Theo cáo trạng, PVP Land có vốn điều lệ 500 tỷ đồng (tương đương 50 triệu cổ phần) gồm 4 cổ đông sáng lập, trong đó PVC do Trịnh Xuân Thanh là Chủ tịch Hội đồng quản trị nắm giữ 14 triệu cổ phần (chiếm 28% vốn điều lệ).
Bị can Đào Duy Phong giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị PVP Land và Nguyễn Ngọc Sinh - Tổng giám đốc PVP Land đồng thời là người đại diện phần vốn góp của PVC tại PVP Land.
PVP Land sở hữu 12,12 triệu cổ phần, chiếm 50,5% vốn điều lệ Công ty cổ phần Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương (Xuyên Thái Bình Dương). Ngoài PVP Land, Công ty Xuyên Thái Bình Dương còn 4 cổ đông sáng lập khác là Công ty cổ phần Đầu tư Vietsan sở hữu 6 triệu cổ phần (chiếm 25%), Công ty cổ phần Bất động sản Bưu chính Viễn thông Việt Nam sở hữu 3,36 triệu cổ phần (chiếm 5,5%) và cổ đông cá nhân là ông Nguyễn Minh Quý sở hữu 1,32 triệu cổ phần (chiếm 5%).
Công ty Xuyên Thái Bình Dương được cấp giấy phép xây dựng Dự án Nam Đàn Plaza từ năm 2009, dự kiến tổng mức đầu tư là 220 triệu USD.
Khoảng tháng 1/2010, nhận thấy dự án lớn, PVP Land khó khăn bố trí nguồn vốn để đầu tư, Nguyễn Ngọc Sinh có tờ trình đề nghị PVC cho phép PVP Land thoái vốn tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương. Ngày 27/1/2010, Trịnh Xuân Thanh ký Văn bản số 118 đồng ý phương án thoái vốn và yêu cầu PVP Land lập phương án chuyển nhượng trước ngày 5/2/2010 và báo cáo PVC xem xét quyết định.
Ngày 2/2/2010, Trịnh Xuân Thanh chủ trì cuộc họp và kết luận, PVC sẽ hợp tác với PVP Land để đầu tư Dự án Nam Đàn Plaza. Một ngày sau đó, Đào Duy Phong gửi PVC Văn bản số 76 thông tin về dự án gồm diện tích khu đất 9.584 m2, giấy phép xây dựng 44 tầng, giá trị đầu tư xây dựng 185 triệu USD, giá trị sử dụng đất 25 triệu USD. Theo đó, đơn giá đất khoảng 52 triệu đồng/m2.
Tháng 3/2010, Trịnh Xuân Thanh ký ban hành Nghị quyết số 411 và số 427 có cùng nội dung chấp thuận phương án chuyển nhượng phần vốn của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương theo Tờ trình số 07 của Đào Duy Phong, với giá chuyển nhượng tương đương 34 triệu đồng/m2.
Thông qua sự môi giới của Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, Lê Hòa Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ 1/5 gặp Đặng Sỹ Hùng - Trưởng phòng Kinh tế Kế hoạch PVP Land và đặt vấn đề mua 100% cổ phần của Công ty Xuyên Thái Bình Dương, với giá tương đương 52 triệu đồng/m2 đất dự án. Theo sự sắp xếp của Hùng, ngày 27/3/2010, Lê Hòa Bình đàm phán với đại diện của 5 cổ đông sáng lập Công ty Xuyên Thái Bình Dương và ký hợp đồng đặt cọc 100 tỷ đồng mua 24 triệu cổ phần với giá 20.756,34 đồng/cổ phần (tương đương 52 triệu đồng/m2 đất dự án).
Để hợp đồng đặt cọc triển khai trên thực tế (tức là phải được sự đồng ý của PVC), Thái Kiều Hương, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Vietsan gặp Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà (PVSD) và là em trai ông Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) để tác động tới Trịnh Xuân Thanh. Cuối tháng 3/2010, tại cuộc gặp 3 bên trong nhà hàng, Đinh Mạnh Thắng đặt vấn đề đề nghị Trịnh Xuân Thanh quan tâm, ủng hộ cho PVP Land thoái vốn tại Dự án Nam Đàn Plaza.
Sau khi đặt cọc, Lê Hòa Bình sử dụng pháp nhân các công ty do mình điều hành để ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần. Riêng hợp đồng với PVP Land, giá chuyển nhượng chỉ thể hiện 13.578 đồng/cổ phần (tương đương 34 triệu đồng/m2 đất dự án), tổng giá trị là 164,5 tỷ đồng. So với giá thỏa thuận (20.756,34 đồng/cổ phần), tổng giá trị hợp đồng giảm 87 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra xác định, các bị can có sự móc nối, chỉ đạo, thực hiện để chuyển nhượng cổ phần với giá thấp hơn giá trị thực tế nhằm rút 49 tỷ đồng chênh lệch, chia nhau. Trong đó, Trịnh Xuân Thanh giữ vai trò quyết định, chỉ đạo các bị can khác và bản thân “đút túi” 14 tỷ đồng. Hành vi của các bị cáo phạm vào tội tham ô tài sản.
Trong số báo tới, Đầu tư Chứng khoán sẽ tiếp tục thông tin về vụ án này, liên quan đến phần thiệt hại của PVP Land.
Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam đã thực hiện đổi tên thành Công ty cổ phần Địa ốc Dầu khí (PV Power Land, mã chứng khoán PVL). Mâu thuẫn giữa cổ đông lớn và lãnh đạo khiến PVL thất bại khi tổ chức Đại hội đồng thường niên năm 2017. Mới đây, Công ty đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư Nhà đất Việt (VPRO), thay máu toàn bộ các cổ đông lớn.