Vụ Liên kết Việt: Ai làm giả bằng khen Thủ tướng?

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Từ ngày 21/12/2020, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại CTCP Liên kết Việt. Chủ mưu vụ án là Lê Xuân Giang (cựu Chủ tịch HĐQT công ty).

Các bị cáo tại tòa. Các bị cáo tại tòa.

Phiên tòa dự kiến kéo dài 10 ngày với số lượng bị hại lên tới hàng trăm người tham gia.

Theo cáo trạng, Công ty Liên kết Việt được cấp giấy chứng nhận tổ chức bán hàng đa cấp. Lê Xuân Giang thuê nhóm ekip đứng đầu, lập kế hoạch lôi kéo bị hại.

Các bị cáo cung cấp thông tin sai lệch khiến nhà đầu tư nghĩ Liên Kết Việt là công ty con của Công ty BQP thuộc Bộ Quốc phòng.

Nhóm ekip do Nguyễn Thị Thủy đứng đầu đã đưa ra các chương trình khuyến mại, thưởng, hoa hồng, các chương trình thi đua, tôn vinh, khen thưởng… , đặt ra tỷ lệ hoa hồng chiếm tới 65% tổng doanh thu công ty.

Cùng với các chương trình chi trả hoa hồng..., Lê Xuân Giang mở 34 văn phòng đại diện tại 27 tỉnh, thành phố, lên các chương trình đào tạo, tập huấn để thu hút, lôi kéo các bị hại.

Dưới sự chỉ đạo của Giang, các nhóm tổ chức rầm rộ các chương trình đại hội hoa hồng, trao thưởng, tặng thưởng, trao bằng khen giả của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức các hội nghị khách hàng… để tạo ganh đua nhằm lôi kéo bị hại.

Các bị hại làm thủ tục tham dự phiên tòa.

Các bị hại làm thủ tục tham dự phiên tòa.

Để tạo niềm tin cho khách hàng, tháng 10/2014, Giang đã bay vào TP.HCM, gặp nhà sư Phạm Văn Út nhờ làm giúp Bằng khen của Thủ tướng tặng Công ty Liên Kết Việt, Công ty cổ phần Tập đoàn thiết bị y tế QBP…

Nội dung trên các quyết định, bằng khen giả đều do Giang điện thoại hướng dẫn Út ghi lại.

Có bằng khen giả, các đối tượng tổ chức rầm rộ các sự kiện để đón nhận bằng khen, đóng khéo và treo tại trụ sở để khuyếch trương hình ảnh công ty.

Ngoài ra, Lê Xuân Giang còn làm giấy khen khác để các bị hại lầm tưởng Công ty Liên Kết Việt, Công ty BQP là công ty của Bộ Quốc Phòng.

Theo đó, tháng 1/2014, Công ty BQP được Trung ương Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tặng danh hiệu “chứng nhận Công ty cổ phần Tập đoàn thiết bị y tế Bộ Quốc Phòng đạt danh hiệu thương hiệu sản phẩm Việt Nam phát triển bền vững”. Do giấy chứng nhận ghi sai tên so với đăng ký kinh doanh, Giang đã lợi dụng việc nhầm lẫn này rồi đưa các hình ảnh lên website Công ty Liên kết Việt.

Bị cáo cũng thường xuyên mặc trang phục quân đội tại các sự kiện để gây nhầm lẫn.

Để các bị hại tin tưởng sản phẩm của công ty có sự liên danh liên kết với các đơn vị uy tín của Bộ Quốc Phòng, Lê Xuân Giang còn nhờ ông Nguyễn Thăng Long, Giám đốc Công ty Thanh Hà - BQP ký giấy xác nhận hợp tác sản xuất máy khử độc Ozone Great-13. Khi cơ quan công an vào cuộc, Công ty Thanh Hà khẳng định đây chỉ là xác nhận về ý tưởng, không phải là hợp tác sản xuất, kinh doanh.

Các bị cáo thực hiện rầm rộ các chiêu trò trên để thu hút các bị hại. Khi tham gia, mỗi bị hại được ký hợp đồng hợp tác bán hàng và hợp đồng phân phối.

VKSND tối cao cáo buộc 7 bị cáo đã chiếm đoạt của hàng chục nghìn bị hại với tổng số tiền hơn 1.100 tỷ đồng.

Trụ sở TAND TP Hà Nội - nơi diễn ra phiên xét xử.

Trụ sở TAND TP Hà Nội - nơi diễn ra phiên xét xử.

Theo cơ quan điều tra, nhà sư Phạm Văn Út có dấu hiệu phạm tội Làm giả tài liệu của cơ quan nhà nước.

Do quá trình điều tra, nhà sư Phạm Văn Út đã khai báo thành khẩn, tự nguyện nộp lại 31 triệu đồng để khắc phục hậu quả. Do đó, ngày 10/1/2018, cơ quan CSĐT Bộ Công an có công văn đề nghị Hội đồng trị sự giáo hội Phật giáo VIệt Nam có hình thức xử lý đối với nhà sư Phạm Văn Út.

Hội đồng trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có hình thức xử lý đối với nhà sư Phạm Văn Út nên cơ quan điều tra, Viện KSND tối cao thống nhất không truy cứu trách nhiệm hình sự với nhà sư.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục