Vốn nội và vốn ngoại sẽ quay lại thị trường chứng khoán năm 2025

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo các chuyên gia, có nhiều yếu tố thuận lợi để dòng tiền cả từ khối nội và khối ngoại quay trở lại thị trường chứng khoán năm 2025.
Vốn nội và vốn ngoại sẽ quay lại thị trường chứng khoán năm 2025

Vốn nội chưa có kênh đầu tư hấp dẫn hơn

Theo CTCK ABS, trong bối cảnh lãi suất vẫn ở vùng thấp kỷ lục và không có nhiều các kênh đầu tư thay thế, dự kiến dòng tiền nội sẽ tham gia tích cực vào thị trường chứng khoán năm 2025.

Cụ thể, mức lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm hiện tại phổ biến trong khoảng 4,6- 5,4%/năm, tương đương P/E 18,5-21,7x, cao hơn mức định giá của VN-Index. Ngoài ra, xu hướng lãi suất dự kiến sẽ chưa tăng mạnh trong ít nhất nửa đầu năm 2025 do nhu cầu tín dụng chưa hồi phục ngay. Trong khi đó, với việc tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp dự kiến cải thiện trong 2025, kênh gửi tiền tiết kiệm sẽ càng sinh lời kém hơn so với đầu tư cổ phiếu.

Xu hướng lãi suất dự kiến sẽ chưa tăng mạnh trong ít nhất nửa đầu năm 2025

Xu hướng lãi suất dự kiến sẽ chưa tăng mạnh trong ít nhất nửa đầu năm 2025

Tại thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Luật Chứng khoán sửa đổi đã điều chỉnh một số điều luật, dự kiến sẽ có thêm nhiều cơ hội phát hành mới ra công chúng, tuy nhiên còn cần chờ các Nghị định 153 và 155 được sửa đổi để có thêm nhiều trái phiếu doanh nghiệp tốt có thể được chào bán cho công chúng đầu tư.

Với thị trường bất động sản, hiện tại chưa thu hút nhà đầu tư cá nhân do một lượng vốn lớn đọng ở bất động sản, mặt bằng giá cao và tín dụng bất động sản chưa được khơi thông. Các bộ luật mới đi vào thực tiễn, nguồn cung căn hộ sẽ cải thiện trong khi chi phí phát triển quỹ đất sẽ tăng mạnh khiến dư địa tăng giá phân khúc này sẽ hạn chế. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp sẽ phải giảm giá bán bất động sản để nhanh chóng cải thiện dòng tiền trước kỳ đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp năm 2025, có thể lượng cung bất động sản thứ cấp tăng cao.

Với thị trường vàng, lãi suất toàn cầu dự báo giảm dần cộng với việc các bất ổn địa chính trị vẫn còn kéo dài, đây vẫn là kênh đầu tư thu hút vốn nhà đầu tư cá nhân trong năm 2025. Trong khi đó, thị trường tiền kỹ thuật số đã tăng giá quá mạnh cuối 2024 và hiện đang không còn ở vùng giá an toàn cho nhà đầu tư mua mới.

Theo số liệu của ABS, dư nợ cho vay của các CTCK cuối quý III/2024 đạt gần 237 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh 29,8% so với đầu năm. Tỷ lệ dư nợ cho vay/Vốn hóa toàn thị trường đã tăng tương ứng từ mức 3,5% lên 4,51%, là mức cao kỷ lục trong 4 năm trở lại đây. Tuy nhiên, dư địa các CTCK cho vay ký quỹ còn rất lớn vì số dư cho vay mới chỉ tương đương 88% vốn chủ sở hữu của ngành, thấp hơn nhiều mức tối đa được phép là 200%.

Cùng chung quan điểm, KBSV cho rằng Việt Nam sẽ duy trì mặt bằng lãi suất thấp theo xu hướng cắt giảm lãi suất toàn cầu cùng áp lực tỷ giá kỳ vọng không quá căng thẳng, qua đó kích thích nhu cầu đầu tư chứng khoán khi kênh tiền gửi không đem lại lợi nhuận đủ hấp dẫn.

Nâng hạng hấp dẫn vốn ngoại

Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng trong năm 2024 trước áp lực tỷ giá cùng lợi nhuận kỳ vọng ở mức cao tại các thị trường phát triển như Mỹ. Tuy nhiên, dòng tiền ngoại sẽ sớm quay trở lại Việt Nam trong bối cảnh nền định giá thấp cùng tác động tích cực từ việc nâng hạng thị trường.

Giao dịch mua bán ròng khối ngoại giai đoạn 2017 - 2024
Giao dịch mua bán ròng khối ngoại giai đoạn 2017 - 2024

KBSV kỳ vọng thị trường Việt Nam sẽ được quyết định nâng hạng theo đánh giá của FTSE Russell trong kỳ tháng 9/2025 và chính thức được thêm vào rổ chỉ số thị trường mới nổi của FTSE trong năm 2026, qua đó đem lại các tác động tích cực lên dòng vốn ngoại chảy vào thị trường Việt Nam.

Theo ước tính của KBSV, sau khi nâng hạng, Việt Nam có thể đón nhận khoảng 36.000 tỷ đồng vốn ngoại từ các quỹ ETF mô phỏng chỉ số thị trường mới nổi của FTSE (khoảng 1,5% tổng quy mô tài sản các quỹ ETF này) và khoảng 100.000 tỷ đồng vốn từ các quỹ thụ động và chủ động với danh mục lựa chọn trong rổ thị trường mới nổi FTSE (khoảng 1% tổng quy mô tài sản các quỹ này).

Trong khi đó, ABS dự báo, dòng vốn ngoại đầu tư gián tiếp vào thị trường Việt Nam sẽ cải thiện mạnh mẽ, nhất là vào nửa cuối năm 2025. Các luận điểm được đưa ra bao gồm: Thứ nhất, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, VN-Index hiện đang giao dịch với P/E thấp hơn trung bình, mặc dù lạm phát và lãi suất cao hơn, trong khi triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của VN-Index vẫn ở mức tích cực, với tăng trưởng GDP dự báo cao nhất khu vực trong 2025.

VN-Index hiện đang giao dịch với P/E thấp hơn trung bình khu vực Đông Nam Á

VN-Index hiện đang giao dịch với P/E thấp hơn trung bình khu vực Đông Nam Á

Thứ hai, năm 2025, Mỹ và EU sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, dù lãi suất tại Mỹ vẫn ở mức cao nhưng xu hướng sẽ là giảm cả sang các năm sau. Trong khi đó, Trung Quốc đã và đang thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, tăng cung tiền. Chênh lệch lãi suất giữa USD và VND sẽ được thu hẹp dần.

Thứ ba, các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam và vận hành hệ thống giao dịch KRX là yếu tố hấp dẫn dòng tiền nhanh từ các quỹ ETF trong ngắn hạn. Triển vọng Việt Nam được FTSE nâng hạng lên “Thị trường mới nổi” trong kỳ xem xét tháng 9/2025 sẽ khiến thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với NĐT ngoại.

Thứ tư, triển vọng Việt Nam phát triển mạnh ngành công nghệ thông tin đã đưa đến các giải pháp mới như chứng chỉ lưu ký quốc tế DR “FPTVN19” chính thức được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan (SET) ngày 12/12/2024, mở ra cơ hội đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư Thái Lan vào Tập đoàn FPT, tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục