Đã 2 thập niên trôi qua kể từ lần gần nhất đồng tiền chung châu Âu (euro) giảm xuống dưới 1 USD và tiếp tục xoay quanh ngưỡng ngang giá - điều được ví như “vết xước” trong niềm tự hào của người châu Âu vốn coi đồng tiền chung là một dự án chính trị quan trọng và là kình địch của đồng USD.
Hiện chiếm 1/5 dự trữ ngoại hối thế giới, việc giá trị đồng euro một lần nữa thấp hơn đồng USD đang làm sống lại ký ức về những năm tháng đầy khó khăn khi đồng tiền chung châu Âu mới ra đời.
Có rất nhiều lý do giải thích tại sao đồng euro trượt giá so với đồng USD, song nguyên nhân được nhắc nhiều nhất là những lo ngại châu Âu phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng vào mùa Đông.
Sự phụ thuộc của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vào khí đốt của Nga khiến nền kinh tế khu vực dễ bị tổn thương hơn do hậu quả của cuộc xung đột ở Ukraine được coi là lực cản “tự nhiên” đối với tiền tệ.
Dự luật năng lượng của khối lại đẩy chi phí nhập khẩu lên cao, khiến khu vực này bị thâm hụt mạnh tài khoản vãng lai, làm tăng nguồn cung euro và làm giảm tỷ giá hối đoái.
Thâm hụt thương mại có thể ảnh hưởng xấu tới tính bền vững của cán cân thanh toán, gây áp lực lên tỷ giá, nợ nước ngoài, lạm phát, dẫn tới nguy cơ đồng euro tiếp tục mất giá trong thời gian tới, đe dọa sự ổn định vĩ mô và tăng trưởng.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) lại đang vận động với tốc độ rất khác nhau.
Fed đã mạnh tay tăng lãi suất, đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc lên cao hơn và khiến đồng bạc xanh trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư so với đồng euro.
Fed đã tăng lãi suất 3 lần trong năm nay và để ngỏ kế hoạch tăng thêm 4 lần nữa như một phần trong chiến lược kiểm soát lạm phát.
ECB cũng dự kiến sẽ tăng lãi suất để đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%, nhưng với tốc độ chậm hơn so với Mỹ.
Mặc dù các nhà hoạch định chính sách châu Âu tỏ dấu hiệu bắt đầu chu kỳ siết chặt chính sách tiền tệ, song vẫn xuất hiện những hoài nghi về việc họ có thể duy trì chính sách này trong bao lâu.
Việc tăng lãi suất nhanh hơn có thể gây thêm khó khăn cho một nền kinh tế đang đối mặt với nguy cơ suy thoái, thiếu khí đốt và chi phí năng lượng cao ngất ngưởng đang làm suy giảm sức mua.
Với khả năng bị hạn chế, ECB lại rơi vào tình thế khó vì sự suy yếu của đồng euro làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát, song ECB cũng không thể mạo hiểm thắt chặt chính sách mạnh mẽ khiến tăng trưởng kinh tế của Eurozone giảm mạnh.
Nguy cơ suy thoái trong những tháng tới sẽ tăng cao, có khả năng đẩy khối này vào một cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài.
Chi phí đi vay của các quốc gia thành viên Eurozone đang mắc nợ có nguy cơ vượt tầm kiểm soát nếu các nhà đầu tư bắt đầu nghi ngờ về khả năng duy trì “gánh nợ.”
Thông tin đồn đoán rằng các nhà hoạch định chính sách ECB đang có kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn dự kiến vào tháng Sáu đã khiến lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Italy tăng lên trên 4% lần đầu tiên kể từ năm 2014.
|
Khách hàng chọn mua đồ tại siêu thị ở Budapest, Hungary. (Ảnh: AFP/TTXVN). |
ECB khó nâng lãi suất hơn các ngân hàng trung ương khác vì mỗi quốc gia trong số 19 nước thành viên khu vực đồng euro bị tác động khác nhau nên khó đạt được đồng thuận.
Tác động của việc đồng euro suy yếu đối với từng doanh nghiệp cũng khác nhau, tùy thuộc mức độ phụ thuộc của doanh nghiệp đó vào hoạt động ngoại thương và năng lượng.
Tác động cụ thể nữa là đồng euro mất giá so với đồng USD sẽ "làm giảm hoạt động du lịch từ châu Âu sang Mỹ," vì du khách châu Âu sẽ cần phải chi nhiều euro hơn để mua một lượng hàng hóa tương đương bằng đồng USD.
Điều này sẽ kéo tổng chi phí của chuyến đi lên cao đáng kể, không chỉ với các chuyến du lịch đến Mỹ, mà còn cả các nước khác có đồng tiền được neo vào đồng USD, Qatar hay Jordan.
Ở chiều ngược lại, du khách từ Mỹ, Qatar hay Jordan sang châu Âu sẽ hưởng lợi từ tỷ giá này, vì họ sẽ mua được nhiều hơn bằng đồng USD tại Eurozone.
Đồng euro mất giá đồng nghĩa với việc châu Âu sẽ cần nhiều euro hơn để thanh toán cho cùng một lượng hàng hóa tương đương được niêm yết bằng đồng USD và hàng nhập khẩu sẽ trở nên đắt đỏ hơn, từ đó khiến lạm phát thêm trầm trọng và làm giảm sức mua của các hộ gia đình.
Đối với các thợ thủ công địa phương, những người phụ thuộc vào nguyên liệu thô và năng lượng, nhưng ít xuất khẩu, đồng euro yếu đi sẽ khiến chi phí sản xuất tăng vọt.
Trong nhiều năm, các nhà hoạch định chính sách Eurozone đã coi đồng tiền suy yếu như một phương tiện để kích thích tăng trưởng kinh tế, vì nó làm cho hàng xuất khẩu của EU trở nên cạnh tranh hơn.
Bên hưởng lợi lớn nhất từ tự suy yếu của đồng euro là các lĩnh vực sản xuất theo định hướng xuất khẩu, như hàng không vũ trụ, ô tô, hàng xa xỉ và hóa chất. Tuy nhiên, tác động tích cực này có thể bị lấn át bởi giá hàng hóa tăng vọt do xung đột Nga-Ukraine.
Các nhà phân tích của ngân hàng BNP Paribas cảnh báo rằng trong lịch sử khi giá năng lượng tăng cao thì đồng euro phải chịu thiệt hại nhiều hơn so với đồng tiền của các nước phát triển khác, giảm trung bình 4,5% trong thời gian giá năng lượng tăng cao.
Còn ngân hàng JPMorgan lưu ý rằng Eurozone phải đối mặt với sự tăng vọt của giá khí đốt theo kiểu "parabol" và trong trường hợp xấu nhất, đồng euro có thể trải nghiệm mức 1 euro đổi 0,90 USD.
Trong khi đó, nhà phân tích Jordan Rochester của Ngân hàng Nomura cho rằng đồng euro có thể giảm xuống 0,95 USD vào cuối tháng Tám.
Tuy nhiên, trong trường hợp các kho chứa khí đốt không được bổ sung vào mùa Đông, euro có thể trượt xuống 0,90 USD.
Đồng euro đã từng xuống mức thấp lịch sử vào tháng 10/2000, 1 euro chỉ đổi được 0,823 USD, thấp hơn cả giá trị khi lần đầu tiên được đưa ra sử dụng vào tháng 1/1999, trong bối cảnh suy thoái hồi đầu năm 2000.
Về lý thuyết, ECB có thể can thiệp bằng cách bán đồng USD để hỗ trợ đồng euro như đã từng xảy ra vào năm 2000.
Tuy nhiên, ECB đã đánh tín hiệu rằng ngân hàng này có thể sẽ không can thiệp trong thời điểm hiện tại, vì tỷ giá hối đoái "thực" của đồng euro - so với tiền tệ của các đối tác thương mại và được điều chỉnh theo lạm phát - cao hơn nhiều so với mức ghi nhận được trong năm 2002, thời điểm gần nhất mà đồng euro và USD giao dịch ngang nhau.
Trong ngắn hạn, vòng xoáy trượt giá của đồng euro chỉ có thể đổi chiều khi những lý do khiến đồng tiền chung này sụt giảm có được lời giải.
Tuy nhiên, vấn đề lạm phát, giá năng lượng và chiến sự ở Ukraine đều khó có được giải pháp hữu hiệu nếu như tình hình quốc tế không có thay đổi lớn nào. Các nhà đầu tư thường đổ xô vào đồng USD trong thời điểm không chắc chắn.
Nhưng cũng không thể nói đồng euro đang rơi vào khủng hoảng. Đồng euro giảm so với đồng USD chủ yếu phản ánh sự thay đổi theo chu kỳ trong nền kinh tế toàn cầu chứ không phải thay đổi cơ cấu.
Với tỷ lệ thất nghiệp thấp ở mức kỷ lục, Ủy ban châu Âu (EC) đánh giá tiêu dùng cá nhân có thể thích ứng tốt hơn với đà tăng của giá cả, nếu các hộ gia đình sử dụng nhiều hơn khoản tiền tiết kiệm của họ.
EC vừa dự báo kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng 2,6% trong năm 2022, thấp hơn so với mức 2,7% được đưa ra vào tháng năm.
EC nhận định Eurozone sẽ không rơi vào suy thoái và các con số dự báo trên có thể cải thiện, nếu xu thế giá dầu và hàng hóa tiêu dùng tiếp tục đà giảm như thời gian gần đây.