Vụ 7 nhà băng "tranh" kho hàng, OCB nói gì?

(ĐTCK) OCB cho biết, Ngân hàng đã nhận bảo đảm hàng hóa của Trường Ngân theo nguyên tắc nhận hàng hóa cụ thể, thậm chí có các căn cứ xác định rõ về đặc điểm, vị trí lưu giữ hàng hóa theo đặc thù kho hàng.
Dàn xế hộp của các ngân hàng đến xiết nợ. Ảnh: Vnexpress Dàn xế hộp của các ngân hàng đến xiết nợ. Ảnh: Vnexpress

Sở dĩ Ngân hàng OCB phải "lên tiếng" bởi như báo Đầu tư Chứng khoán đã đưa tin, trong vụ 7 ngân hàng "tranh chấp" kho hàng để xiết nợ tài sản đảm bảo nợ vay. Không ít dư luận đặt câu hỏi dường như OCB được ưu tiên xử lý?

Cụ thể nội dung liên quan vụ việc cưỡng chế kho hàng của Công ty TNHH Trường Ngân tại Bình Dương, OCB cho biết, đối với Công ty Trường Ngân, OCB tài trợ cho vay vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, dựa trên tài sản bảo đảm là hàng hóa lưu kho.

Việc thẩm định vay vốn được ngân hàng tiến hành theo đúng Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1627 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các quy định của nội bộ OCB.

Khi nhận tài sản bảo đảm, OCB đã ký hợp đồng bảo đảm tiền vay, tiến hành đăng ký giao dịch bảo đảm đúng theo quy định và trình tự cần thiết của pháp luật về giao dịch bảo đảm

"Thực tế, OCB đã nhận bảo đảm hàng hóa của Công ty Trường Ngân theo nguyên tắc nhận hàng hóa cụ thể, thậm chí có các căn cứ xác định rõ về đặc điểm, vị trí lưu giữ hàng hóa theo đặc thù kho hàng. Chính điều này đã làm cơ sở pháp lý để tòa án xem xét giải quyết vụ việc", thông báo của OCB nêu rõ và cho biết, việc Công ty Trường Ngân vay vốn nhiều ngân hàng là điều thông thường, vì đây là một doanh nghiệp kinh doanh có quy mô. Tuy nhiên, độ an toàn pháp lý trong việc nhận tài sản bảo đảm của mỗi ngân hàng có sự khác nhau, phụ thuộc vào phương thức lựa chọn tài sản bảo đảm của các ngân hàng.

Với OCB, ngân hàng này cho biết, Ngân hàng nhận thế chấp lô hàng cụ thể, số lượng cụ thể theo hợp đồng thế chấp với nguyên tắc tiền vào hàng ra. Về nguyên tắc pháp lý và thực tiễn việc nhận bảo đảm bằng hàng hóa theo lô hàng cụ thể với nguyên tắc tiền vào hàng ra sẽ chắc chắn về mặt quản lý hàng hơn là phương thức như nhận bảo đảm bằng hóa hóa tồn kho luân chuyển.

Phương thức nhận hàng tồn kho luân chuyển phương thức hoàn toàn dựa vào cam kết của khách hàng sẽ luôn duy trì một lượng hàng nhất định trong kho đủ bảo đảm dư nợ, còn việc đưa hàng ra khỏi kho hoàn toàn thuộc về quyền của khách hàng. OCB không lựa chọn hình thức thế chấp rủi ro này.

Việc quyết định cho Trường Ngân vay trên cơ sở OCB xác định các năng lực tài chính của khách hàng và đã xác định được hàng hóa cụ thể là đối tượng nhận bảo đảm.

Được biết, ngày 4/12, Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Dĩ An tiếp tục cưỡng chế thi hành án đối với Công ty TNHH Trường Ngân để thu hồi nợ của Ngân hàng OCB.

Với khối lượng café trong kho lên tới hơn 3.000 tấn, lực lượng chức năng sẽ phải mất vài ngày để chuyển toàn bộ số café về kho hàng do cơ quan thi hành án quản lý.

Theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, Trường Ngân là một công ty lớn trong ngành café, có quan hệ tín dụng với OCB từ năm 2011. Trường Ngân được OCB cấp hạn mức tín dụng từng năm trị giá 94 tỷ đồng với tài sản bảo đảm là toàn bộ số hàng hóa tồn kho là cafe xô đủ điều kiện xuất khẩu, với khối lượng 3.360 tấn, trị giá 134,4 tỷ đồng để tại kho của Trường Ngân.

Trong thời gian vay vốn, Trường Ngân luôn trả nợ đúng hạn, nhưng đến đầu năm 2013, Công ty bắt đầu trả nợ không đúng hạn do kinh doanh thua lỗ. Số hàng hóa được cầm cố cho OCB để đảm bảo khoản vay nằm trong kho riêng của Trường Ngân, có vách ngăn bằng lưới B40, có bảo vệ chuyên nghiệp chốt giữ 24/24. Tuy nhiên, nơi để hàng này lại nằm trong kho hàng lớn của Trường Ngân đang được thế chấp cho nhiều tổ chức tín dụng khác nhau, dẫn đến khó khăn khi xử lý tài sản bảo đảm.

Do đó, OCB đã đệ đơn khởi kiện Trường Ngân ra TAND quận 4 (TP. HCM), yêu cầu Tòa án buộc Trường Ngân phải trả nợ cho OCB, trong trường hợp Trường Ngân không trả nợ thì cho phép OCB xử lý tài sản bảo đảm.

Trong quá trình giải quyết, thương lượng tại Tòa án, hai bên đã đạt được thỏa thuận hòa giải. Ngày 5/6/2013, TAND quận 4 đã ban hành Quyết định hòa giải thành số 24/2013/QĐST-KDTM, theo đó Trường Ngân phải trả cho OCB tổng cộng 4,451 triệu USD, tương đương 93,25 tỷ đồng theo lộ trình đã thống nhất. Lộ trình trả nợ bắt đầu từ tháng 5/2013 đến tháng 9/2014 chia làm nhiều giai đoạn với số tiền gốc, lãi phải thanh toán từng giai đoạn khác nhau và có gia hạn nợ gốc, nợ lãi để tạo điều kiện cho doanh trả nợ.

Nếu Trường Ngân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì OCB có quyền yêu cầu Trường Ngân trả ngay 1 lần đối với toàn bộ số tiền còn thiếu cho OCB, phải trả lãi theo mức lãi suất nợ quá hạn mà các bên đã thỏa thuận trong các hợp đồng tín dụng cho đến khi trả dứt nợ cho OCB. Đồng thời, OCB có quyền yêu cầu phát mại đối với toàn bộ tài sản bảo đảm là hàng hóa để thu hồi nợ.

Sau đó, Trường Ngân đã không thể thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo lộ trình nói trên và OCB đã có đơn yêu cầu thi hành án. Căn cứ vào quy định pháp luật và đơn yêu cầu thi hành án của OCB, ngày 19/6, Chi cục thi hành án dân sự quận 4 đã ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu. Tuy nhiên, do kho hàng của Trường Ngân nằm ở tỉnh Bình Dương, Chi cục thi hành án dân sự quận 4 đã có ủy thác thi hành án.

Sau khi tiếp nhận ủy thác thi hành án, Chi cục thi hành án thị xã Dĩ An đã yêu cầu Trường Ngân thi hành án và khi Trường Ngân không tự nguyện thực hiện, cơ quan thi hành án đã ra quyết định cưỡng chế.

>> Vụ 7 ngân hàng "tranh" kho hàng, OCB thắng cuộc?

>> Ngân hàng kẹt trong cuộc đua xiết nợ đại gia

>>  Tranh kho hàng thế chấp: chuyện không cá biệt

> 7 ngân hàng vây xiết nợ đại gia cà phê

Hoàng Duy
Hoàng Duy

Tin cùng chuyên mục