Vụ Công ty Phi Long bị khởi tố hình sự: Thông tin mập mờ gây khốn đốn

(ĐTCK) Việc CTCP Đầu tư phát triển đô thị Phi Long bị khởi tố là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các nhà đầu tư, nhưng cũng có thấy sự thiếu minh bạch thông tin trên thị trường địa ốc.
Khách hàng kéo đến trụ sở Công ty Phi Long để đòi quyền lợi Khách hàng kéo đến trụ sở Công ty Phi Long để đòi quyền lợi

Khách hàng điêu đứng

Đã nhiều năm nay, hàng trăm khách hàng mua đất nền bằng hình thức góp vốn tại dự án Khu dân cư Nam - Nam Sài Gòn liên tục kéo đến trụ sở Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị Phi Long (Công ty Phi Long), nằm trên đường Trịnh Quang Nghị, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM yêu cầu gặp chủ đầu tư để giải quyết việc mua đất hơn cả chục năm nay nhưng vẫn chưa nhận được nền.

Thế nhưng, không những chẳng có kết quả, mà nhiều người còn hoang mang hơn khi phát hiện cùng một nền đất, nhưng được chủ đầu tư bán cho nhiều người.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, bà Nguyễn Thị Dung, ngụ tại quận 1 (TP.HCM) cho biết, bà đặt mua 2 nền đất có ký hiệu B9-24 và A2-14 tại dự án này vào năm 2007, với số tiền gần 2,7 tỷ đồng. Khi đó, chủ đầu tư là Công ty Phi Long hứa hẹn trong vòng 24 tháng sẽ bàn giao sổ đỏ cho khách hàng để xây dựng nhà cửa.

Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng và đóng được hơn 50% giá trị hợp đồng, bà Dung vẫn chưa nhận được nền đất. Đến năm 2013, bà lại được chủ đầu tư yêu cầu đóng hết toàn bộ số tiền theo hợp đồng để kịp làm hồ sơ ra sổ cho lô đất bà mua. Tưởng thật, bà Dũng đã đóng hết toàn bộ số tiền còn lại, nhưng chờ mãi vẫn chưa thấy chủ đầu tư có động thái gì.

Khoảng đầu tháng 3/2019, khi thấy hàng trăm khách hàng tố cáo Công ty Phi Long lừa đảo, bà cũng đến dự án để kiểm tra thì phát hiện vị trí lô đất mình đã mua bỗng bị đổi tên thành B5-33 và đã có chủ mới. Không những vậy, bà Dung còn “chết đứng” khi được biết lô đất A2-14 cũng không còn nữa.

Vụ Công ty Phi Long bị khởi tố hình sự: Thông tin mập mờ gây khốn đốn ảnh 1

Việc thông tin không được rõ ràng là nguyên nhân khiến nhiều khách hàng khốn đốn

Tương tự, chị Trúc Linh cũng tin tưởng vào những lời quảng cáo đường mật của chủ đầu tư, đặt mua nền đất mã B21-17 vào tháng 1/2018. Nhưng chỉ 2 tháng sau, chị Linh tá hỏa phát hiện lô đất của mình lại được chủ đầu tư bán tiếp cho một khách hàng khác là chị Trương Kim Anh.

Nghiêm trọng hơn là trường hợp của ông Trần Thanh Hải (58 tuổi, ngụ quận 5, TP.HCM), gia đình ông mua nền biệt thự có ký hiệu D2-08, diện tích 450 m2 từ năm 2007. Đến đầu tháng 3/2019, khi những lùm xùm tại dự án này bùng lên, ông Hải đến kiểm tra thì tá hỏa phát hiện nền đất của mình được Công ty Phi Long chia nhỏ thành 4 nền mang mã số B17-15; B17-16; B17-17 và B17-18 và đã có người khác đặt mua những nền đất này.

Quá bức xúc trước việc làm của Công ty Phi Long, những khách hàng này đã đến trụ sở của Công ty để làm rõ và yêu cầu giải quyết. Tuy nhiên, khi vụ việc vẫn chưa được giải quyết và số tiền đã đóng trước đó của họ chưa biết đi về đâu thì mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM khởi tố hình sự về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với công ty này.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, không chỉ tại dự án Nam - Nam Sài Gòn, mà các dự án khác của Công ty Phi Long như Khu dân cư Phi Long 5, Khu dân cư Hải Yến, Khu dân cư Huy Hoàng, Khu dân cư An Khánh… cũng bị khách hàng tố giác về việc lừa đảo.

Vì đâu nên nỗi?

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Dung cho biết, khi chuẩn bị ký hợp đồng mua đất tại dự án Nam - Nam Sài Gòn, bà được Công ty Phi Long cho xem bản đồ quy hoạch chi tiết 1/500 cùng với Công văn số 208/QHKT-ĐB của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, ký ngày 9/9/2005.

“Thấy những giấy tờ này thì tôi cũng khá yên tâm và tin tưởng, vì đã được cơ quan chức năng phê duyệt, nên đã không đắn đo gì khi ký hợp đồng và đóng tiền cho chủ đầu tư”, bà Dung nói và cho biết, nhưng đến khoảng đầu năm 2019, khi thấy lô đất của mình mua đã bị đổi tên và bán cho người khác, cũng có nhiều người tố cáo Công ty Phi Long lừa đảo, bà đã đến liên hệ với các cơ quan chức năng để tìm hiểu thông tin, nhưng kết quả nhận được đều là sự im lặng.

Cụ thể, bà Dung chia sẻ, khi đến tìm hiểu thông tin tại UBND huyện Bình Chánh, bà được gặp cán bộ tiếp dân và yêu cầu để lại thông tin, nội dung cần tìm hiểu. Lúc này, bà cũng làm theo yêu cầu rồi ra về, đợi khoảng 2 tuần, rồi cả tháng vẫn chưa thấy UBND huyện Bình Chánh có phản hồi. Khi bà quay lại hỏi thì nhận được câu trả lời rằng, nội dung đã được chuyển tới các phòng chức năng, hiện đang đợi các phòng chức năng phản hồi thì mới trả lời bà được.

“Mãi đến khoảng cuối năm 2019 thì tôi mới nhận được thông tin phản hồi là Công ty Phi Long vẫn chưa hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Dự án cũng chưa được UBND huyện Bình Chánh phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 theo quy định”, bà Dung nói và bức xúc, chính quyền địa phương cung cấp thông tin quá chậm.

Vụ Công ty Phi Long bị khởi tố hình sự: Thông tin mập mờ gây khốn đốn ảnh 2

Nhiều khách hàng bị lừa khi mua đất tại dự án của Công ty Phi Long

Hay tại dự án Khu nhà ở An Khánh II, cũng do Công ty Phi Long làm chủ đầu tư, các khách hàng mua nền đất ở đều cho rằng, việc ký kết hợp đồng với Công ty Phi Long là hoàn toàn hợp pháp và đúng pháp luật. Nhưng khi các hộ dân nhận đất và chuẩn bị tiến hành xây dựng thì bị UBND phường Bình An (quận 2, TP.HCM) ngăn cản, không cho phép xây dựng.

“Việc mua nền để xây dựng nhà ở theo quy hoạch từ 1 chủ đầu tư được UBND Thành phố và UBND quận 2 là có thật. Mua bán có hợp đồng chuyển nhượng, có biên bản giao nền, có phiếu thu nhận tiền từ Công ty Phi Long, có biên lai đóng thuế... cũng như việc thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước là đúng, đủ và hợp pháp. Nhưng không hiểu tại sao chính quyền địa phương lại không cho xây dựng”, anh Hóa, một khách hàng ở đây thắc mắc.

Cũng theo anh Hóa, phải mất rất nhiều thời gian để tìm hiểu thông tin từ cơ quan chức năng thì các hộ dân ở đây mới nhận được câu trả lời rằng, Công ty Phi Long không thực hiện đúng cam kết trong dự án, tự ý lập hợp đồng chuyển nhượng bán nền cho các hộ dân. Do đó, khi tiến hành xây dựng thì bị UBND phường Bình An yêu cầu ngừng thi công để đảm bảo đúng pháp luật và quy hoạch dự án là hoàn toàn sai.

“Chính những thông tin mập mờ, không rõ ràng, việc tiếp cận lại khó khăn là nguyên nhân dẫn đến những khuất tất, cũng như khốn đốn của các hộ dân mua nền tại dự án này”, anh Hóa bức xúc.

Theo một số chuyên gia trong ngành, việc công khai mọi thông tin liên quan đến giao dịch bất động sản như quy hoạch, công năng, chất lượng, hạ tầng, tính chất pháp lý… sẽ giúp cho thị trường trở nên minh bạch hơn, cũng như bảo vệ được quyền và lợi ích của các bên liên quan khi có vấn đề phát sinh.

Trên thực tế, không phải đến tận bây giờ, câu chuyện minh bạch hóa thông tin mới được chú trọng. Những năm trước đây, các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã có nhiều động thái trong việc minh bạch thông tin thị trường bất động sản, tuy nhiên hiệu quả chưa thực sự rõ rệt. Vì vậy, để không có tiếp những vụ như Alibaba, Angel Lina, hay Phi Long..., việc cấp thiết cần làm là phải minh bạch hóa thông tin thị trường, dự án từ cơ quan quản lý.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Việt Dũng ​
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục