Vụ án mua bán trái phép hóa đơn tại Phú Thọ: Xuất bán lượng hóa đơn 'khủng'

0:00 / 0:00
0:00
Chỉ trong vòng 22 tháng, Nguyễn Minh Tú đã thiết lập hệ thống công ty “ma” phục vụ cho đường dây mua bán trái phép hơn 1 triệu hóa đơn giá trị gia tăng, với số tiền gần 64.000 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Minh Tú, “ông trùm” đường dây mua bán trái phép hóa đơn Bị cáo Nguyễn Minh Tú, “ông trùm” đường dây mua bán trái phép hóa đơn

Chưa đầy 2 năm, bán trên 1 triệu hóa đơn

Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ đang xét xử vụ án Mua bán trái phép hóa đơn; Trốn thuế; Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, liên quan đến đường dây của Nguyễn Minh Tú (30 tuổi, lao động tự do).

Đây là một trong những vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Phú Thọ theo dõi, chỉ đạo.

Sau 2 ngày Viện Kiểm sát công bố cáo trạng, Hội đồng Xét xử bắt đầu phần thẩm vấn, xét hỏi đối với các bị cáo trong vụ án.

Trong số 100 bị cáo của vụ án, có 30 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “Trốn thuế”; 68 bị cáo về tội “Mua bán trái phép hóa đơn” và 2 bị cáo tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Có 71 người trước khi bị bắt là chủ tịch, giám đốc, tổng giám đốc, phó giám đốc của các doanh nghiệp; 11 người là kế toán; số còn lại là nhân viên và lao động tự do.

Đường dây mua bán hóa đơn trái phép với số tiền lớn nhất từ trước đến nay “lộ sáng” sau khi lực lượng chức năng tỉnh Phú Thọ tiến hành kiểm tra nghĩa vụ thuế trên địa bàn vào tháng 10/2022. Qua đó, phát hiện 31 hóa đơn giá trị gia tăng khống, với tổng giá trị hàng hóa ghi trên hóa đơn là 8,7 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Nam Sơn Vic (địa chỉ tại thị xã Phú Thọ), nên mở rộng điều tra.

Hoạt động mua bán hóa đơn giá trị gia tăng xảy ra tại hơn 70 công ty, thuộc các ngành nghề: kinh doanh đồ bảo hộ và phòng cháy chữa cháy; cơ khí, xây dựng, dịch vụ bảo vệ, thi công các công trình về điện, may mặc, mua bán phế liệu; vật tư viễn thông; vật tư y tế; kinh doanh hóa chất, thép, gỗ; sản xuất bao bì; chế biến bảo quản thực phẩm; vận tải; thức ăn chăn nuôi; nội thất.

Đặc điểm chung của các doanh nghiệp này là thu mua nguyên liệu sản xuất của các cơ sở nhỏ lẻ, không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, không được xuất hóa đơn đầu vào nên không thể quyết toán thuế. Do đó, đã tìm đến Tú và các trung gian để “rửa” hóa đơn.

Quá trình điều tra xác định, vụ án xảy ra trong khoảng 22 tháng (từ tháng 12/2020 đến tháng 10/2022), vậy nhưng, số lượng hóa đơn khống được mua bán trái phép lên tới hơn 1,025 triệu hóa đơn, xuất cho 88.053 đơn vị, tổ chức, với tổng doanh số gần 64.000 tỷ đồng.

Cơ quan tố tụng cũng xác định, theo thỏa thuận về phần trăm hưởng lợi giữa Tú với các trung gian, số tiền Tú hưởng lợi bất chính khoảng 510 tỷ đồng. Theo số liệu trên các tài khoản, tiền bán hóa đơn của Tú đến thời điểm bị khởi tố, tạm giam là 294 tỷ đồng (hưởng lợi từ 0,7-1,5% doanh số ghi trên hóa đơn).

Số tiền này sau đó Tú trả hơn 31,6 tỷ đồng tiền “mua” doanh nghiệp và chia cho người điều hành trực tiếp các doanh nghiệp của mình là Võ Tấn Lộc hơn 12 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, truy tố, Nguyễn Minh Tú đã tự nguyện nộp lại 15 tỷ đồng, do đó, tổng số tiền bị cáo này còn phải khắc phục là 235 tỷ đồng.

Sau khi bị phát hiện, nhiều doanh nghiệp đã kê khai bổ sung thuế

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, Tú đã thuê người mua 646 doanh nghiệp qua hình thức làm các thủ tục đăng ký chuyển đổi online, với chi phí 50-60 triệu đồng/doanh nghiệp; đồng thời khi đến các kỳ thanh, quyết toán thuế thì tự kê, khai khống doanh số mua vào, khai giảm doanh số hóa đơn bán ra tại tờ khai thuế điện tử.

Thêm vào đó, Tú còn sử dụng 32 con dấu giả của UBND các tỉnh, các sở, ngành và cơ quan đăng kiểm, kiểm định, công chứng... để tạo dựng “khống” các bộ hồ sơ.

Thuế giá trị gia tăng là một trong những loại thuế quan trọng đánh vào người tiêu dùng và do các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh hàng hóa dịch vụ thu hộ. Hoàn thuế thực hiện khi mức thuế nộp vào nhiều hơn mức thuế thực tế mà cá nhân, đơn vị phải nộp.

Đây là một khoản thuế được Nhà nước, thông qua các cơ quan quản lý thuế, trả lại cho người đóng thuế số tiền thuế mà họ đã nộp thừa hoặc số tiền thuế mà Nhà nước đã thu nhưng không có căn cứ pháp luật.

Sau đó, thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo và các hội nhóm trên mạng Internet, Tú thiết lập đường dây mua bán hóa đơn trái phép gồm 73 đối tượng trung gian (F1, F2…) để bán hóa đơn giá trị gia tăng cho các đơn vị có nhu cầu trên cả nước.

Đơn cử, trong số các doanh nghiệp bị đưa ra xét xử về tội “Trốn thuế”, bị cáo Vũ Hoàng Phi Hiếu, Giám đốc của 3 công ty thu mua phế liệu tại tỉnh Đồng Nai (Công ty Hai Bảo Phát, Công ty Ngọc Thư và Công ty Hoàng Bảo Hiếu) là người mua nhiều hóa đơn giá trị gia tăng khống nhất, với 998 hóa đơn.

Số tiền Vũ Hoàng Phi Hiếu bị cáo buộc trốn thuế trong vòng 1 năm ước tính khoảng 130 tỷ đồng.

Kết quả trưng cầu giám định về vi phạm của các cá nhân, doanh nghiệp liên quan tới vụ án này của Cục Thuế tỉnh Phú Thọ cho thấy, các bị cáo có hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn để hạch toán kê khai thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ.

Tuy nhiên, sau đó doanh nghiệp đã thực hiện kê khai bổ sung, điều chỉnh giảm toàn bộ thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ của các hóa đơn sử dụng không hợp pháp và nộp toàn bộ số tiền thuế phát sinh tăng vào ngân sách nhà nước. Do đó, các bị cáo không bị cáo buộc tội “Trốn thuế”, mà bị truy tố và xét xử về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”.

Huệ Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục