Vụ án đại gia thủy sản Phương Nam: 25 cán bộ ngân hàng lĩnh án

Sau 2 tuần đưa ra xét xử, chiều 3-8, HĐXX TAND tỉnh Sóc Trăng đã tuyên phạt hàng trăm năm tù dành cho 27 bị cáo liên quan đến vụ án lừa đảo chiểm đoạt tài sản và vi phạm qui định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm Phương Nam (Sóc Trăng) và các ngân hàng.
Vụ án đại gia thủy sản Phương Nam: 25 cán bộ ngân hàng lĩnh án

Theo đó, bị cáo Lâm Minh Mẫn (SN 1980, nguyên kế toán trưởng Công ty Phương Nam) nhận mức án nặng nhất là 14 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cùng tội danh với bị cáo Mẫn, bị cáo Trịnh Thị Hồng Phượng (SN 1980, nguyên PGĐ phụ trách kinh doanh của Công ty) bị tuyên phạt 12 năm tù.

Do cha con ông Khuân ( nguyên Chủ tịch HĐQT, GĐ công ty) đã bỏ trốn nên HĐXX còn buộc bị cáo Mẫn và Phượng liên đới chịu trách nhiệm trả số tiền mà cha con ông Khuân chiếm đoạt từ các ngân hàng. Khi nào bắt được cha con "đại gia" này thì sẽ xử lý sau.

25 bị cáo còn lại nguyên là lãnh đạo, cán bộ của 5 NH bị tuyên mức án từ 2 đến 7 năm tù về tội “Vi phạm qui định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Trong đó, bị cáo Nguyễn Thế Thắng (SN 1959, nguyên Giám đốc VDB Sóc Trăng) lãnh mức án 7 năm tù. Cấp phó của bị cáo Thắng là bị cáo Nguyễn Văn Xem (SN 1960) lãnh 6 năm tù.

Bị cáo Đặng Hùng Sở (SN 1967, nguyên Giám đốc LienViet Postbank Hậu Giang lãnh 5 năm tù. Cấp phó của bị cáo Sở là bị cáo Vũ Ngọc Thuận (SN 1978) lãnh 4 năm tù.

Nguyễn Văn Sơn, nguyên GĐ ABBank Bạc Liêu 3 năm tù, Nguyễn Thanh Long, nguyên giám đốc Sacombank Sóc Trăng, 4 năm tù, Lưu Quốc Cường, nguyên PGĐ Sacombank Sóc Trăng 3 năm 5 tháng tù Nguyễn Thị Bích Dung, nguyên PGĐ Vietcombank Sóc Trăng 4 năm tù.

Các bị cáo còn lại đồng lãnh án 2-4 năm tù, trong đó có 10 bị cáo có mức án 2 năm tù, với mức án này nhiều  bị cáo chỉ phải chấp hành án thêm vài tháng là sẽ mãn hạn tù vì thời gian họ bị bắt tạm giam đến nay đã gần 2 năm.

Trong phần tranh luận trước đó các luật sư bào chữa cho 2 bị cáo Mẫn và Phượng đã đề nghị HĐXX chuyển tội danh từ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” sang “Vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản”. Bởi lẽ, 2 bị cáo này trong quá trình lập 19 bản báo cáo tài chính khống đều theo chỉ đạo của ông Khuân mục đích để ông vay được tiền và họ không hề biết việc ông Khuân có ý đồ vay để chiếm đoạt tiền của các ngân hàng.

Các luật sư bào chữa cho các bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ của 5 ngân hàng, cũng đề nghị HĐXX chuyển tội danh từ “Vi phạm qui định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” sang “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và đề nghị không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ.

Cùng lúc lãnh đạo đang chức của các 5 ngân hàng liên quan cũng có công văn gửi đến tòa án xin giảm nhẹ cho các bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ của mình. Tuy nhiên, HĐXX đã bác đề nghị trên vì cho rằng, cáo trạng của VKSND Tối cao truy tố tất cả các bị cáo đều có cơ sở, đúng qui định pháp luật nên vẫn giữ nguyên tội danh, tuy nhiên HĐXX có xem xét  giảm nhẹ hình phạt so với mức VKS đề nghị ban đầu thể hiện tính nhân đạo của pháp luật.

Như Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn đã thông tin, từ năm 2008-2012, Công ty Phương Nam (Sóc Trăng) đã vay nợ 8 ngân hàng với tổng nợ gốc lên đến gần 1.700 tỷ đồng. Trong đó 25 người nguyên là cán bộ của 5 ngân hàng, gồm VDB Sóc Trăng, LienViet Postbank Hậu Giang, Sacombank Sóc Trăng, ABBank Bạc Liêu và VCB Sóc Trăng bị cáo buộc “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” làm thiệt hại gần 785 tỷ đồng.

3 ngân hàng khác có quan hệ tín dụng với Công ty Phương Nam nhưng do cơ quan điều tra xác định khoản vay từ 3 ngân hàng này không liên quan đến tài sản thế chấp là hàng tồn kho mà Công ty Phương Nam đã dùng thủ đoạn gian dối nâng giá trị để thế chấp vay vốn và hiện chưa xác định được hậu quả nên Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tách tài liệu để điều tra xử lý sau.

Phú Khởi
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục