Nhiều nội dung được các luật sư tiếp tục làm rõ tại phiên xét xử Châu Thị Thu Nga và đồng phạm trong ngày làm việc thứ 5.
Bị cáo Châu Thị Thu Nga khai nhận, ý tưởng ban đầu, Housing Group sẽ trở thành công ty đại chúng để lên sàn nên cần 100 cổ đông.
Năm 2009, Công ty có một số cổ đông rất nhỏ. Một số khách hàng đã đến tham gia là cổ đông góp vốn.
Vì công ty kinh doanh bất động sản có rất nhiều dự án, Sở Xây dựng Hà Nội cho phép huy động vốn từ 15-20% giá trị dự án. Công ty đã nộp kế hoạch để trình lên Sở xây dựng kèm danh sách 104 khách hàng.
Theo lời bị cáo, Dự án B5 Cầu Diễn có vốn tự có, vốn vay, vốn huy động, vốn hợp tác. Như vậy, không phải chỉ có nguồn vốn của khách hàng góp vào. Một ngân hàng cam kết bảo lãnh 48 tỷ đồng. Công ty cũng hợp tác với Công ty Chuyển giao và Công nghệ Công Anh để làm thủ tục vay vốn nước ngoài.
“Khi vào trại tạm giam, tôi có nguyện vọng duy nhất là dự án được triển khai. Tôi cũng đề nghị Viện KSND, cơ quan điều tra ủy quyền cho ông Lê Sáu và 2 người khác đại diện cổ phần điều hành công ty giải quyết vướng mắc trong đó có dự án B5.
Trong những lần gặp gỡ, ông Lê Sáu nói công ty tìm được nguồn vốn của đối tác mới. Ông Nguyễn Hồng Chương, đại diện ban khách hàng cũng sắp về công ty làm phó tổng giám đốc. Những điều này chứng tỏ rằng, chúng tôi không lừa đảo. Từ đầu đến cuối, chúng tôi mong muốn triển khai dự án B5”, bị cáo Nga phân trần.
Cũng theo bị cáo Nga, bản chất thỏa thuận với khách hàng nhằm huy động tiền nhàn rỗi của người dân.
Đại diện Housing Group, ông Lê Sáu thông tin thêm, Công ty ký hợp đồng nguyên tắc với đối tác, có sự tham gia của ban đại diện khách hàng. Trong hợp đồng nêu rõ sau khi mua lại 65% cổ phần tập đoàn, phía đối tác mới sẽ triển khai tất cả dự án của công ty trên địa bàn Hà Nội trong đó có dự án B5 Cầu Diễn.
Trước lời khai của một số cấp dưới cho rằng không nắm bắt tình trạng pháp lý của dự án, bị cáo Nga khẳng định, các cuộc giao ban công ty đều phổ biến công khai thông tin.
Một bị hại lớn tuổi bức xúc cho rằng, nếu không có sự bao che của cán bộ chính quyền, Housing Group không thể đóng cọc.
“Người dân chỉ mua cát, xây chuồng gà, 2 - 3 tiếng sau, cơ quan chức năng đến ngay. Về nguyên tắc, UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận chuyển đổi chủ đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tôi nghĩ, dự án làm không sai mà chỉ chưa hết quy trình”, bị hại nói.
Nạn nhân khác cho biết, cơ quan chức năng không có bất cứ cảnh báo nào khi khách hàng góp vốn vào Housing Group.
Đối với hành vi, trách nhiệm của một số cá nhân thuộc Sở, Ban, ngành thuộc UBND TP. Hà Nội và hành vi của một số cá nhân thuộc UBND thị trấn Cầu Diễn (huyện Từ Liêm, nay là quận Nam Từ Liêm) như để cho Housing Group thi công cọc khoan nhồi khi chưa có giấy phép xây dựng…, quá trình điều tra, Viện KSND tối cao có nhiều văn bản yêu cầu cơ quan CSĐT Bộ Công an làm rõ nội dung này. Ngày 9/6/2017, cơ quan điều tra tách hành vi trên để điều tra làm rõ và đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật.