Loạt bị cáo bị đưa ra xét xử trong giai đoạn II
Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội vừa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; che giấ́u tội phạm”, xảy ra tại Thái Nguyên và một số tỉnh, thành phố.
Đây là giai đoạn II của vụ án xảy ra tại Bộ Ngoại giao và một số tỉnh, thành phố, đã được tòa án hoàn tất việc xét xử vào tháng 12/2023, hay còn gọi là vụ án “Chuyến bay giải cứu”.
Liên quan giai đoạn này, có 17 bị cáo bị đưa ra xét xử. Trong số này, bị cáo Trần Tùng, cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên bị đưa ra xét xử về 2 tội danh: “nhận hối lộ”, theo quy định tại khoản 4, Điều 354, Bộ luật Hình sự và tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo khoản 3, Điều 356, Bộ luật Hình sự.
Có 4 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “nhận hối lộ”, gồm Nguyễn Văn Văn, cựu Phó giám đốc Sở Y tế Quảng Nam; Lê Ngọc Tường, cựu Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam; Nguyễn Mạnh Trường, cựu chuyên viên Phòng vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông - Vận tải; Lê Thị Phượng, cựu chuyên viên Phòng Khoa giáo - Văn xã, Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương.
Cùng với đó, 10 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “đưa hối lộ”, trong đó có Vũ Hồng Quang, cựu Phó phòng Vận tải hàng không; Nguyễn Mạnh Cương, Trưởng phòng Thương mại điện tử, Công ty cổ phần Thương mại hàng không Vietjet.
Đáng nói, có một cựu cán bộ công tác tại Bộ Công an là Nguyễn Xuân Thông, bị đưa ra xét xử về tội “che giấu tội phạm”, theo khoản 1, Điều 389, Bộ luật Hình sự.
Theo hồ sơ vụ án, từ tháng 1/2020, khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng, chống dịch.
Các chuyến bay được thực hiện dưới 3 hình thức: do cơ quan nhà nước phối hợp tổ chức đưa công dân về nước cách ly tại cơ sở quân đội (chuyến bay giải cứu); cấp phép tổ chức các chuyến bay thí điểm, hình thức trọn gói bằng kinh phí tự nguyện của công dân (chuyến bay combo); các chuyến bay đơn lẻ, phát sinh đột xuất ngoài kế hoạch.
Tuy nhiên, trong giai đoạn II của vụ án, cơ quan tố tụng xác định, quá trình thực hiện chuyến bay đơn lẻ, một số cá nhân tại UBND các tỉnh, thành phố đã thỏa thuận đưa/nhận hối lộ, làm trái công vụ để tham mưu, đề xuất chấp thuận chủ trương cho các doanh nghiệp đưa công dân về nước cách ly y tế tại các địa phương.
Các đối tượng này trực tiếp hoặc qua trung gian móc nối, thỏa thuận với cán bộ thuộc Bộ Y tế đưa hối lộ/nhận hối lộ với số tiền lớn để có văn bản chấp thuận, xét duyệt cho công dân về nước.
Thỏa thuận chi tiền tỷ ngoài hợp đồng
Tại tỉnh Thái Nguyên, Sở Ngoại vụ được giao là đầu mối triển khai thực hiện các hoạt động tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và phối hợp thực hiện các thủ tục nhập cảnh, cách ly y tế đối với các đoàn khách về nước.
Khoảng cuối năm 2020, ông Vũ Hồng Nam, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản (bị cáo trong giai đoạn I vụ án) liên hệ và được Trần Tùng, thời điểm này là Phó giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Nguyên, trao đổi về chủ trương cách ly, hướng dẫn gửi công điện.
Cùng với đó, ông Nam cũng giới thiệu Lê Văn Nghĩa (bị cáo giai đoạn I vụ án), Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch và Dịch vụ ăn uống Nhật Minh (Công ty Nhật Minh) để cho công ty này được tổ chức các chuyến bay đưa công dân từ Nhật Bản về cách ly tại tỉnh Thái Nguyên.
Khi gặp Nghĩa, Trần Tùng hứa hẹn sẽ lo mọi thủ tục để UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương cách ly; đồng thời yêu cầu cho Công ty Sen vàng Đất Việt do Trần Thị Quyên làm giám đốc, được tham gia và thực hiện việc cách ly y tế.
Trần Tùng cũng ép Nghĩa phải đồng ý cắt lại chi phí thực hiện việc cách ly, trọn gói là 18 triệu đồng/khách, song yêu cầu khi ký hợp đồng chỉ thể hiện 10-12 triệu đồng; số tiền chênh lệch còn lại sẽ chuyển ngoài hợp đồng cho Tùng, thông qua Quyên.
Từ ngày 9/4 đến 28/9/2021, Công ty Nhật Minh thực hiện 3 chuyến bay, đưa 668 người về cách ly tại tỉnh Thái Nguyên. Theo thỏa thuận, Nghĩa đã chuyển gần 4,418 tỷ đồng tiền ngoài hợp đồng vào tài khoản cá nhân theo yêu cầu của Quyên.
Cơ quan tố tụng cáo buộc, Trần Tùng đã nhận hối lộ số tiền trên thông qua Trần Thị Quyên. Sau khi Bộ Công an khởi tố vụ án giai đoạn I, Trần Tùng đã nhờ em trai chuyển lại gần 1,25 tỷ đồng để Quyên hợp thức việc để tiền ngoài hợp đồng, với lý do nộp tiền thuế vào kho bạc.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện 7 chuyến bay đưa công dân về cách ly sau đó, Trần Tùng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ, hưởng lợi 3,27 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ Thái nguyên đã tự nguyện nộp lại 700 triệu đồng để khắc phục hậu quả của vụ án.
Phải chi 10 triệu đồng/người mới có văn bản chấp thuận đưa công dân về nước
Tháng 9/2020, Vũ Hồng Quang, cựu Phó trưởng phòng Vận tải hàng không (Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông - Vận tải) đã liên hệ, nhờ Phạm Trung Kiên (bị can giai đoạn I vụ án), cựu cán bộ giúp việc cho Thứ trưởng Bộ Y tế, giúp để có văn bản chấp thuận cho công dân được về nước trên các chuyến bay đơn lẻ. Kiên đồng ý và yêu cầu phải chi số tiền 10 triệu đồng/công dân.
Từ đó, Quang đã trao đổi với Nguyễn Mạnh Cương, cựu Trưởng phòng Thương mại điện tử (Công ty cổ phần Thương mại hàng không Vietjet) và Vũ Hoàng Dũng (lao động tự do) về việc có thể xin được văn bản cấp phép cho công dân về nước trên chuyến bay đơn lẻ với mức phí từ 2.000 USD đến 3.000 USD/công dân.
Hai đối tượng này sau đó trao đổi với một số công ty để tập hợp hồ sơ của các công dân có nhu cầu về nước và thỏa thuận chi phí chênh từ 100 USD đến 500 USD/công dân.
Tương tự, Phạm Trung Kiên hứa hẹn với Trần Thanh Nhã (lao động tự do) chi phí để xin thủ tục đưa khách lẻ về nước từ 10 - 15 triệu đồng/công dân; một số ít trẻ em với chi phí 7 triệu đồng.
Một số đối tượng cũng lợi dụng việc này để tập hợp hồ sơ, thỏa thuận chi phí 25 - 160 triệu đồng/công dân có nhu cầu về nước.
Từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2021, nhận được thông tin từ Vũ Hồng Quang và Trần Thanh Nhã, Phạm Trung Kiên đã chuyển hồ sơ hoặc trực tiếp tham mưu, đề xuất lãnh đạo ký duyệt văn bản.
Kết quả là, Vũ Hồng Quang đã đưa hối lộ gần 7,5 tỷ đồng cho Phạm Trung Kiên để có văn bản chấp thuận cho 624 công dân về nước. Quang được hưởng lợi gần 20 tỷ đồng.
Trong khi đó, Trần Thanh Nhã cũng đưa hối lộ gần 7,4 tỷ đồng để có được văn bản chấp thuận cho 461 công dân về nước, hưởng lợi hơn 8,2 tỷ đồng.
Hối lộ tiền tỷ để được cách ly y tế
Quá trình tổ chức cách ly y tế cho công dân tại tỉnh Quảng Nam, Nguyễn Văn Văn, Phó giám đốc Sở Y tế và Lê Ngọc Tường, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến hoạt động đón công dân Việt Nam từ nước ngoài.
Cuối tháng 5/2021, Nguyễn Thị Thanh Hằng (bị can giai đoạn I vụ án) đã liên hệ, đến phòng làm việc của Nguyễn Văn Văn và Lê Ngọc Tường để trao đổi về việc công ty của Hằng được cấp phép thực hiện nhiều chuyến bay hồi hương, cách ly y tế tại tỉnh Quảng Nam.
Hằng đã nhiều lần đưa hối lộ cho Nguyễn Văn Văn 450 triệu đồng và Lê Ngọc Tường 400 triệu đồng để nhờ hỗ trợ, tham mưu UBND tỉnh Quảng Nam tiếp nhận công dân về cách ly y tế tập trung tự trả phí.
Từ tháng 5/2021 đến tháng 1/2022, Nguyễn Văn Văn và Lê Ngọc Tường đã phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Nam tiếp nhận công dân Việt Nam về trên 56 chuyến bay do Nguyễn Thị Thanh Hằng thực hiện, đến cách ly y tế tại tỉnh này.
Ngoài ra, tại tỉnh Hải Dương, cơ quan tố tụng cũng xác định, lợi dụng chức năng, nhiệm vụ được giao, Lê Thị Phượng, chuyên viên Phòng Khoa giáo - Văn xã, thuộc Văn phòng UBND tỉnh đã nhận hối lộ 650 triệu đồng từ đại diện Công ty Sora và Công ty Biển Bạc để giúp các doanh nghiệp này có văn bản chấp thuận cho công dân nhập cảnh được cách ly y tế.