VSD bền vững cùng thị trường chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đảm bảo cho các dòng tiền và tài sản trên thị trường chứng khoán luôn chu chuyển nhịp nhàng, thông suốt, an toàn và bảo mật là mục tiêu hàng đầu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam ( VSD).
Hội nghị thành viên thường niên của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) Hội nghị thành viên thường niên của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD)

Nỗ lực cùng các thành viên

Tại Hội nghị thành viên của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), tổ chức ngày 25/11/2022, ông Dương Văn Thanh, Tổng giám đốc VSD nhấn mạnh, trong bối cảnh đối phó với dịch bệnh Covid-19, VSD đã tập trung nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, nhằm xử lý nghiệp vụ qua hệ thống công nghệ thông tin, giảm thiểu hồ sơ giấy, tạo điều kiện hỗ trợ thành viên, chung tay góp sức vì mục tiêu phát triển thị trường.

Năm 2021-2022, mặc dù thị trường có nhiều biến động, nhưng VSD và các thành viên đã có sự phối hợp nhịp nhàng, nhằm đảm bảo thực hiện các hoạt động nghiệp vụ tại VSD một cách hiệu quả, thể hiện ở số lượng tài khoản mở mới tăng, số lượng chứng khoán lưu ký tăng, giá trị thanh toán lớn nhưng không có thành viên phải sử dụng Quỹ hỗ trợ thanh toán.

Theo số liệu cập nhật của VSD, tính đến cuối tháng 10/2022, số lượng tài khoản chứng khoán mở trên thị trường hơn 6,7 triệu tài khoản, tương đương hơn 6,6% dân số, vượt xa mục tiêu ban đầu của Chính phủ là 5% dân số có tài khoản chứng khoán vào cuối năm 2025.

Trong năm 2022, VSD đã triển khai nghiên cứu một số sản phẩm, dịch vụ mới như mô hình thanh toán bù trừ (CCP) cho thị trường chứng khoán cơ sở theo chỉ đạo của cơ quan quản lý, trong đó tập trung hoàn thiện các nội dung mang tính kỹ thuật chi tiết, làm việc với các thành viên thị trường về quy trình bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán cơ sở theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm khi ngân hàng lưu ký không phải là thành viên bù trừ, đồng thời nghiên cứu giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thành viên lưu ký khi triển khai mô hình này.

VSD đã hoàn thành việc đầu tư và đưa vào sử dụng tại VSD hệ thống phần mềm đăng ký biện pháp bảo đảm, làm cơ sở để triển khai dịch vụ đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm đối với chứng khoán đăng ký tập trung tại VSD, đồng thời hoàn thành việc đầu tư và đưa vào sử dụng hệ thống cổng giao tiếp với tổ chức phát hành từ tháng 10/2021, tạo ra một kênh thông tin điện tử chính thức để trao đổi thông tin nghiệp vụ giữa VSD và các tổ chức phát hành. Trong năm qua, VSD cũng đã cải tiến nền tảng công nghệ để rút ngắn chu kỳ thanh toán trước 13h ngày T+2, góp phần tăng tính thanh khoản cho thị trường.

Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD)

Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD)

Lãnh đạo VSD cho biết, VSD đánh giá cao việc tuân thủ quy định các quy chế hoạt động nghiệp vụ của các thành viên. Dù vậy, vẫn còn có một số vấn đề cần khắc phục như một số thành viên chưa kết nối cổng giao tiếp trực tuyến với VSD và mong muốn sẽ có 100% thành viên kết nối qua cổng giao tiếp trực tuyến đến 31/12/2022.

Ngoài ra, vẫn còn tình trạng một số nhà đầu tư mở nhiều tài khoản tại cùng thành viên. VSD đề nghị thành viên phối hợp với nhà đầu tư để xử lý dứt điểm vấn đề này đảm bảo đúng quy định. Đối với vấn đề phát sinh giao dịch sửa lỗi, VSD cũng yêu cầu các thành viên cần giám sát chặt chẽ hơn để giảm thiểu rủi ro trong giao dịch.

