Vốn ODA đóng vai trò trọng yếu nâng tầm bộ mặt giao thông

Các dự án hạ tầng quy mô lớn sử dụng vốn vay ODA trong lĩnh vực đường bộ cao tốc đang sắm vai trò là đầu tàu dẫn dắt mới công tác giải ngân nguồn vốn này. Tuy nhiên, trong số 39 dự án ODA giao thông đang được triển khai, hiện có 18 dự án được xếp loại tốt, 9 dự án loại khá, 4 dự án trung bình và 8 dự án kém
Nhiều dự án, trong đó có cầu Nhật Tân, đang được thi công gấp để đưa vào khai thác đầu năm 2015 Nhiều dự án, trong đó có cầu Nhật Tân, đang được thi công gấp để đưa vào khai thác đầu năm 2015

Điểm sáng

Với việc Gói thầu A22, Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành được Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) trao cho liên danh nhà thầu Samwhan - Vạn Cường vào giữa tuần này, chủ đầu tư dự án đường cao tốc này đang đứng trước cơ hội lớn để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn vay ODA trong năm 2014.

Không chỉ có được khoản giải ngân kha khá cho khoản tạm ứng (15% giá trị hợp đồng), với việc Gói thầu A22 còn được khởi công ngay trong tháng 12/2014, VEC sẽ hoàn thành mục tiêu khởi công những gói thầu xây lắp đầu tiên của cả hai hợp phần vay vốn ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) của Dự án, như cam kết với các nhà tài trợ.

Ngoài Gói thầu A22, nếu công tác thẩm định của nhà tài trợ được đẩy nhanh hơn, VEC có thể trao thêm ít nhất 3 gói thầu xây lắp nữa trước khi những ngày cuối cùng của năm 2014 khép lại. Trước đó, tháng 7/2014, chỉ sau gần 2 năm chuẩn bị ráo riết, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 57,1 km, quy mô 4 làn xe, có tổng mức đầu tư 1,6 tỷ USD đã được khởi công.

“Với những bước chạy đà thuận lợi như: vốn sẵn, mặt bằng không bị vướng, nhà thầu được lựa chọn kỹ…, tuyến cao tốc có vai trò kết nối miền Tây và Đông Nam Bộ sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017”, ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc VEC cho biết.

Theo đánh giá của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), với việc đưa vào khai thác toàn tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai có tổng mức đầu tư hơn 31.000 tỷ đồng; phần lớn tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và đưa vào quỹ đạo quá trình thi công tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi trong năm 2013, VEC đang là đầu tàu chính, chiếm hơn 33% sản lượng giải ngân vốn vay ODA của toàn ngành GTVT.

Ngoài các dự án đường bộ cao tốc, các công trình hạ tầng lớn khác như Nhà ga cảng hàng không quốc tế T2 Nội Bài; cầu Nhật Tân; đường nối Nhật Tân - Nội Bài... đang được thi công 24h/24h để có thể đồng loạt hoàn thành vào ngày 31/12/2014; đưa vào khai thác vào ngày 6/1/2015.

Bên cạnh đó, nhờ sự “ra roi” quyết liệt, sẵn sàng thay thế các nhà thầu yếu kém, kể cả các nhà thầu nổi tiếng nước ngoài nhưng đột ngột đổ bệnh..., tiến độ các dự án ODA từng bị nhà tài trợ phát tín hiệu báo động đỏ đã có cải thiện đáng kể như: Dự án Phát triển giao thông vận tải khu vực Đồng bằng Bắc Bộ; Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long; Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông; Dự án Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

“Với quy mô vốn rất lớn, sức lan tỏa cao, nếu hoàn thành đúng tiến độ, các dự án đường bộ cao tốc, đường sắt đô thị cũng có thể tạo ra xung lực tốt, góp thêm những động lực đáng kể thúc đẩy kinh tế cả nước tăng trưởng”, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đánh giá.

Đây cũng là lý do mà dù năm kế hoạch 2014 còn gần 1 tháng nữa, Bộ GTVT đã có thể thông báo kỷ lục giải ngân vốn ODA với việc vượt 1.261% kế hoạch (30.000 tỷ đồng/2.467 tỷ đồng).

Điểm hạn chế

Được biết, kết quả trên khá sát với đánh giá tại Báo cáo của Chính phủ công bố tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam 2014 (VDPF) diễn ra hôm nay. Theo đó, các lĩnh vực như giao thông, năng lượng điện, phát triển đô thị, nông nghiệp và phát triển nông thôn có tiến độ thực hiện tốt hơn nhiều so với các lĩnh vực khác.

Trong số 39 dự án ODA giao thông đang được triển khai, hiện có 18 dự án được xếp loại tốt, 9 dự án loại khá, 4 dự án trung bình và 8 dự án kém. Tuy nhiên, kết quả triển khai dự án ODA giao thông lẽ ra sẽ có kết quả tốt hơn, nếu những khiếm khuyết mang tính cố hữu từng được các nhà tài trợ yêu cầu khắc phục sớm.

Đầu tiên là việc tách chuyển tiểu dự án giải phóng mặt bằng về cho các địa phương đã giảm nhẹ công việc của chủ đầu tư là các cơ quan trung ương, Ban quản lý dự án, nhưng thực tế tiến độ không nhanh hơn, vì nhiều địa phương còn lúng túng trong tổ chức bộ máy... Kết quả kiểm tra của Bộ GTVT cho thấy, hầu hết các dự án ODA trọng điểm đều chậm tiến độ từ 6 tháng đến 2 năm, mà nguyên nhân chủ yếu là do ách tắc trong giải phóng mặt bằng.

Căn bệnh thiếu vốn đối ứng tiếp tục có dấu hiệu trầm trọng thêm. Cụ thể, năm 2014, Bộ GTVT được giao 2.555 tỷ đồng (trong đó có 636 tỷ đồng trả nợ ứng trước), trong khi tổng nhu cầu vốn đối ứng cho các dự án giao thông là 10.703 tỷ đồng. Nếu không được cải thiện sớm, việc thiếu vốn đối ứng sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng, làm chậm quá trình triển khai các gói thầu xây lắp chính tại các dự án ODA.

“Nếu được đáp ứng đủ nguồn vốn đối ứng, các dự án ODA giao thông nhiều khả năng sẽ giải ngân được khoảng 90.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2015 - 2016, tạo được một lượng lớn công ăn việc làm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội”, Bộ trưởng Thăng cho biết thêm.

Anh Minh
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục