Vụ Alibaba: Lời cảnh tỉnh cho các nhà đầu tư địa ốc

(ĐTCK) Đầu tư bất động sản, nhất là đất nền vùng ven là kênh đầu tư luôn được nhiều người quan tâm, nhưng cũng chính vì dòng tiền đổ vào rất lớn mà nếu không cẩn trọng, tiền mất, đất không có là nguy cơ hiện hữu.
Vụ Alibaba: Lời cảnh tỉnh cho các nhà đầu tư địa ốc

Cẩn trọng khi đầu tư

Hiện nay, bên cạnh những doanh nghiệp kinh doanh chuyên nghiệp thì trên thị trường bất động sản vẫn có không ít công ty làm ăn theo kiểu chụp giật, gian dối, khiến khách hàng mất cả “chì lẫn chài”.

Vụ việc khiến dư luận xôn xao thời gian qua là khi Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba (gọi tắt là Công ty Alibaba) bị cơ quan Cảnh sát điều tra TP.HCM khám xét, bắt giữ nhiều lãnh đạo về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, Công an xác định Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) là chủ mưu, cầm đầu chỉ đạo Lĩnh và các nhân viên cấp dưới lập ra nhiều công ty thành viên, tổ chức thu mua 600 ha đất nông nghiệp tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... để làm dự án.

Để tạo lòng tin cho khách hàng, Luyện chỉ đạo các nhân viên thực hiện 7 bước gồm: Tìm hiểu định hướng phát triển khu vực; Tìm hiểu quy hoạch của địa phương; Tiến hành mua đất; Dựa vào Luật Đất đai hiến đường cho nhà nước; Hợp tác với cơ quan nhà nước để làm hạ tầng; Lên thổ cư; Tách sổ theo quy định luật hiện hành.

Công ty Alibaba cam kết rằng, không có khách hàng nào mất tiền khi đầu tư địa ốc của Alibaba. Nhưng trên thực tế, các dự án của Công ty Alibaba đều là đất nông nghiệp, nằm trong quy hoạch, chưa được chấp thuận của cơ quan chức năng địa phương. Dù dự án chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật nhưng Công ty Alibaba vẫn quảng cáo đem bán cho hàng ngàn khách hàng, thu về hơn 2.600 tỷ đồng.

“Công ty Alibaba núp bóng dưới dạng kinh doanh bất động sản, nhưng thực chất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thông qua hình thức huy động vốn theo phương thức đa cấp (sử dụng đất nền trong dự án “ma” làm mồi nhử)", kết quả điều tra ban đầu nêu rõ.

Ghi nhận thực tế tại thị trường bất động sản phía Nam, việc công ty kinh doanh bất động sản tự ý phân lô bán nền, quảng cáo và mua bán dự án “ma” không phải mới xảy ra tại Công ty Alibaba. Trước đó, cũng đã có nhiều trường hợp tương tự.

Điển hình như vụ việc xảy ra tại Công ty cổ phần địa ốc Kim Phát (Công ty Kim Phát) và Công ty cổ phần Đầu tư Việt Hưng Phát. Nhóm công ty này đã “làm mưa làm gió” tại khu vùng ven TP.HCM bằng nhiều hình thức như: tự ý đổi tên dự án để người mua không truy được nguồn gốc dự án; Đổi tên chủ đầu tư, khi công bố chủ đầu tư tên khác và dự án tên khác; Thay đổi quy hoạch 1/500, vẽ thêm dịch vụ này, dịch vụ kia rất hoành tráng để lừa người dân; Tự ý đẩy giá đất nền lên cao và tự thu tiền của khách hàng.

Khi phát hiện mình bị lừa đảo, khách hàng lên làm việc với công ty thì ngay lập tức bị những đối tượng lạ mặt hù dọa, thậm chí hành hung.

“Việc soạn thảo hợp đồng của công ty rất rối rắm, nội dung biên bản làm việc đều bất lợi cho người mua, nếu người mua phản đối cái là họ xé luôn hợp đồng và cho rằng khách hàng tự bỏ về nên không trả lại tiền cọc”, anh Tuấn, một nạn nhân của Công ty Kim Phát kể với phóng viên.

Hay vụ việc xảy ra tại dự án Green City, tọa lạc tại xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh,  TP.HCM. Thực chất, đây chỉ là bãi đất trống, Công ty TNHH Tư vấn đầu tư bất động sản Hoàng Kim Land (Hoàng Kim Land) đã vẽ thành một dự án khu dân cư sở hữu hàng trăm nền đất.

Khi ký hợp đồng và giới thiệu cho khách hàng thì công ty này quả quyết rằng, khoảng thời gian 3 - 6 tháng sẽ hoàn tất cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, mọi việc đến nay vẫn án binh bất động, không hề thấy dự án triển khai. Khách hàng quyết định thanh lý hợp đồng để lấy lại tiền vì Công ty không làm theo những điều ghi trong hợp đồng thì Hoàng Kim Phát thông báo chuyển địa điểm hoạt động rồi dừng hoạt động luôn.

“Tôi đã nhiều lần đến Công ty Hoàng Kim Land nhưng Công ty đã đóng cửa. Thậm chí, đã nhiều lần liên lạc với bà Trần Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Hoàng Kim Land thông qua điện thoại nhưng đại diện chủ đầu tư luôn lấy lý do đi công tác xa để từ chối gặp mặt và hẹn vào một ngày khác. Thời gian gần đây, tôi gọi lại thì bà Hạnh không bắt máy nữa”, chị Hân, khách hàng mua đất tại công ty này nói.

Niềm tin lung lay vì “những con sâu”

Hiện tại, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch Tập đoàn Địa ốc Alibaba, để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngay sau khi lãnh đạo công ty này bị bắt, đã có cả trăm người dân các tỉnh Đông Nam Bộ tố cáo Alibaba với công an. Theo Công an TP.HCM, số người tới tố cáo sẽ chưa dừng lại, có thể kéo dài cả nửa tháng để khách hàng có thời gian tố cáo.

Tài liệu điều tra ban đầu cho thấy, tính tới nay, Công ty Alibaba quảng bá có 48 dự án với 28.686 sản phẩm bất động sản, chủ yếu phân bố tại TP.HCM, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đã có gần 7.000 nền đất dán mác dự án của Alibaba được bán ra. Như vậy, đã có khoảng 7.000 nhà đầu tư là nạn nhân của Công ty Alibaba.

Là khách hàng đã bỏ tiền đầu tư 10 nền đất tại 1 dự án ở Vũng Tàu của Công ty Alibaba, chị H., không giấu được vẻ mặt lo lắng bởi giờ đây, chị vẫn chưa lấy được tiền và số phận khoản đầu tư này chưa biết sẽ ra sao.

Đây cũng là tâm trạng của hàng ngàn khách hàng đã đầu tư vào những dự án của công ty Alibaba lúc này. Họ đến từ nhiều quận, huyện trên địa bàn TP.HCM, thậm chí cả các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai... Điều họ mong muốn giờ đây không phải là những khoản lời lãi hấp dẫn như những lời hứa hẹn bay bổng của Alibaba, mà có lẽ chỉ là lấy lại được số tiền đã bỏ ra.

Còn tại Công ty Kim Phát và Việt Hưng Phát, mặc dù đã bị Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng, Công an TP.HCM  khởi tố vụ án khách hàng tố cáo có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, cơ quan công an không khởi tố bị can nên ngày càng có nhiều nạn nhân bị lừa bởi nhóm công ty này.

Luật sư Trần Văn Duẩn, Trưởng văn phòng luật Thanh Niên cho biết, đối với những trường hợp như trên thì trước mắt cái thiệt hại lớn nhất của khách hàng ở đây là không biết đến bao giờ mới lấy được tiền, mà có lấy lại được tiền thì cũng rất gian truân.

“Với tình trạng xáo trộn như hiện nay, mặc dù Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, trên thực tế, những công ty này chưa bị áp dụng các biện pháp hạn chế kinh doanh, vẫn đang còn hoạt động. Vẫn ngang nhiên dùng các thủ đoạn để mời mọc, dụ dỗ người dân cả tin.

Chính vì vậy, khi khách hàng có kế hoạch mua đất thuộc các dự án đất nền, bà con cần phải tham vấn luật sư hoặc các cơ quan chức năng địa phương về thông tin dự án, kiểm tra hồ sơ pháp lý của dự án trước khi đặt bút ký mua đất. Tránh trường hợp tiền mất, tật mang”, luật sư Duẩn nói và đưa ra lời khuyên, khi tham gia giao dịch mua đất nền, về hình thức giao dịch khách hàng nên công chứng, chứng thực hợp đồng mua - bán, lúc này, công chứng viên, các cơ quan chứng năng thực hiện nhiệm vụ công chứng, chứng thực, bằng thẩm quyền của mình sẽ kiểm tra dự án khách hàng định mua có đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất hay không.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Việt Dũng
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục