách hàng để chào bán và ký hợp đồng giao vốn, thu tiền đặt cọc.
Tổng cộng có 463 hợp đồng giao vốn được ký kết với số tiền được Bình và các đồng phạm thu của khách hàng là 789 tỷ đồng. Số tiền này đi đâu và khả năng thu hồi ra sao là mối bận tâm lớn nhất của các khách hàng đã nộp tiền.
Quá trình giải quyết vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã thu giữ được hơn 400 tỷ đồng trong tài khoản của Công ty 1/5 và Công ty Minh Ngân (công ty do bị cáo Bình thành lập). Các cổ đông sáng lập của Công ty cổ phần Xuyên Thái Bình Dương đã hoàn trả 172 tỷ đồng (số tiền mà bị cáo Bình sử dụng để mua cổ phần của Công ty Xuyên Thái Bình Dương). Một số đương sự khác đã khắc phục một phần hậu quả...
Một số tài sản khác chưa thu hồi được như 272 tấn thép mà bị cáo Bình ký hợp đồng mua, tiền đã thanh toán, nhưng thép vẫn do bên bán quản lý; 5 tỷ đồng góp vốn vào Công ty Tuấn Triều; 100 tỷ đồng mua cổ phần Công ty Xuyên Thái Bình Dương (ngoài số tiền 172 tỷ đồng đã hoàn trả nêu trên)...
Trong số tài sản này, khoản tiền 100 tỷ đồng mua cổ phần Công ty Xuyên Thái Bình Dương là mắc mứu lớn nhất. Các khách hàng cho rằng, tiền bị cáo Bình mua cổ phiếu được lấy từ nguồn tiền khách hàng đóng góp vào để mua sản phẩm Dự án Thanh Hà Cienco 5. Vì thế, đây là vật chứng của vụ án và cần được thu hồi để hoàn trả cho những người đã bị Bình lừa đảo.
Bản án sơ thẩm không chấp nhận quan điểm này và cho rằng, giao dịch chuyển nhượng cổ phần giữa Công ty Minh Ngân (do Lê Hòa Bình làm đại diện) và Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Lan) đã hoàn tất, đã thay đổi đăng ký kinh doanh, nên không có cơ sở xem xét lại. Hiện hơn 6 triệu cổ phần đang do Công ty Xuyên Thái Bình Dương quản lý sẽ được tạm giữ để đảm bảo thi hành án.
Quá mệt mỏi vì vụ án kéo dài, lần này chỉ còn 2 khách hàng kháng cáo, yêu cầu tòa án xem xét lại trách nhiệm dân sự về khoản tiền 100 tỷ đồng này. Tại phiên tòa phúc thẩm, nội dung kháng cáo này đã được chấp nhận. Như vậy, bên bán cổ phần Công ty Xuyên Thái Bình Dương cho Lê Hòa Bình là PVP Land sẽ phải trả lại 100 tỷ đồng. Đây là khoản tiền lớn đối với các khách hàng trong vụ án. Bản án phúc thẩm có hiệu lực ngay sau khi tuyên.
Ông Thắng thở phào nhẹ nhõm, bởi với số tài sản thu hồi được, ông sẽ được trả lại số tiền bỏ ra mua nhà.