Vốn xanh: Cơ hội rộng mở

(ĐTCK) Huy động vốn dưới hình thức tín dụng xanh, các doanh nghiệp được hưởng nhiều ưu đãi từ bên cấp tín dụng.
Tín dụng xanh giúp các doanh nghiệp thực hiện dự án, chương trình có tác động tích cực đến môi trường

Đối tượng và ưu đãi

Chính phủ đã cam kết tại COP 26 và khẳng định tại COP 28 rằng, Việt Nam hướng tới phát triển bền vững và tham gia vào việc ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, đặt mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050, tương đồng với các nền kinh tế có trình độ phát triển cao trên thế giới.

Theo đó, các doanh nghiệp lớn có mức phát thải cao như sản xuất xi măng, sắt thép, nhiệt điện, dệt may, sản xuất hàng xuất khẩu đã và đang chuyển đổi sản xuất - kinh doanh để hướng tới phát triển bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn xanh và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Nhằm có nguồn vốn đầu tư vào các dự án, mua sắm máy móc, thiết bị và công nghệ mới để sản xuất sạch hơn, bảo vệ môi trường tốt hơn và quản lý tài nguyên hiệu quả, nhiều doanh nghiệp chú trọng huy động vốn xanh dưới hình thức khoản vay xanh và trái phiếu xanh (sau đây gọi chung là tín dụng xanh).

Đối tượng có thể huy động vốn tín dụng xanh bao gồm các doanh nghiệp thực hiện các dự án, chương trình có tác động tích cực đến môi trường như: năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió, thủy điện nhỏ, điện rác, điện sinh khối); tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng (các nhà máy sản xuất có sử dụng thiết bị tiết kiệm hoặc hiệu quả năng lượng, sản xuất xe điện, trạm sạc điện); xử lý nước và sản xuất nước sạch; nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản bền vững; tòa nhà xanh, cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường; xử lý và tái chế chất thải (xử lý rác thải, nước thải)…

Huy động vốn dưới hình thức tín dụng xanh, doanh nghiệp được hưởng nhiều ưu đãi từ bên cấp tín dụng, nhà đầu tư trái phiếu như: lãi suất vay thấp hơn khoản vay thông thường từ 0,05 - 1,0%/năm; lãi suất trái phiếu cố định với thời hạn trái phiếu dài; được miễn giảm hoặc áp dụng phí ưu đãi; được cấp chứng nhận phát triển bền vững và/hoặc chứng chỉ xanh, phục vụ cho hoạt động xuất khẩu; được ưu đãi thuế khi xuất khẩu vào các thị trường như EU; được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (thường là miễn thuế trong 4 năm đầu, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo, hoặc 10% trong 15 năm đầu tiên kể từ khi dự án có thu nhập chịu thuế); tăng cường uy tín và hình ảnh trên thị trường quốc tế, giúp cho việc huy động vốn trở nên dễ dàng hơn, đa dạng hóa nguồn vốn huy động.

Các tiêu chuẩn cần đáp ứng

Nguồn vốn từ khoản vay xanh, trái phiếu xanh giúp doanh nghiệp đầu tư vào các dự án, mua sắm máy móc, thiết bị và công nghệ mới để sản xuất sạch hơn, bảo vệ môi trường tốt hơn và quản lý tài nguyên hiệu quả.

Việc huy động vốn xanh đòi hỏi các doanh nghiệp, các công ty dự án phải xây dựng chính sách, quy trình nội bộ về hệ thống sức khỏe, an toàn, môi trường, xã hội (HSES) theo tiêu chuẩn của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Ngân hàng Thế giới và/hoặc tiêu chuẩn của các tổ chức đa phương và thực hiện theo các quy trình này. Quy trình cần được một tổ chức độc lập thẩm định, xác minh, đánh giá tính toàn vẹn về HSES và sự phù hợp của khoản vay xanh hoặc trái phiếu xanh, với các tiêu chuẩn hoặc khuôn khổ xanh được công nhận.

Cụ thể, đối với khoản vay xanh, doanh nghiệp phải đáp ứng Nguyên tắc Khoản vay xanh (Green Loan Principles - GLP), Khoản vay xã hội (Social Loan Principles - SLP) và/hoặc Khoản vay liên kết bền vững (Sustainability Linked Loan Principles - SLLP) do Hiệp hội Thị trường vay (Loan Market Association - LMA), Hiệp hội Kinh doanh vốn và cho vay hợp vốn (Loan Syndications and Trading Association - LSTA), Hiệp hội Thị trường vay châu Á - Thái Bình Dương (Asia Pacific Loan Market Association - APLMA) ban hành.

Đối với trái phiếu xanh, doanh nghiệp phải đáp ứng Nguyên tắc Trái phiếu xanh, Nguyên tắc Bền vững của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA) ban hành.

Từ năm 2018, Bộ Tài chính đã ban hành Khung trái phiếu xanh, hướng dẫn các tổ chức phát hành trái phiếu xanh phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế (ICMA).

Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành các thông tư quy định và hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động cho vay phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững.

Các tổ chức tài chính đa phương như IFC, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã tích cực hỗ trợ cho Việt Nam trong việc xây dựng các văn bản pháp luật, thực thi các sáng kiến về khoản vay xanh, trái phiếu xanh.

Hiện nay, các ngân hàng thương mại lớn tại Việt Nam như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Techcombank, VPbank, MUFG... đã thành lập phòng/ban phát triển bền vững (ESG) hoặc tài chính xanh (Green Finance), cung cấp dịch vụ tư vấn và hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xây dựng các quy trình nội bộ để đạt được các tiêu chuẩn xanh và có thể huy động tín dụng xanh.

Các ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính đa phương như ADB, IFC, GuarantCo, CGIF và các định chế đầu tư trái phiếu như công ty bảo hiểm phi nhân thọ đã tham gia cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu xanh và hướng tới việc cấp tín dụng xanh cho các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Một số giao dịch tín dụng xanh

- Trái phiếu xanh 875,1 tỷ đồng kỳ hạn 20 năm phát hành năm 2024 bởi Công ty TNHH Nước sạch Hòa Bình Xuân Mai tài trợ việc xây dựng nhà máy xử lý nước và cung cấp nước sạch cho địa bàn TP Hà Nội và Hòa Bình.

- Trái phiếu xanh 1.000 tỷ đồng kỳ hạn 8 năm phát hành năm 2024 bởi Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I tài trợ cho các dự án thúc đẩy nuôi trồng và sản xuất cá tra bền vững, thân thiện với môi trường.

- Trái phiếu xanh 2.000 tỷ đồng kỳ hạn 2 năm phát hành năm 2024 bởi Vietcombank.

- Trái phiếu xanh 3.000 tỷ đồng phát hành năm 2024 và 2.500 tỷ đồng phát hành năm 2023 kỳ hạn 5 năm phát hành bởi BIDV.

- Trái phiếu xanh 3.000 tỷ đồng kỳ hạn 2 năm, 3 năm và 5 năm phát hành năm 2024 bởi HDBank.

- Khoản vay xanh 400 triệu USD cấp năm 2021 cho Công ty cổ phần Sản xuất và Kinh doanh VinFast phát triển các dòng xe điện và hạ tầng liên quan.

- Khoản vay xanh trị giá 160,5 triệu USD cấp bởi ADB, Quỹ cơ sở hạ tầng khu vực tư nhân châu Á và một số ngân hàng thương mại Thái Lan cho dự án Điện mặt trời Dầu Tiếng - Tây Ninh năm 2021.

- Khoản vay xanh trị giá 173 triệu USD do ADB thu xếp, bảo lãnh và cho vay cùng một số ngân hàng thương mại nước ngoài năm 2021 cho Công ty cổ phần Điện gió Liên Lập, Công ty cổ phần Điện gió Phong Huy và Công ty cổ phần Điện gió Phong Nguyên.

- Khoản vay xanh trị giá 57 triệu USD do Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) tài trợ dự án Điện gió của Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình năm 2021.

Vương Thị Huyền
Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Giải pháp Fast Capital

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục