VSD - điểm tựa vững chắc của thị trường

(ĐTCK) Năm 2015 là năm đánh dấu 15 năm khai trương Sở giao dịch chứng khoán đầu tiên và ghi nhận những bước tiến vượt bậc của thị trường trong việc mở rộng quy mô, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao tính thanh khoản, hoàn thiện hệ thống pháp lý, đưa thị trường trở thành kênh dẫn vốn quan trọng và không thể thiếu của nền kinh tế.
VSD hiện có 129 thành viên, đảm bảo an toàn tối đa trong hoạt động, bảo mật và bảo vệ an toàn tài sản của nhà đầu tư VSD hiện có 129 thành viên, đảm bảo an toàn tối đa trong hoạt động, bảo mật và bảo vệ an toàn tài sản của nhà đầu tư

Là tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ sau giao dịch cho toàn thị trường, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) tự hào đã góp phần xây dựng nền tảng, giá trị cốt lõi cho sự lớn mạnh của TTCK Việt Nam.

Luôn đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo thị trường vận hành thông suốt

Từ khi chính thức đi vào hoạt động đến nay, VSD luôn đảm bảo hệ thống nghiệp vụ sau giao dịch vận hành thông suốt, đáp ứng nhu cầu gia tăng của thị trường ngay cả trong những thời kỳ sôi động nhất. Khối lượng công việc Trung tâm đảm nhận gia tăng hàng năm theo quy mô của thị trường.

Nếu như những năm đầu thành lập, VSD mới chỉ cung cấp dịch vụ sau giao dịch cho các giao dịch trên 2 Sở giao dịch là Hà Nội và TP. HCM, thì đến nay, VSD đã mở rộng và thực hiện cung cấp các dịch vụ sau giao dịch cho các thị trường bao gồm: thị trường trái phiếu chính phủ chuyên biệt, tín phiếu kho bạc, thị trường UPCoM; kết nối với Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước thực hiện chuyển khoản trái phiếu chính phủ để phục vụ giao dịch cho thị trưởng mở (OMO), triển khai dịch vụ chuyển quyền sở hữu cho chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết. Có thể điểm qua vài con số cơ bản về kết quả hoạt động của Trung tâm trong những năm qua như sau:

Số lượng thành viên của VSD hiện là 129 thành viên, tăng hơn 6 lần so với thời điểm cuối năm 2006, năm đầu tiên VSD đi vào hoạt động. Số lượng tổ chức phát hành đăng ký chứng khoán tại VSD tính đến 31/5/2015 là 1.085 tổ chức, gần 25 lần so với con số 44 tổ chức phát hành năm 2006.

Đến nay, số mã chứng khoán đăng ký tại VSD đã lên đến 1.646, trong đó cổ phiếu là 1.077 mã, trái phiếu là 561 mã, tín phiếu là 6 mã và chứng chỉ quỹ là 2 mã. Tổng số lượng chứng khoán hiện đăng ký tại VSD là 61,9 tỷ chứng khoán, tăng hơn 18 lần so với 3,4 tỷ chứng khoán năm 2006.

VSD - điểm tựa vững chắc của thị trường ảnh 1

Đối với hoạt động lưu ký chứng khoán, hiện tổng số chứng khoán đang lưu giữ tại VSD là 37,9 tỷ chứng khoán, tăng gần 19 lần so với 2 tỷ chứng khoán lưu giữ tại VSD cuối năm 2006. Tỷ lệ chứng khoán lưu ký so với đăng ký là xấp xỉ 63%. Trong đó, riêng trái phiếu chính phủ, tỷ lệ này đạt xấp xỉ 100%.

Năm 2014, tổng giá trị thanh toán giao dịch chứng khoán qua VSD lên tới 1.453.000 tỷ đồng, tăng 3,3 lần so với 444.000 tỷ đồng năm 2007. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2015, giá trị thanh toán giao dịch chứng khoán qua VSD đã lên tới 646.000 tỷ đồng.

Số lượng đợt thực hiện quyền cho người sở hữu chứng khoán qua VSD cũng đã tăng từ 374 đợt năm 2006 lên đến 2.588 đợt năm 2014, riêng 5 tháng đầu năm 2015 là 1.673 đợt.

Những con số trên cho thấy, VSD luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, tổ chức phát hành và thành viên lưu ký, đảm bảo cho thị trường vận hành thông suốt.

Chuẩn hóa hoạt động nghiệp vụ sau giao dịch, giảm thiểu rủi ro cho thị trường

Từ khi thành lập đến nay, với vai trò là chủ thể cung cấp dịch vụ hỗ trợ sau giao dịch, quản lý tài sản của nhà đầu tư ký gửi chứng khoán tại VSD, việc thiết lập các cơ chế để đảm bảo sự an toàn tối đa trong hoạt động, bảo mật và bảo vệ an toàn tài sản của nhà đầu tư theo quy định của Luật Chứng khoán luôn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của VSD.

Để thực hiện nhiệm vụ này, VSD bám sát các quy định của pháp luật để xây dựng, cập nhật các quy chế, quy định hướng dẫn các tổ chức phát hành, thành viên trong xử lý các hoạt động sau giao dịch, vừa đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, vừa phù hợp với thực tiễn, yêu cầu phát triển của thị trường.

Đến nay, VSD xây dựng được hệ thống các quy chế nghiệp vụ đồng bộ, từ khâu đăng ký, lưu ký, bù trừ, thanh toán đến thực hiện quyền, cấp mã chứng khoán trong nước và mã định danh quốc tế, quản lý thành viên lưu ký và các dịch vụ sau giao dịch khác, góp phần thiết thực cho việc chuẩn hóa và đảm bảo tuân thủ các quy định về hoạt động sau giao dịch của các tổ chức phát hành, thành viên lưu ký.

Bên cạnh đó, VSD chú trọng tới công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ nhằm giám sát việc thực thi của các cán bộ VSD cũng như giảm thiểu rủi ro trong các hoạt động sau giao dịch do VSD đảm nhận.

Đến nay, VSD đã xây dựng và hoàn chỉnh cơ chế kiểm soát rủi ro nội bội cũng như Bộ quy trình xử lý nghiệp vụ nội bộ đáp ứng yêu cầu chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 do Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng nhận của Anh (United Kingdom Accreditation Service - UKAS) chứng nhận, nhằm cụ thể hóa từng bước xử lý nghiệp vụ và thẩm quyền xử lý từ cấp tác nghiệp, quản lý và phê duyệt theo hướng minh bạch, tạo thuận lợi cho thành viên và tổ chức phát hành khi giải quyết các công việc có liên quan, đồng thời góp phần giảm thiểu rủi ro cho toàn thị trường.

Đổi mới hệ thống công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả xử lý nghiệp vụ

Ý thức được vai trò mang tính quyết định của hệ thống công nghệ thông tin đối với hoạt động cung cấp dịch vụ sau giao dịch, ngay từ khi nhận bàn giao từ 2 Trung tâm giao dịch chứng khoán (tiền thân của 2 Sở giao dịch hiện nay), VSD đã khẩn trương thực hiện điều chỉnh 2 phần mềm hoạt động nghiệp vụ đăng ký, lưu ký, thanh toán bù trừ khác biệt của 2 Sở giao dịch thành phần mềm ứng dụng chung duy nhất tại VSD, bước đầu tạo thuận lợi cho các thành viên thị trường khi tham gia nhận dịch vụ từ VSD do sự thống nhất về quy trình và cách thức thực hiện nghiệp vụ.

Không dừng ở đó, VSD đã chủ động xây dựng hệ thống công nghệ thông tin mới, đưa vào áp dụng từ giữa năm 2010. Việc đưa vào ứng dụng thành công hệ thống công nghệ thông tin mới với nhiều tính năng ưu việt như đồng bộ hóa thông tin, quản lý thông tin đến cấp nhà đầu tư, có kết nối với các thành viên lưu ký qua cổng giao tiếp điện tử đã tạo nền tảng quan trọng để VSD tổ chức toàn bộ hoạt động nghiệp vụ theo hướng quản lý tập trung, mà vẫn đảm bảo cung cấp dịch vụ hiệu quả cho tổ chức phát hành, thành viên lưu ký.

Bám sát mục tiêu từng bước hướng tới điện tử hóa các hoạt động nghiệp vụ, tạo nền tảng phát triển các sản phẩm, dịch vụ gia tăng cho thành viên và thị trường, những năm gần đây, VSD tập trung đầu tư, nghiên cứu đổi mới nhằm đưa ra những giải pháp công nghệ hiệu quả.

Năm 2012, VSD đã triển khai thành công việc áp dụng chữ ký số trong các hoạt động nghiệp vụ của VSD với thành viên. Đây là giải pháp kết hợp giữa việc mã hóa và xác thực dữ liệu, được tích hợp thẳng với hệ thống nghiệp vụ nhằm đảm bảo sự an toàn, bảo mật cho hệ thống. Từ năm 2013 đến nay, VSD tiếp tục nâng cấp và phát triển hệ thống công nghệ thông tin để hỗ trợ cho các mảng dịch vụ mới như phân hệ đại lý chuyển nhượng cho quỹ mở và quỹ ETF, bổ sung các chức năng nghiệp vụ mới liên quan đến hoạt động vay và cho vay chứng khoán.

Năm 2015, VSD đã chạy thử thành công và đưa hệ thống kết nối điện tử trực tuyến mới với thành viên thông qua cơ chế trao đổi điện tín chuẩn ISO15022 cho tất cả các nghiệp vụ vào hoạt động. Hệ thống kết nối điện tử trực tuyến mới sẽ cho phép các giao dịch của thành viên tác nghiệp trên hệ thống lõi (Core) của thành viên được truyền trực tiếp đến VSD thông qua bộ điện chuẩn ISO15022, thay vì qua hệ thống máy trạm như hiện nay. Nhờ đó, giúp giảm bớt các khâu xử lý thủ công, giảm thiểu rủi ro, đẩy nhanh quá trình điện tử hóa các hoạt động nghiệp vụ của VSD.

Với những bước tiến về hệ thống công nghệ nêu trên, VSD đã đổi mới về cơ bản phương thức cung cấp dịch vụ theo hướng chuyên môn hóa, đạt hiệu quả và chất lượng cao, giảm tối đa thời gian xử lý nghiệp vụ trong giao dịch với các tổ chức phát hành, các thành viên lưu ký cũng như người đầu tư, nâng cao công tác quản trị rủi ro, góp phần phát triển các sản phẩm gia tăng và các sản phẩm sau giao dịch mới, đồng thời hỗ trợ thiết thực cho công tác giám sát hoạt động thị trường của các Sở giao dịch và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Chủ động cung cấp các sản phẩm, dịch vụ gia tăng và dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường

Trong hơn 9 năm hoạt động, VSD luôn chủ động nghiên cứu để có thể cung cấp ngày càng nhiều các dịch vụ gia tăng cũng như các sản phẩm dịch vụ mới cho thị trường.

Thời gian đầu, phần lớn các chứng khoán lưu ký tại VSD dưới dạng chứng chỉ vật chất, tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kinh nghiệm của các thị trường phát triển, từ năm 2008, quyết định về việc đăng ký chứng khoán tại VSD dưới hình thức ghi sổ đã được áp dụng.

Năm 2009, sau hơn 1 năm đăng ký là thành viên của Hiệp hội Các cơ quan cấp mã quốc gia (ANNA), VSD đã nghiên cứu và chính thức cung cấp dịch vụ cấp mã định danh quốc tế (ISIN) cho các chứng khoán phát hành tại Việt Nam theo đúng chuẩn mực quốc tế, phục vụ cho các giao dịch xuyên biên giới.

Trong giai đoạn 2010 - 2012, VSD đã xúc tiến các hoạt động phát triển sản phẩm mới như nghiên cứu đề xuất phương án chuyển quyền sở hữu đối với các chứng khoán chưa niêm yết, hệ thống vay, cho vay chứng khoán, đặc biệt là nghiên cứu giải pháp mã hóa và xác thực dữ liệu (CA) áp dụng trong các hoạt động nghiệp vụ của VSD, nhờ đó, VSD trở thành tổ chức tiên phong trong tích hợp chữ ký số vào giao dịch nghiệp vụ trong lĩnh vực chứng khoán.

Từ năm 2013 đến nay, với định hướng đa dạng hóa các dịch vụ sau giao dịch, VSD đã đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ gia tăng và phi truyền thống phục vụ thị trường. Cụ thể, VSD triển khai thành công các dịch vụ phục vụ cho các quỹ đầu tư bao gồm: dịch vụ đại lý chuyển nhượng cho quỹ mở; hoán đổi, đăng ký, lưu ký, thanh toán bù trừ, thực hiện quyền đối với chứng chỉ quỹ ETF; dịch vụ vay, cho vay chứng khoán thỏa thuận cho mục đích hỗ trợ thanh toán, lập quỹ và thực hiện các dịch vụ hoán đổi ETF; dịch vụ quản lý tài sản thế chấp.

Bên cạnh đó, VSD đang xúc tiến các bước chuẩn bị để đưa vào ứng dụng mô hình đối tác thanh toán trung tâm (CCP) nhằm thực hiện bù trừ, thanh toán cho các chứng khoán phái sinh sẽ được triển khai trong thời gian tới. Ngoài ra, VSD hướng tới phát triển một số các dịch vụ gia tăng tiện ích cho thị trường như dịch vụ bỏ phiếu trực tuyến cho các tổ chức phát hành và cấp mã số giao dịch trực tuyến cho nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia TTCK Việt Nam.

Tích cực mở rộng quan hệ quốc tế, hướng tới cung cấp các sản phẩm, dịch vụ sau giao dịch theo chuẩn mực quốc tế

Với tầm nhìn cần phải vươn ra thế giới, hợp tác học hỏi kinh nghiệm, chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực sau giao dịch, ngay sau khi chính thức đi vào hoạt động, lãnh đạo VSD đã định hướng phải hội nhập với khu vực và thế giới để không bị tụt hậu, kịp thời cập nhật những kiến thức mới nhất trong ngành nhằm phục vụ mục tiêu phát triển sản phẩm, dịch vụ mới cũng như nâng cao vị thế của VSD.

Về quan hệ đa phương, VSD tích cực tham gia các hiệp hội, diễn đàn chuyên ngành quốc tế. VSD hiện là thành viên chính thức của các hiệp hội và diễn đàn chuyên ngành bao gồm: Hiệp hội Các tổ chức lưu ký chứng khoán khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ACG), Hiệp hội Các cơ quan cấp mã quốc gia (ANNA), Diễn đàn ABMF, Nhóm xây dựng thị trường vốn ASEAN (ACMI).

Về hợp tác song phương, sau khi ký biên bản ghi nhớ (MOU) đầu tiên với Trung tâm Lưu ký chứng khoán Hàn Quốc năm 2007 đến nay, VSD đã ký MOU với nhiều tổ chức lưu ký, trung tâm bù trừ và các tổ chức tài chính chuyên ngành khác trên thế giới như Trung tâm Lưu ký chứng khoán Nhật Bản, Mỹ... Những quan hệ này đã hỗ trợ thiết thực cho hoạt động nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới của VSD, phù hợp với thông lệ quốc tế và đặc thù của Việt Nam.

Những năm gần đây, VSD đã và đang trực tiếp tham gia các nghiên cứu của các hiệp hội và diễn đàn chuyên ngành của khu vực và thế giới như: tham gia xây dựng khung công bố thông tin liên quan đến Bản những nguyên tắc đối với các tổ chức hạ tầng thị trường tài chính của CPSS-IOSCO và Bản thảo tài liệu về phương thức hoạt động và giải thể các tổ chức hạ tầng tài chính của CPSS-IOSCO; tham gia nhóm GOE nghiên cứu về khả năng thành lập Trung tâm thanh toán khu vực RSI; cùng với các tổ chức lưu ký và thanh toàn bù trừ của khu vực nghiên cứu các cơ chế kết nối sau giao dịch để tiến tới liên kết với các tổ chức này trong cung cấp các dịch vụ sau giao dịch cho các giao dịch xuyên biên giới.

Những hoạt động hợp tác quốc tế không chỉ giúp VSD cập nhật các kiến thức chuyên ngành, mà còn giúp phát triển các dịch vụ, sản phẩm mới sau giao dịch, nâng cao vị thế, tiếng nói của VSD, qua đó góp phần không nhỏ vào sự phát triển của hoạt động sau giao dịch của thị trường theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Nhìn lại chặng đường từ khi thành lập đến nay, với những kết quả đã đạt được, có thể nói, VSD đã và đang đồng hành, hỗ trợ một cách thầm lặng nhưng rất hiệu quả và thiết thực, cũng như là chỗ dựa vững chắc cho sự lớn mạnh của TTCK Việt Nam.


Đặc san 15 Năm TTCK

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục