Đá trời giá trên trời: 80 triệu USD/kg
Vừa qua, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã xem xét kháng cáo của đôi vợ chồng bị lừa mua thiên thạch mất hơn 30 tỷ đồng.
Được biết, vụ án ông trùm thiên thạch Lê Văn Huy được phát hiện cách đây vài năm nhưng các vấn đề xung quanh xác định thiệt hại và trách nhiệm bồi thường cho những người tin tưởng ông trùm và lao vào mua bán thiên thạch vẫn chưa kết thúc.
Theo tài liệu vụ án, do thiếu tiền tiêu xài, Lê Văn Huy (SN 1966) và 8 đồng phạm đã tổ chức băng nhóm lừa đảo qua hình thức mua bán thiên thạch.
Ban đầu Huy thành lập Công ty TNHH MTV Đầu tư thương mại Hoàng Huy Gia Định và một số pháp nhân khác chuyên buôn bán vàng bạc, đá quý, thiên thạch....
Nhóm Lê Văn Huy tiếp cận với nhiều người phao tin có một số công ty đang tìm mua thiên thạch với giá 80 triệu USD/kg để bán cho các tổ chức nước ngoài dùng vào việc nghiên cứu về vũ trụ.
Lê Văn Huy đưa ra thông tin thiên thạch có những tính năng đặc biệt như làm đông cứng thủy ngân, làm đá lửa bị chuyển màu, không đánh lửa đuợc, làm kính bị rạn nứt, khi cho vào nuớc thì thiên thạch sẽ nổi ở lưng chừng, không chạm đáy.
Huy phân công các đồng phạm giả làm nguời có thiên thạch cần bán với giá 40 triệu USD/lkg, giả làm người của các công ty cần mua thiên thạch tiếp cận với bị hại và hỏi mua thiên thạch để tạo nhu cầu giả.
Các đối tượng đưa ra điều kiện muốn bán thiên thạch thì phải đóng tiền ký quỹ, công ty mua thiên thạch cử người hỗ trợ kiểm tra. Khi xác nhận đúng là thiên thạch, công ty mua ngay. Nếu quá hạn thỏa thuận trong hợp đồng mà không tìm được nguồn mua thiên thạch, người bán bị mất tiền ký quỹ.
Trong quá trình giao dịch, thực hiện theo sự chỉ đạo của Huy, các đồng phạm giả là người bán thiên thạch đưa ra nhiều lý do khác nhau để ngăn cản cho xem thiên thạch. Nếu đã cho xem và thử thì lại đưa ra các lý do khác nhau để không bán, hoặc ngụy tạo việc bị cướp hàng... để không giao dịch, chiếm đoạt tiền ký quỹ.
Có một số trường hợp, Huy còn cho đồng phạm giả vờ cùng góp vốn với bị hại mua thiên thạch, khi bị hại tin tưởng giao tiền thì chiếm đoạt.
Thế chấp nhà để lấy tiền mua bán thiên thạch
Bằng thủ đoạn trên, Huy và các đồng phạm đã lừa đảo rất nhiều bị hại, ở nhiều địa phương với số tiền mỗi vụ từ vài trăm đến hàng tỷ đồng. Trong đó, vợ chồng ông Ngô Long M. và Phạm Thị Thế L. đã bị lừa hơn 31 tỷ đồng.
Để có tiền tham gia mua bán thiên thạch, vợ chồng ông L. đã thế chấp căn nhà tại quận 1, TP Hồ Chí Minh cho Ngân hàng Habubank (nay đã bị sáp nhập) để vay 26 tỷ đồng giao cho Lê Văn Huy.
Sau khi nhận được 26 tỷ đồng, Lê Văn Huy kêu vẫn chưa đủ tiền mua thiên thạch. Ông M., bà L. nhờ dịch vụ môi giới làm thủ tục trả nợ cho Ngân hàng Habubank, giải chấp căn nhà rồi thế chấp căn nhà này cho Công ty Đầu tư Tư vấn Dịch vụ HM để vay 41,8 tỷ đồng. Trừ chi phí giải chấp và phí dịch vụ, ông M., bà L. nhận được 4,7 tỷ đồng và giao nốt cho Lê Văn Huy số tiền này.
Vụ việc được các cơ quan tiến hành tố tụng truy tố, điều tra, xét xử. Tòa án đã xét xử vụ án và tuyên phạt Lê Văn Huy mức án tù chung thân và các đồng phạm lĩnh mức án từ 5 năm đến 16 năm tù giam.
Tuy nhiên phần trách nhiệm dân sự của vụ án đã bị kéo dài cho tới nay. Trong thời gian giải quyết vụ án, ông Ngô Long M. đã mất, bà Phạm Thị Thế L. và các con thừa kế quyền và nghĩa vụ, đã tiếp tục kháng cáo phần dân sự.
Tòa án xác định tổng số tiền vợ chồng bà L. đã đưa cho các bị cáo là hơn 31 tỷ đồng. Tuy nhiên, gia đình bà L. cho rằng các bị cáo đã lừa đảo của gia đình số tiền 43 tỷ đồng. Gia đình bà L. yêu cầu đưa Công ty Đầu tư Tư vấn Dịch vụ H.M và Ngân hàng Habubank vào tham gia tố tụng và buộc các đơn vị này cùng liên đới bồi thường thiệt hại.
Tòa án cho rằng về số tiền bị chiếm đoạt, cơ quan điều tra đã xác minh, làm rõ số tiền thực đưa cho các bị cáo là 34,1 tỷ đồng.
Về trách nhiệm, Tòa án cho rằng, Công ty Đầu tư Tư vấn Dịch vụ H.M và Ngân hàng Habubank không có sự cấu kết với Lê Văn Huy và các bị cáo khác thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của người bị hại.
Căn cứ hợp đồng chuyển nhượng kỳ hạn bất động sản số 32/2011/BĐS thì ông M, bà L đã ký kết hợp đồng với Công ty cổ phần Đầu tư Tư vấn Dịch vụ HM trên cơ sở tự nguyện, không trái với quy định pháp luật. Sau đó thanh toán cho khoản vay ngân hàng.
Đây là các giao dịch dân sự, do đó trường hợp ông M, bà L cho rằng giao dịch này gây thiệt hại cho ông bà thì ông bà có quyền khởi kiện đối với Công ty Đầu tư Tư vấn Dịch vụ H.M và Ngân hàng Habubank theo trình tự thủ tục tố tụng dân sự.
Trên cơ sở này, Tòa bác kháng cáo của nguyên đơn dân sự về vấn đề trách nhiệm bồi thường của CTCP Đầu tư Tư vấn Dịch vụ H.M.