Vốn tín dụng chảy vào trái phiếu chưa đáng ngại

(ĐTCK) Tính đến ngày 24/9, tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đạt khoảng 6,7%, trong khi chỉ tiêu đưa ra cho cả năm là 12 - 14%.

Tín dụng tăng thấp, nhiều nhà băng đẩy mạnh mua trái phiếu chính phủ, khiến nhiều người lo ngại vốn sẽ không ra được nền kinh tế. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế - tài chính, điều đó không đáng ngại.

Theo TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), việc ngân hàng tập trung đẩy mạnh đầu tư trái phiếu chính phủ (TPCP) cũng phần nào cho thấy mặt tích cực của chính sách tiền tệ thể hiện ở việc thanh khoản của các NHTM tốt lên.

Để khơi thông được dòng chảy vốn không chỉ cần từ một phía ngân hàng, mà đòi hỏi có sự nỗ lực từ cả DN. Lãi suất hiện nay không còn là vấn đề lớn đối với DN, cái khó chính là sức mua yếu, tồn kho chưa giảm, nên nhu cầu vốn DN chưa tăng. Bên cạnh đó, nợ xấu vẫn là gánh nặng cho ngân hàng và người vay.

TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, việc ngân hàng rót vốn vào TPCP, đồng nghĩa việc kênh huy động vốn cho ngân sách nhà nước thuận lợi hơn, tạo ra khả năng tăng trưởng cho nền kinh tế, đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, đầu tư TPCP trước mắt sẽ không kỳ vọng tạo được hàng hóa và giá trị thặng dư cao ngay cho nền kinh tế.

“Ngân hàng rót vốn vào kênh trái phiếu cũng phần nào tháo gỡ khó khăn, bởi nếu huy động vốn thừa mà không cho vay ra được ngân hàng cũng sẽ chết”, TS. Kiêm nói.

Ở góc độ các NHTM, việc đầu tư vào TPCP được xem là giải pháp an toàn, kể cả khi lãi suất TPCP thấp hơn nhiều so với lãi suất huy động vốn tiết kiệm và lãi suất tiền gửi liên ngân hàng.

“Thanh khoản của ngân hàng đang dôi dư, trong khi rủi ro nợ xấu gia tăng, để tăng trưởng tín dụng thì trái phiếu vẫn là lựa chọn khả thi nhất”, Phó tổng giám đốc một ngân hàng chia sẻ đồng thời cho rằng, nguồn vốn tín dụng chảy vào TPCP sẽ giúp tăng nguồn ngân sách, tạo điều kiện tốt hơn trong việc xây dựng cầu, đường, các dự án đầu tư công… Điều quan trọng là phải làm thế nào để nguồn vốn đó được đầu tư một cách hiệu quả, cơ hội tài trợ tín dụng của ngân hàng cao hơn. Khi đó, vốn ngân hàng chảy vào trái phiếu hay ra nền kinh tế đều như nhau.

Báo cáo tài chính 2 quý đầu năm của các ngân hàng cho thấy, tổng số dư tự doanh và đầu tư chứng khoán của nhiều ngân hàng tiếp tục tăng, trong đó chủ yếu dồn vào kênh trái phiếu. Vietinbank trong 6 tháng đầu năm tăng thêm 29.698 tỷ đồng, tương đương mức tăng 35,7%, đa phần là vào TPCP và tín phiếu. Tương tự, tổng danh mục tự doanh và đầu tư của Vietcombank tăng thêm 26.805 tỷ đồng (tăng 41,4%), cũng chủ yếu được dồn vào các công cụ nói trên…

Đánh giá về vấn đề này, nhiều chuyên gia lĩnh vực tiền tệ cho rằng, ngân hàng đẩy mạnh vốn vào trái phiếu chưa phải là điều đáng lo, vì dòng chảy tín dụng nghẽn do lực cầu thị trường yếu. Vì thế, không nên giảm mạnh lãi suất trái phiếu so với hiện nay. Song cũng phải nhìn nhận, NHTM đổ xô mua trái phiếu cũng không phải là giải pháp tốt, bởi vai trò của NHTM là huy động vốn về phải đẩy mạnh cho vay, đưa vốn ra nền kinh tế, hỗ trợ DN sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm cho xã hội, tạo sức mua, chứ không phải huy động vốn chỉ để mua trái phiếu, dẫn đến nguồn vốn đưa ra cho DN không nhiều.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục