Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 12 - 24 tháng đã được nhiều nhà băng điều chỉnh trên 10%/năm. Theo các ngân hàng, việc tăng lãi suất trong bối cảnh tỷ lệ dự trữ tăng lên gấp đôi và nhiều biện pháp thắt chặt tiền tệ được ban hành, chẳng hạn như Chỉ thị 03, khuyến cáo trong cho vay bất động sản… là bài toán hết sức khó khăn. Nhưng nếu không tăng lãi suất huy động, ngân hàng sẽ khó chủ động được nguồn cung phục vụ mùa cao điểm cuối năm, vì cung tiền đồng có dấu hiệu khan hiếm trong quý IV/2007, kéo theo lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng gia tăng.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hạn chế mua USD để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát đang ngày một gia tăng. So với tháng 12/2006, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của năm 2007 đã tăng đến mức kỷ lục 12,63%. Theo các chuyên gia kinh tế, hàng loạt nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng giá, tình trạng lạm phát tăng ngoài mức dự đoán, nhưng yếu tố chính làm lạm phát gia tăng vẫn là từ nguồn cung tiền tệ quá lớn. Để kiềm chế lạm phát, NHNN đã đưa ra nhiều biện pháp thắt chặt tiền tệ trong thời gian qua, nhưng hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn, nhiều chuyên gia đánh giá, các biện pháp vẫn chưa thực sự phù hợp. Mặt khác, nền kinh tế chưa hấp thụ tốt dòng vốn ngoại, trong khi nguồn vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục gia tăng. Ngoài ra, giá cả nguyên vật liệu nhập khẩu năm sau thường cao hơn năm trước. Do đó, hầu hết dự báo mức tăng CPI năm 2008 sẽ từ 8,2 - 8,5% so với năm 2007 hoặc cao hơn.
Trước diễn biến này, các chuyên gia trong ngành tài chính cho rằng, lãi suất tiết kiệm khó đứng yên trong thời gian tới, nhiều khả năng sẽ gia tăng theo tốc độ tăng trưởng nhanh của lạm phát. Nếu ngân hàng không tăng lãi suất sẽ khó thu hút được nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư, vì lạm phát tăng cao người gửi tiết phải chịu lãi suất âm. Điều này đã xảy ra trong quý III/2007 khi lạm phát tăng cao, trong khi lãi suất tiết kiệm bị cắt giảm do ảnh hưởng từ tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng lên gấp đôi. Hiện lãi suất trên thị trường đang "nóng" dần trở lại, bên cạnh đó là các ngân hàng triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, dự thưởng để thu hút người gửi tiền. Tuy nhiên, vốn huy động tại ngân hàng trong thời điểm cuối năm có dấu hiệu chững lại, do nhu cầu chi tiêu cho mùa lễ, tết tăng mạnh.
Trong khi một phần vốn của nhà băng phải "chôn" vào ngoại tệ, chưa thể giải ngân vì đầu vào USD tăng, nhưng chưa có đầu ra, thì cung tiền đồng vẫn trong tình trạng thiếu, buộc ngân hàng phải gia tăng lãi suất đầu vào để điều chỉnh cung - cầu. Sức nóng của lãi suất đang lan tỏa và ảnh hưởng đến người vay vốn. Theo nguyên lý, lãi suất cho vay sẽ theo hướng tăng lên cùng lãi suất huy động. Giá cả tiêu dùng từ đó được doanh nghiệp điều chỉnh tăng, khiến lạm phát tăng.
Mới đây, Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) đã có văn bản khuyến cáo các ngân hàng hội viên không nên điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi, gián tiếp làm nóng thị trường, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến hoạt động của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Thế nhưng, phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho rằng, khác với trước đây, hiện ngân hàng rất khó khăn trong việc điều chỉnh lãi suất đầu ra.
Thị trường ngày càng có sự cạnh tranh mạnh giữa các ngân hàng trong nước cũng như giữa ngân hàng nội với ngân hàng ngoại nên lãi suất đầu ra không được tăng mạnh mới có thể thu hút được người vay vốn. Vòng xoáy lãi suất đang làm nhiều ngân hàng đau đầu, phải cân nhắc làm thế nào để có thể tiết giảm chi phí, trong đó có phương án giảm lãi suất huy động nhưng vẫn giữ được chân khách hàng, nhất là trong bối cảnh thị trường ngày càng xuất hiện nhiều kênh đầu tư có mức sinh lời hấp dẫn hơn, như chứng khoán, vàng… Tuy nhiên, so với các kênh đầu tư khác, gửi tiền vào ngân hàng có độ an toàn cao nên vẫn thu hút được nhiều người bỏ vốn.