Tại hội nghị, các thành viên thị trường đánh giá cao sự hỗ trợ, phối hợp tích cực VSD. Bên cạnh đó, các thành viên cũng kiến nghị VSD một số nội dung thiết thực trong hoạt động nghiệp vụ và các vấn đề liên quan đến hạ tầng công nghệ của thị trường như hoàn thiện và đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin cho ngành chứng khoán, tăng cường cải tạo hệ thống cũng như hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực chứng khoán...

Lãnh đạo CTCK Bản Việt (VCSC) cho biết, đối với giao dịch chứng khoán T+2 được sự chuẩn bị phối hợp chặt chẽ của VSD nên hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán được vận hành suôn sẻ, an toàn, hiệu quả và bảo mật.

“VSD cũng đã phối hợp tích cực, chặt chẽ với Thành viên để test gói thầu KRX cũng như các sản phẩm mới cho phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của thị trường, mang lại quyền lợi tốt nhất cho nhà đầu tư trong tương lai gần” đại diện VCSC nói.

Trong khi đó, đại diện HSBC chia sẻ, khó khăn đặc thù của khối nhà đầu tư nước ngoài đã được VSD ghi nhận và hỗ trợ khi đã cân nhắc đặc thù pháp lý của từng vùng lãnh thổ hay từng loại hình tổ chức của nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình xử lý như hồ sơ hay VSD đã triển khai hệ thống V-vote cho phép nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia biểu quyết dưới hình thức điện tử thông qua ủy quyền cho thành viên lưu ký của mình… Bên cạnh đó, các sản phẩm và xu hướng phát triển mới cũng đã được VSD tiếp cận với tâm thế cởi mở hơn. Tại hội nghị, đại diện HSBC cũng giới thiệu về xu thế số hoá các sản phẩm tài chính và chứng khoán.

Trong vai trò là Công ty Chứng khoán thực hiện giao dịch cho khách hàng của ngân hàng lưu ký, SSI kiến nghị Bộ Tài chính, UBCK, VSD sớm xác định vai trò của ngân hàng lưu ký nhằm đảm bảo tính công bằng về mặt rủi ro, lợi ích giữa các bên để kịp thời phối hợp cùng các thành viên xây dựng hệ thống, kiểm thử nhằm hướng tới đưa vào vận hành đúng thời gian như kế hoạch.

Bên cạnh đó, các thành viên cũng kiến nghị VSD cải tiến hơn nữa hệ thống công nghệ thông tin nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thành viên và thị trường.

2023: Tăng tốc cùng thị trường

Bước sang năm 2023, VSD sẽ tập trung triển khai các công việc trọng tâm như thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động thành Tổng công ty bù trừ thanh toán chứng khoán, theo đó VSD sẽ phải thay đổi mô hình hoạt động và các cơ chế liên quan; phải thực hiện rà soát sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy trình nghiệp vụ cho phù hợp.

VSD mong muốn Thành viên có những đóng góp thiết thực để VSD hoàn thiện tốt hơn các quy chế nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp giữa VSD và thành viên.

VSD sẽ tiếp tục phối hợp với bên liên quan sớm đưa gói thầu KRX vào hoạt động; hoàn thiện hệ thống phục vụ cho hoạt động đăng ký, lưu ký và thanh toán giao dịch Trái phiếu riêng lẻ theo quy định tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP. Đồng thời, phát triển các sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng hệ thống công nghệ thông tin mới KRX như triển khai mô hình đối tác bù trừ thanh toán trung tâm (CCP) cho thị trường chứng khoán cơ sở.

Lãnh đạo VSD cũng mong muốn các thành viên phối hợp trong việc trao đổi trong ứng dụng công nghệ trong nền tảng công nghệ trong thị trường Việt Nam nói chung và tại VSD nói riêng.

Các thành viên tiêu biểu trong hoạt động lưu ký chứng khoán năm 2022

Các thành viên tiêu biểu trong hoạt động lưu ký chứng khoán năm 2022

Thị trường đang trong giai đoạn khó khăn do giao dịch giảm, các vấn đề liên quan đến TPDN, do đó các Thành viên cần phối hợp chặt chẽ với VSD để xử lý các tình huống phát sinh ảnh hưởng đến thị trường. Đảm bảo thị trường phái sinh như một công cụ phòng ngừa rủi ro cho thị trường chứng khoán cơ sở.

Đồng thời, nghiên cứu các quy định pháp lý và thông lệ quốc tế để nhằm tiến tới phát triển nền kinh tế xanh, tín dụng xanh, lưu ký xanh, trái phiếu xanh… theo đó, VSD sẽ nghiên cứu để tích hợp và phát triển hệ thống e-meeting trong hệ thống evoting của VSD nhằm đảm bảo bảo mật thông tin dữ liệu, công tâm trong hoạt động tổ chức đại hội cổ đông.

VSD đánh giá cao sự phối kết hợp của các thành viên thị trường và các đơn vị có liên quan để hoàn thành các nhiệm vụ của năm 2022 và cam kết sẽ tiếp tục cùng phối hợp để hoàn thành tốt hơn nữa các công tác trọng tâm trong năm 2023.

Bên cạnh việc phối hợp tích cực, chặt chẽ với thành viên trong xử lý hoạt động nghiệp vụ phát sinh, VSD sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy chế, quy trình xử lý nghiệp vụ.

Trong vai trò là thành viên một số tổ chức quốc tế như Hiệp hội Các tổ chức lưu ký và bù trừ chứng khoán khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ACG), Hiệp hội Các đối tác thanh toán trung tâm toàn cầu (CCP12), Hiệp hội Các cơ quan cấp mã quốc gia (ANNA)…, trong năm 2023, VSD vinh dự đăng cai hội nghị ACG. Đây sẽ là cơ hội để các thành viên kết nối, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm với các tổ chức lưu ký bù trừ trong khu vực nhằm ứng dụng các thông lệ cho thị trường Việt Nam. VSD sẵn sàng đối thoại, tương tác với thành viên trong hoạt động nghiệp vụ để hỗ trợ tốt nhất cho thành viên.

Cũng tại Hội nghị, VSD đã tổ chức Lễ vinh danh và trao Kỷ niệm chương cho 10 thành viên tiêu biểu trong hoạt động lưu ký chứng khoán năm 2022, 10 thành viên tiêu biểu trong hoạt động thanh toán giao dịch chứng khoán cơ sở năm 2022, 05 thành viên tiêu biểu trong hoạt động thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh năm 2022 và 03 Ngân hàng thanh toán tiền giao dịch chứng khoán.

Thành viên tiêu biểu trong hoạt động lưu ký năm 2022

1. Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ thương

2. Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam)

3. Công ty cổ phần Chứng khoán SSI

4. Công ty cổ phần Chứng khoán VPS

5. Ngân hàng TNHH một thành viên Standard Chartered (Việt Nam)

6. Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT

7. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam

8. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam

9. Công ty cổ phần Chứng khoán MB

10. Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội

Thành viên tiêu biểu trong hoạt động thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh năm 2022

1. Công ty cổ phần Chứng khoán VPS

2. Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM

3. Công ty cổ phần Chứng khoán SSI

4. Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt

5. Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam

Thành viên tiêu biểu trong hoạt động thanh toán giao dịch chứng khoán cơ sở năm 2022:

1. Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ thương

2. Ngân hàng TNHH một thành viên Standard Charterad (Việt Nam)

3. Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT

4. Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM

5. Công ty cổ phần Chứng khoán SSI

6. Công ty cổ phần Chứng khoán VPS

7. Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam

8. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam

9. Công ty cổ phần Chứng khoán Tiên Phong

10. Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam)

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục