Vụ cao tốc 34.000 tỷ đồng: "Vật liệu rất rời rạc, chúng tôi giật mình, mặt đường chịu lực làm sao?"

(ĐTCK) Giám định viên khẳng định, quá trình giám định tiêu chuẩn cấp phối đá dăm cũng phát hiện đá bị trộn với các loại khác khiến cơ quan giám định giật mình.
Ảnh Internet

Ngày 25/11, phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với 36 bị cáo trong vụ sai phạm xảy ra tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi tiếp tục làm rõ khoản thiệt hại 811 tỷ đồng.

Trong vụ án này, thiệt hại được xác định là giá trị các hạng mục công trình xây dựng không đảm bảo chất lượng tại các gói thầu, nhưng đã được Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan nghiệm thu, thanh toán với số tiền đặc biệt lớn là hơn 811 tỷ đồng cho các Nhà thầu thi công. Đây chính là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của vụ án.

Trước đó, một số bị cáo tỏ ra hoài nghi về kết quả giám định tư pháp công trình xây dựng đối với các gói thầu của dự án, đồng thời đề nghị có cách tính lại giá trị thiệt hại mà cơ quan giám định đưa ra.

Bị cáo Quản Trọng Tuấn (cựu Giám đốc Ban điều hành Liên danh gói thầu số 3B) cho rằng, có sự sai lệch trong việc tính giá trị thiệt hại.

Bị cáo Phan Ngọc Thơm (cựu Phó Giám đốc Ban điều hành Liên danh gói thầu số 3B) trình bày, cần có cơ quan chuyên ngành đánh giá lại kết luận giám định.

Theo kết quả giám định, cả 7 gói thầu (gồm gói thầu số 1, 2, 3B, 4, 5, 6, 7) trong giai đoạn 1 (đoạn đường 35 km từ TP Đà Nẵng – TP Tam Kỳ, Quảng Ngãi) không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế.

Theo giám định, quá trình thi công, nghiệm thu, các đơn vị liên quan đã không thực hiện đo cường độ mặt đường trên các lớp vật liệu hoàn thành, đo hệ số thấm của lớp bê tông nhựa tạo nhám để đánh giá chất lượng công trình sau khi thi công.

Đặc biệt, đối với hạng mục có sử dụng vật liệu đá (cấp phối đá dăm, bê tông nhựa các loại), VEC, Ban quản lý dự án và các đơn vị liên quan không có phương án, biện pháp cụ thể để rà soát, kiểm tra, loại bỏ vật liệu không đảm bảo chất lượng, dẫn đến cả 7 gói thầu đều sử dụng đá tại các mỏ Đà Sơn, Phước Tường, Hương Mao, Chu Lai, Hố Chuồn làm vật liệu sản xuất các lớp cấp phối đá dăm và bê tông nhựa các loại.

Tại tòa, đại diện đơn vị giám định khẳng định, quá trình giám định đã thực hiện đúng các quy định về giám định, theo quy định của pháp luật, qua nhiều khâu mới cho ra được kết quả độc lập.

Đơn vị giám định cũng cho rằng, trước khi triển khai giám định, đơn vị không biết đoạn đường được giám định nằm ở đâu, hư chỗ nào, và để khách quan, những chỗ không hư sẽ được lấy mẫu giám định ngẫu nhiên.

Giám định viên cũng khẳng định, quá trình giám định tiêu chuẩn cấp phối đá dăm cũng phát hiện đá bị trộn với các loại khác khiến cơ quan giám định giật mình. Hơn nữa, phụ gia tăng chất bám không được đều trên toàn tuyến.

“Qua giám định, vật liệu rất rời rạc, chúng tôi cũng phải giật mình, như thế mặt đường chịu lực làm sao? Hơn nữa, tại một số đoạn, vật liệu bị đứt, vỡ. Chúng tôi đánh giá trực tiếp trên mặt đường và hoàn toàn độc lập, không chịu ảnh hưởng bên nào. Quá trình giám định, những thông số, kết quả thí nghiệm đã loại trừ ảnh hưởng của thời gian, nên các bị cáo yên tâm là chính xác, không hại ai trong chuyện này”, vị giám định viên khẳng định trước tòa.

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục