Vì sao VSD quyết định vinh danh những thành viên tiêu biểu 2017, thưa ông? Năm 2018 và các năm tiếp theo, VSD sẽ thực hiện việc vinh danh những chủ thể nào trên thị trường chứng khoán và tiêu chí cơ bản là gì, thưa ông?
Từ khi đi vào hoạt động năm 2006 đến nay, mọi thành công của VSD đều gắn liền với sự ủng hộ, đồng hành, sát cánh của các thành viên/tổ chức mở tài khoản trực tiếp - những cánh tay nối dài của VSD với nhà đầu tư trên thị trường.
Đặc biệt, năm 2017, VSD phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, trong đó có việc vận hành thành công hệ thống bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh; thực hiện suôn sẻ, an toàn việc chuyển chức năng thanh toán tiền giao dịch trái phiếu chính phủ (TPCP) từ ngân hàng thương mại sang Ngân hàng Nhà nước; triển khai hoạt động vay, cho vay TPCP để bán và cho phép bán TPCP đã được thực hiện thanh toán tại ngày giao dịch (từ 1/9/2017) cung cấp dịch vụ đăng ký, lưu ký đối với cổ phiếu trúng đấu giá của doanh nghiệp cổ phần hóa từ 1/3/2017…, chúng tôi đã ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng góp sức của các thành viên.
Đây là lý do tại Hội nghị thành viên năm 2017, VSD đã vinh danh 10 thành viên có số lượng chứng khoán lưu ký lớn nhất; 10 thành viên/tổ chức mở tài khoản trực tiếp có giá trị thanh toán tiền, chứng khoán giao dịch qua VSD lớn nhất trong thời gian từ 1/1 đến 31/10/2017; 7 thành viên bù trừ đầu tiên và Ngân hàng thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh Vietinbank.
Ông Nguyễn Sơn
Khi một sản phẩm/dịch vụ mới ra đời là thêm tiện ích, cơ hội đầu tư, nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro, thách thức. Do vậy, VSD đánh giá rất cao những thành viên đầu tiên sẵn sàng hợp tác nghiên cứu, đầu tư, và phối hợp triển khai các dịch vụ mới.
Theo tôi, việc vinh danh không chỉ nhằm ghi nhận những đóng góp, tinh thần dám nghĩ dám làm của các thành viên, mà còn tạo động lực và khuyến khích các thành viên/tổ chức mở tài khoản trực tiếp tích cực hơn nữa trong hoạt động sau giao dịch. Do vậy, việc vinh danh này sẽ được VSD thực hiện trong những năm tiếp theo.
Quy mô lưu ký chứng khoán, thanh khoản trên thị trường năm 2017 đều tăng mạnh, nhưng tại VSD không phát sinh trường hợp thành viên tạm thời mất khả năng thanh toán tiền giao dịch chứng khoán phải sử dụng Quỹ hỗ trợ thanh toán. Ông đánh giá như thế nào về sức khỏe tài chính của các thành viên trên TTCK, phải chăng các chủ thể này “khỏe” hơn mấy năm trước nên không còn hụt tiền thanh toán, thưa ông?
Năm 2017 được đánh giá là năm thành công của nền kinh tế Việt Nam và đây cũng là năm TTCK có sự phát triển vượt bậc (chỉ số VN-Index tăng 42,8% so với năm 2016), giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt mức cao nhất từ khi mở cửa thị trường chứng khoán chiếm 73% GDP.
Thị trường đã thu hút hiệu quả các dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước, hỗ trợ thiết thực cho quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước. Trong bối cảnh đó, hoạt động lưu ký, đăng ký và thanh toán các giao dịch chứng khoán qua VSD đã có sự khởi sắc.
Tại ngày 30/11/2017, số lượng chứng khoán lưu ký tại VSD là 64 tỷ chứng khoán, chiếm hơn 56% số lượng chứng khoán đăng ký. Trong đó, số lượng chứng khoán lưu ký phát sinh trong kỳ đạt hơn 14 tỷ chứng khoán, tăng 19,5% so với cùng kỳ.
Cùng với sự khởi sắc của thị trường, tính thanh khoản của thị trường cũng tăng nhanh. Tính đến 30/11/2017, tổng giá trị thanh toán tiền giao dịch chứng khoán qua VSD trên thị trường chứng khoán cơ sở là xấp xỉ 3.150.474 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ, tổng giá trị thanh toán của thị trường chứng khoán phái sinh là gần 173 tỷ đồng.
Mặc dù khối lượng thanh toán tăng cao, song trên cả TTCK cơ sở và phái sinh không phát sinh trường hợp thành viên tạm thời mất khả năng thanh toán tiền giao dịch phải sử dụng quỹ hỗ trợ thanh toán và quỹ bù trừ.
Theo tôi, một mặt, đây là tín hiệu cho thấy quá trình tái cơ cấu các công ty chứng khoán thành viên những năm gần đây đã có được các kết quả khả quan, tiềm lực tài chính hay nói cách khác là “sức khỏe tài chính” và công tác quản trị rủi ro của các công ty chứng khoán đã từng bước được nâng cao hơn. Mặt khác, tín hiệu này cũng cho thấy những giải pháp nhằm tăng cường quản lý, giám sát thành viên đem lại hiệu quả thiết thực.
Về phía VSD, để giúp thành viên giảm thiểu sai sót, tiết kiệm thời gian xử lý công việc, nâng cao ý thức và kỷ luật thanh toán, VSD đã rất chú trọng đầu tư, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, cải tiến nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, tập huấn nghiệp vụ, phổ biến các kiến thức mới và hướng dẫn các nghiệp vụ mới cho thành viên.
Một số công ty chứng khoán cho rằng, quy định “bắt lỗi” thanh toán trên TTCK phái sinh quá chặt khi yêu cầu các thành viên bị hụt margin phải thực hiện bù ngay lập tức trong phiên, nếu không sẽ chịu chế tài xử phạt, thưa ông?
Từ khi mở cửa TTCK phái sinh vào ngày 10/8/2017, VSD đã triển khai thành công hoạt động bù trừ giao dịch chứng khoán phái sinh. Đây là dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng thực tế, việc xây dựng và quản lý vận hành TTCK phái sinh quả thực không đơn giản như thị trường cơ sở, đặc biệt đối với hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch.
Do đặc thù của sản phẩm phái sinh là thời hạn dài, ít thực hiện giao nhận vật chất tại ngày đáo hạn, vì vậy việc quản lý rủi ro, bù trừ hàng ngày và thanh toán là rất phức tạp, giá trị của các sản phẩm phái sinh đòi hỏi phải được tính toán hàng ngày theo giá thị trường và thường được tiến hành thông qua mô hình đối tác thanh toán trung tâm (CCP).
Hiện nay, VSD đang áp dụng mô hình ký quỹ trước đối với các giao dịch chứng khoán phái sinh với hai ngưỡng cảnh báo đối với tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ ở tỷ lệ 80% và 90% và một ngưỡng giới hạn ở tỷ lệ 100%. Đây là mô hình ký quỹ phù hợp nhằm giảm thiểu rủi ro, hạn chế các đổ vỡ mang tính dây chuyền cho toàn thị trường.
Như chúng ta đã biết, một trong những nguyên nhân gây ra khủng hoảng tài chính năm 2008 và dẫn đến đổ vỡ hàng loạt thị trường chính là rủi ro tiềm ẩn của các giao dịch phái sinh OTC với các quy định lỏng lẻo về ký quỹ và kỷ luật thanh toán.
Do vậy, từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008 đến nay, cùng với sự phát triển ngày càng lớn về quy mô và tính chất phức tạp của sản phẩm, rủi ro tiềm tàng trên TTCK phái sinh cũng ngày càng lớn, các TTCK phái sinh trong khu vực và trên thế giới đã ngày càng siết chặt hơn các quy định về ký quỹ và nâng cao kỷ luật thanh toán.
TTCK năm 2017 tăng mạnh có sự hỗ trợ từ dòng vốn quốc tế. Tuy nhiên, các thành viên thị trường chỉ biết giá trị danh mục của khối ngoại tăng mạnh (trên 50%), nhưng không rõ là các nhà đầu tư quốc tế đến từ quốc gia nào, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc hay Trung Quốc… quan tâm đầu tư vào Việt Nam. Nếu có thể, mong ông chia sẻ thêm thông tin về vấn đề này và dự cảm của ông về khả năng dòng vốn ngoại quan tâm đến TTCK Việt Nam năm 2018?
Năm 2017 được xem là năm TTCK Việt Nam có sự tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm gần đây. Theo đánh giá của các chuyên gia nước ngoài, thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường có mức tăng trưởng tốt nhất khu vực châu Á.
Năm 2017 cũng chứng kiến sự quay trở lại của nhà đầu tư nước ngoài với việc mua ròng gần 26.000 tỷ đồng cổ phiếu (năm 2016, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 6.281 tỷ đồng). Giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh, tính đến cuối tháng 11/2017 đạt hơn 31,4 tỷ USD, tăng 81,3% so với cuối năm 2016. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục gia tăng đạt 1,9 triệu tài khoản tăng 11% so với cuối năm 2016 (trong đó tài khoản nhà đầu tư nước ngoài tăng 14,3%).
Trong 11 tháng đầu năm, số lượng nhà đầu tư mở tài khoản lưu ký lớn nhất tại VSD đến từ Hàn Quốc (945 tài khoản), Đài Loan (606) tài khoản, Trung Quốc (598 tài khoản), Thái Lan (226 tài khoản), Nhật Bản (154 tài khoản), Mỹ (142 tài khoản)...
Những con số trên cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài tại các nước phát triển trong khu vực và các nhà đầu tư Mỹ đang có xu hướng đầu tư nhiều hơn vào TTCK Việt Nam.
Việc tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài thông qua các thương vụ thoái vốn nhà nước và đầu tư lớn ở Vinamilk, Sabeco, Vietjet, Vincom Retail… đã góp phần thúc đẩy đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp Việt Nam, góp phần thúc đẩy quản trị công ty và minh bạch cho doanh nghiệp Việt Nam.
Tôi hy vọng sang năm 2018, cùng với những khởi sắc của nền kinh tế, với nỗ lực nâng hạng thị trường, chủ trương đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa vốn nhà nước với khối lượng lớn từ các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, TTCK Việt Nam tiếp tục được xem là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài.
Tại Hội nghị thành viên 2017, VSD đã công bố 8 giải pháp trọng tâm cho năm 2018. Xin ông chia sẻ thêm về những giải pháp này?
Năm 2018 được kỳ vọng là năm nền kinh tế tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng cao khi Chính phủ chủ trương tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, ưu tiên phát triển doanh nghiệp và đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước. Đây sẽ là những nhân tố giúp thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng trưởng nhanh và sôi động hơn.
Trong bối cảnh đó, để hỗ trợ thị trường, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển các dịch vụ sản phẩm mới, cũng như để thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, UBCK, khối lượng công việc của VSD sẽ rất lớn, trong đó tập trung vào 8 giải pháp.
Ngoài hai giải pháp liên quan đến đào tạo và hỗ trợ thành viên thì các giải pháp còn lại là tập trung vào hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin, cụ thể hóa đề án tái cơ cấu thị trường chứng khoán giai đoạn 2016-2020 và phát triển các sản phẩm mới nhằm đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ sau giao dịch và hỗ trợ tăng tính thanh khoản cho thị trường.
VSD cam kết sẽ tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành tốt các giải pháp trọng tâm, góp sức thúc đẩy TTCK Việt Nam phát triển hiệu quả, theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.