Hoạt động xem xét được công bố 2 lần trong năm, sau đó gửi báo cáo tới Bộ Thương mại Mỹ - là cơ quan có thể kết luận liệu các đối tác thương mại có cố tình hạ giá đồng tiền để tạo lợi thế trong xuất khẩu hay không, từ đó có căn cứ điều chỉnh thuế suất chống trợ giá.
Kể từ năm 2015, có 3 tiêu chí để nhận diện một quốc gia bị xem là thao túng tiền tệ. Thứ nhất, có thặng dư thương mại song phương với Mỹ đạt ít nhất 20 tỷ USD.
Thứ hai, thặng dư cán cân tài khoản vãng lai tương đương 2% GDP của nước đó.
Thứ ba, chính phủ can thiệp thị trường ngoại hối một chiều với giá trị tối thiểu 2% GDP trong ít nhất 6 tháng/1 năm.
Thông thường, đa phần các khu vực kinh tế có hoạt động xuất khẩu mạnh và là đối tác thương mại của Mỹ như Đức, Thái Lan, Đài Loan, Thuỵ Điển… đều vi phạm 2 tiêu chí đầu tiên.
Tiêu chí thứ ba tuỳ thuộc vào hành động của chính phủ các quốc gia trong những giai đoạn nhất định.
Đáng chú ý, trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016, ứng cử viên Donald Trump đã tập trung vào câu chuyện thao túng tiền tệ và xem đây là vấn đề đáng ngại đối với kinh tế Mỹ.
Kể từ khi nhậm chức cho tới nay, Chính phủ của Tổng thống Trump đã có nhiều hành động nhấn mạnh tới trọng tâm này.
Đơn cử, lần đầu tiên tỷ giá được đưa vào điều khoản bắt buộc trong các cam kết thương mại của Mỹ như tại Hiệp định thương mại Mỹ - Mexico - Canada. Các cam kết về tiền tệ cũng xuất hiện trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tổng thống Trump đồng thời bày tỏ lo ngại về chính sách tỷ giá của các khu vực kinh tế gồm khu vực đồng Euro, Brazil và Argentina.
Hành động gần nhất của giới chức Mỹ trong câu chuyện quản lý tiền tệ là việc công bố các khoản thuế chống trợ cấp (CVD) có thể được áp dụng như là phương thức bù trừ cho những tổn thất hoặc thiệt có thể xảy ra đối với các ngành công nghiệp nội địa, xuất phát từ các biện pháp cạnh tranh không lành mạnh trong xuất khẩu của các đối tác thương mại.
Top 3 khu vực kinh tế có nguồn thu thuế chống trợ cấp (CVD) lớn nhất thế giới. |
Tới tháng 2/2020, Bộ Tài chính Mỹ chính thức áp dụng quy định mới cho phép Washington áp thuế lên các quốc gia bị cho là đã hạ thấp giá trị đồng nội tệ, khiến hàng hóa xuất khẩu trở nên rẻ hơn, tạo lợi thế cạnh tranh với hàng hóa sản xuất tại Mỹ.
Hiện chưa rõ quốc gia nào sẽ là mục tiêu với cách tiếp cận chính sách mới, nhưng Bộ Tài chính Mỹ duy trì danh sách theo dõi các đối tác thương mại lớn có biểu hiện thao túng tiền tệ, trong đó có những tên tuổi khá quen thuộc như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Ireland, Singapore...
Cơ quan này sẽ khẳng định nếu tìm thấy bằng chứng cho thấy “chính phủ của quốc gia xuất khẩu có hành động với tỷ giá và không thực hiện những chính sách tiền tệ thông thường”.
Kể từ khi chấp nhận các yêu cầu từ ngày 27/6/2020, đã có 47 đơn thư từ nhiều lĩnh vực gửi đến Bộ Tài chính Mỹ. Doanh nghiệp, các hiệp hội thương mại ngành thép, công nghiệp ô tô, đồ nhà bếp, nội thất... cùng nhiều ngành khác đều có các đề nghị chấm dứt “những lợi thế có được từ hạ giá đồng tiền”.
Thông thường, nếu một quốc gia được xác định thao túng tiền tệ để đạt lợi thế thương mại, Bộ Tài chính Mỹ sẽ tiến hành các cuộc thảo luận với quốc gia đó, hoặc thông qua Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để “sửa chữa” tình hình.
Nếu việc thảo luận không đi đến kết quả, Tổng thống Mỹ có thể áp đặt nhiều khoản phạt thuế chống trợ cấp lên quốc gia thao túng tiền tệ.
Tính đến nay, Trung Quốc là quốc gia gần nhất được Mỹ “gắn nhãn” thao túng tiền tệ. Tuy nhiên, các biện pháp đối phó của Mỹ đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là chưa rõ ràng.
Về các nghĩa vụ thuế quan, hàng hóa từ Trung Quốc chịu nhiều mức thuế suất khác nhau sau khi xung đột thương mại Mỹ - Trung leo thang.
Hiện tại, 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tiến hành Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 và sẽ còn nhiều cuộc đàm phán trong thời gian tới.