Bị can Hà Văn Thắm (SN 1972, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) bị cơ quan điều tra đề nghị truy tố tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Cùng với Hà Văn Thắm, 16 cá nhân khác cũng bị đề nghị truy tố với 3 nhóm tội danh nói trên, trong đó có bị can Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), bị can Nguyễn Minh Thu, nguyên Tổng giám đốc OceanBank...
Theo Kết luận điều tra, OceanBank tiền thân là Ngân hàng TMCP Nông thôn Hải Hưng. Quá trình điều hành OceanBank, bằng các thủ đoạn thành lập các công ty sân sau, ông Thắm đã lợi dụng chức vụ quyền hạn chỉ đạo cấp dưới thực hiều nhiều hành vi vi phạm pháp luật, dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để rút tiền vào mục đích cá nhân, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng không có khả năng thu hồi.
Đến thời điểm 31/3/2014, nợ xấu của OceanBank là 14.923 tỷ đồng đồng, chiếm 49,84% tổng dư nợ toàn hệ thống OcenaBank; lỗ 10.188 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu gần 2,5 lần.
Tài liệu điều tra thấy nổi lên khoản vay 500 tỷ đồng mà ông Thắm đã cho Công ty TNHH MTV Dịch vụ và thương mại Trung Dung của Phạm Công Danh - chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam vay không có tài sản đảm bảo.
Đây là khoản vay trung, dài hạn để bù đắp vốn mua tài sản là quyền sử dụng đất tại Sân vận động Chi Lăng - TP. Đà Nẵng. Tài sản đảm bảo là phần vốn góp 250 tỷ đồng của ông Trần Văn Bình - Tổng giám đốc Công ty Trung Dung; quyền phát sinh từ 2 hợp đồng góp vốn đầu tư, xây dựng nhà ở lô đất 147m2 và 281,5m2 tại Dự án Khu dân cư phức hợp đường Nguyễn Hữu Cảnh (TP. HCM), giá trị 5,8 triệu cổ phần CTCP Tập đoàn SSG.
Số tiền này được Phạm Công Danh sử dụng để thanh toán cho 5 hợp đồng tín dụng của nhóm bà Hứa Thị Phấn tại Ngân hàng Xây dựng.
Bản chất, cá nhân Danh vay để trả nợ cho việc mua cổ phần của bà Phấn tại Ngân hàng TMCP Đại Tín.
Cơ quan điều tra xác định, tài sản đảm bảo không có tính pháp lý, chưa đủ giá trị cho khoản vay. Về phần vốn góp 250 tỷ đồng, thực chất ông Bình chỉ ký vào văn bản, tiền không có thật, ông Bình là lái xe và được Danh nhờ đứng tên Giám đốc Công ty Trung Dung. Lô đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa xác định vốn góp… Số cổ phần chưa được niêm yết, tính khả mại thấp, giao dịch ít… Tại thời điểm giải ngân, tổng giá trị tài sản đảm bảo là 70,7 tỷ đồng và tại thời điểm hiện tại là 156,4 tỷ đồng.
Một số lãnh đạo, cán bộ ngân hàng không thẩm định khi lập hồ sơ vay, phân tích đánh giá hồ sơ, tài sản đảm bảo…
Tháng 5/2014, để có tiền sử dụng vào mục đích cá nhân, ông Thắm đã chỉ đạo bà Nguyễn Thị Lan Hương - thư ký HĐQT OceanBank lập khống 24 hợp đồng chuyển nhượng căn hộ của Dự án Star City Westlake giữa 9 cá nhân do ông Thắm chỉ định với Công ty Viptour – Toghi làm chủ đầu tư. Bất chấp việc hồ sơ không đủ điều kiện và bị trả lại, nhưng ông Thắm vẫn đồng ý cho vay. Số tiền giải ngân của 9 hợp đồng là 137,8 tỷ đồng, sau đó chuyển sang tài khoản của ông Thắm để ông này trả nợ cho các khoản vay khác.
Hiện OceanBank đã thu hồi được 26 tỷ đồng gốc và 1,5 tỷ đồng lãi phạt.
Ngoài sai phạm trên, bị can Hà Văn Thắm và các đối tượng còn có sai phạm thẩm định, phê duyệt, giải ngân, kiểm tra sau cho vay đối với nhiều doanh nghiệp, đến nay nợ nhóm 5 khoảng 4.935 tỷ đồng và nợ khó có khả năng thu hồi là 9.048 tỷ đồng. Cơ quan điều tra phối hợp với Đoàn giám định của NHNN rà soát đánh giá tình trạng toàn bộ các khoản nợ xấu.
Đoàn giám định đánh giá, xác định hậu quả đối với 8 hồ sơ của 8 khách hàng đến ngày 31/3/2016 là 2.652 tỷ đồng. Do thời hạn điều tra đã hết, cơ quan điều tra tách hành vi, tiếp tục điều tra mở rộng vào giai đoạn 2 của vụ án.
Tính đến ngày 31/3/2014, vốn điều lệ của OceanBank là 4.000 tỷ đồng, gồm 1.137 cổ đông, trong đó có 4 cổ động sở hữu trên 5% là PVN, Công ty TNHH VNT, CTCP Đầu tư và xây dựng Sông Đà. Bị can Hà Văn Thắm sử dụng những công ty, cá nhân để nắm giữ 62,97% cổ phần tại Oceanbank.