VPBank vững vàng vượt qua thử thách

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Vượt qua năm 2020 đầy khó khăn, thách thức do tác động của dịch bệnh Covid-19 với những kết quả ấn tượng, đặc biệt là sự chuyển biến rõ nét về chất, VPBank tự tin vững bước trong năm 2021 cũng như giai đoạn tới.
VPBank vững tin bước tới. VPBank vững tin bước tới.

Chủ động chung tay cùng cộng đồng vượt qua đại dịch

Chúng ta vừa trải qua một năm với thử thách vô cùng lớn bởi đại dịch Covid-19. Ngay những tháng đầu năm 2021, một lần nữa Việt Nam tiếp tục dồn mọi nguồn lực với tinh thần cao nhất để ngăn chặn và đẩy lùi làn sóng dịch bùng phát trở lại trong cộng đồng.

Vượt qua thử thách đó, Việt Nam trở thành điểm sáng của thế giới năm qua. Chúng ta thực hiện thành công mục tiêu kép: Vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa đạt mức tăng trưởng kinh kế ở nhóm cao nhất trên toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, VPBank vừa củng cố an toàn hoạt động và tăng trưởng bền vững, vừa chủ động và linh hoạt các giải pháp, tập trung các nguồn lực đồng hành cùng khách hàng, đối tác và cộng đồng vượt qua khó khăn và thử thách đặc biệt trong năm vừa qua.

Tính đến cuối năm 2020, hơn 110.000 khách hàng tại VPBank đã được hỗ trợ giảm lãi suất với tổng dư nợ trên 50.000 tỷ đồng. Hầu hết các khoản vay bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được VPBank hỗ trợ cơ cấu đã trở lại trạng thái bình thường.

Ngay khi đại dịch xảy ra, VPBank đã vào cuộc nhanh chóng chung tay cùng cộng đồng thực hiện các hoạt động xã hội với gần 40 tỷ đồng: Triển khai chương trình “Học viện tiểu thương” hỗ trợ hơn 12.500 tiểu thương vượt qua khó khăn; phát động phong trào “Vui lên Việt Nam” lan tỏa tinh thần lạc quan trong thời kỳ dịch bệnh; tổ chức thành công giải chạy “VPBank Hanoi Marathon Asean 2020 - Chào bình thường mới” thể hiện hình ảnh Việt Nam an toàn, cởi mở đối với du lịch và hòa nhập quốc tế…

Kết quả kinh doanh 2020 vượt trội

Với hoạt động kinh doanh, đại dịch Covid -19 được xem như một cơn bão kiểm định sự vững vàng của mỗi chủ thể trong nền kinh tế, kiểm định tính hợp lý và hiệu quả của mỗi mô hình và chiến lược hoạt động.

Với VPBank, 2020 là năm thứ ba triển khai lộ trình chiến lược 5 năm giai đoạn 2018-2022. Ngân hàng đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch, đặc biệt ở những chuyển biến quan trọng về chất.

Năm 2020, VPBank tiếp tục củng cố vị trí ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có doanh thu (TOI) lớn nhất thị trường, đạt hơn 39.000 tỷ đồng (đã bao gồm 18.231 tỷ đồng doanh thu của FE Credit).

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 13.019 tỷ đồng (trong đó, FE Credit đóng góp 3.713 tỷ đồng), hoàn thành 127,5% kế hoạch, tăng trưởng 26,1% so với năm 2019.

Các chỉ số hiệu quả tiếp tục ở nhóm dẫn đầu hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam, với tỷ suất lợi nhuận trên trên tổng tài sản (ROA) đạt 2,6% và tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 22%.

Chuyển biến về chất thể hiện rõ với thu nhập ngoài lãi tiếp tục là động lực tăng trưởng doanh thu của Ngân hàng mẹ VPBank khi tăng 27% trong năm 2020. Tỷ trọng thu nhập ngoài lãi/tổng thu nhập hoạt động theo đó tăng mạnh từ mức 19,4% năm 2019 lên 20,7% trong năm 2020. Hướng chuyển dịch này tiếp tục củng cố tính bền vững trong thu nhập của VPBank, giảm thiểu tác động từ môi trường tín dụng bộc lộ rủi ro bởi dịch Covid-19.

Công tác quản trị rủi ro tiếp tục được củng cố

Trong môi trường tiềm ẩn nhiều rủi ro đó, VPBank tiếp tục củng cố chất lượng tín dụng, kiểm soát chặt chẽ nợ xấu hợp nhất dưới 3% và đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu tại VPBank riêng lẻ giảm xuống dưới 2%.

Cùng đó, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo tiêu chuẩn Basel II được duy trì ở mức gần 12% tính đến cuối năm 2020, cao hơn đáng kể so với quy định tối thiểu của Ngân hàng Nhà nước (8%).

Song song, công tác quản trị rủi ro tiếp tục được củng cố, năm 2020 đánh dấu mốc quan trọng khi VPBank được Ngân hàng Nhà nước công nhận kết quả tuân thủ sớm trụ cột 2 của Basel II.

Cùng với việc hoàn thành sớm trụ cột 1 và 3 trong năm 2019, việc hoàn thành trụ cột 2 sớm 1 năm so với yêu cầu của cơ quan quản lý đưa VPBank trở thành 1 trong 3 ngân hàng tiên phong hoàn thành triển khai Basel II theo Phương pháp tiêu chuẩn trên thị trường Việt Nam.

Tiên phong trong việc xây dựng hệ thống kiểm soát rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng theo tiêu chuẩn quốc tế, các nỗ lực của VPBank đã đem lại nhiều kết quả tích cực trong quản lý và phòng ngừa rủi ro đối với danh mục đầu tư.

Trong năm 2020, VPBank tiếp tục triển khai chương trình tín dụng xanh để thúc đẩy các hoạt động đầu tư bền vững, các lĩnh vực có đóng góp cho bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.

“Hái quả ngọt” từ đẩy mạnh chuyển đổi số

Những chuyển biến về chất năm qua tại VPBank cũng thể hiện rõ ở các chỉ tiêu quan trọng khác. Trong đó, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) hợp nhất giảm mạnh về mức 29,2% vào cuối năm 2020, so với mức 33,9% vào cuối năm 2019 - đạt mức tốt nhất trong hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam.

Kết quả này đến từ định hướng tiết giảm chi phí hoạt động, thúc đẩy chuyển đổi số để tối ưu hóa quy trình vận hành và nâng cao hiệu quả hoạt động trong năm qua.

Gắn với chiến lược ngân hàng bán lẻ hiện đại, trên cơ sở tệp khách hàng không ngừng mở rộng, năm 2020, VPBank tiếp tục thành công trong việc nâng cao một chỉ tiêu quan trọng là tỷ lệ tiền gửi không kỳ̀ hạn (CASA) của Ngân hàng mẹ, tăng trưởng khả quan từ mức 13% vào cuối năm 2019 lên 15,5% vào cuối năm 2020.

Kết quả này cho thấy tín hiệu khả quan của chương trình dài hạn củng cố tính hiệu quả và bền vững của nguồn vốn huy động khách hàng, góp phần cải thiện tỷ lệ lãi cận biên cho VPBank năm qua.

Động lực quan trọng cho những chuyển biến về chất nói trên có được từ quá trình chuyển đổi số tiếp tục được VPBank đẩy mạnh trong năm 2020.

Vị thế dẫn đầu của VPBank tiếp tục nổi bật khi trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng thành công e-KYC, giúp khách hàng mở tài khoản thanh toán 100% trực tuyến.

Cùng với đó, nhiều dự án số hóa được triển khai như ra mắt website mới với thiết kê thông minh, thân thiện, tích hợp trí tuệ nhận tạo; ra mắt ứng dụng VPO do VPBank tự phát triển với giao diện và các tính năng hiện đại; xây dựng nền tảng Open Banking toàn diện - một hệ sinh thái các dịch vụ ngân hàng; cải tiến quy trình và tự động hóa nhằm nâng cao năng suất lao động…

Những dự án trên tiếp tục gia tăng tiện ích và trải nghiệm khách hàng, mở rộng các hệ sinh thái ngân hàng giao dịch. Nỗ lực của VPBank trong đẩy mạnh chuyển đổi số cũng đã được ghi nhận, được Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vinh danh “Ngân hàng chuyển đổi số tiêu biểu” năm thứ ba liên tiếp.

Nhà đầu tư đón nhận, thương hiệu được vinh danh

Phản ánh những chuyển biến về chất nói trên, cũng như hiệu quả hoạt động cập nhật qua các kỳ báo cáo tài chính trong năm, giá cổ phiếu VPB của VPBank đã tăng mạnh trong năm 2020, được nhà đầu tư đón nhận tích cực với quy mô thanh khoản cao trong rổ VN30 trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE).

Và ngay đầu năm 2021, VPBank đã có bước tăng hạng ấn tượng khi tăng thêm 37 bậc để lần lần đầu tiên lọt vào danh sách 250 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất toàn cầu, đứng vị trí thứ 243, đồng thời giữ vững vị trí ngân hàng tư nhân có giá trị thương hiệu lớn nhất Việt Nam năm thứ 3 liên tiếp, theo bảng xếp hạng của Brand Finance - công ty tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới.

Những ghi nhận cụ thể từ thị trường, từ các tổ chức uy tín trong nước và quốc tế là động lực quan trọng để toàn hệ thống VPBank bước vào năm 2021 với tâm thế mạnh mẽ hơn nữa.

Tuy diễn biến của dịch Covid-19 còn phức tạp, nhưng triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ khả quan hơn, tăng trưởng kinh tế Việt Nam theo đó cũng được dự báo hồi phục mạnh mẽ hơn trong năm 2021.

Vì thế, chúng tôi tin tưởng VPBank sẽ tiếp tục vững vàng vượt qua những thử thách, nối tiếp những thành công mới trong lộ trình thực hiện chiến lược 5 năm giai đoạn 2018-2022.


Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2021

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục