Vốn Nhật tăng giải ngân vào TTCK Việt Nam

(ĐTCK) “Vốn đầu tư của Nhật Bản đang gia tăng các hoạt động tìm kiếm, giải ngân vào các DN Việt Nam, trong đó có các DN niêm yết, các CTCK…”, ông Kiyoto Koyama, đại diện Quỹ Phát triển Đông Nam Á - Nhật Bản, Ngân hàng Phát triển Nhật Bản (DBJ) trao đổi với ĐTCK.
Quỹ Phát triển Đông Nam Á - Nhật Bản vừa mua 195 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi của FECON Quỹ Phát triển Đông Nam Á - Nhật Bản vừa mua 195 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi của FECON

Được biết, mới đây, Quỹ Phát triển Đông Nam Á - Nhật Bản vừa giải ngân 195 tỷ đồng để đầu tư vào đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi năm 2014 của CTCP Kỹ thuật nền móng và công trình ngầm FECON. Sau thương vụ này, ông có thể cho biết, tổng giá trị đầu tư mà Quỹ rót vào Việt Nam đến thời điểm này là bao nhiêu?

Quỹ Phát triển Đông Nam Á - Nhật Bản được thành lập năm 2011, thuộc Ngân hàng Phát triển Nhật Bản (DBJ), là ngân hàng do Chính phủ Nhật Bản sở hữu 100% vốn, với tổng tài sản lên đến 172 tỷ USD. Tại trị trường Việt Nam, DBJ đã có quan hệ từ những năm 1990. Trong những năm gần đây, Quỹ luôn tích cực và ưu tiên cung cấp các khoản tài trợ dưới hình thức cho vay và đầu tư cổ phần vào các DN Việt Nam. Đến nay, tuy tổng giá trị đầu tư vào Việt Nam chưa lớn, khoảng 30 triệu USD, nhưng đây đang là giai đoạn Quỹ tăng cường các hoạt động giải ngân vào thị trường Việt Nam. Bởi vậy, số vốn này sẽ gia tăng đáng kể trong thời gian tới. Trong tổng số vốn mà Quỹ đã giải ngân vào thị trường Việt Nam đến thời điểm này, chúng tôi đã dành một khoản đầu tư vào CTCK Việt Nam.

Ông có thể tiết lộ đó là CTCK nào, giá trị đầu tư là bao nhiêu?

Theo thỏa thuận với đối tác, chúng tôi chưa thể tiết lộ chi tiết về khoản đầu tư này. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy cơ hội đầu tư vào CTCK Việt Nam hiện khá hấp dẫn, nên sẽ theo dõi sát diễn biến của thị trường, để không bỏ lỡ cơ hội đầu tư vào lĩnh vực còn nhiều tiềm năng phát triển này. Trong đó, nhất là phân khúc khách hàng nước ngoài, mà các CTCK Việt Nam hiện chưa nhiều kinh nghiệm khai thác đối tượng khách hàng này.

Ngoài lĩnh vực chứng khoán, Quỹ Phát triển Đông Nam Á Nhật Bản dành ưu tiên giải ngân vào các DN niêm yết hay chưa niêm yết, thưa ông?

Chúng tôi không đặt ra hạn chế đầu tư vào DN niêm yết hay chưa niêm yết, mà khi có cơ hội tốt sẽ xem xét rót vốn đầu tư vào cả hai loại hình DN này. Có 3 tiêu chí quan trọng mà Quỹ thường xuyên xem xét khi cân nhắc quyết định đầu tư vào một DN Việt Nam. Thứ nhất, là nghiên cứu kỹ lưỡng, toàn diện về triển vọng, cũng như tiềm năng phát triển của từng ngành, lĩnh vực kinh doanh cụ thể. Thứ hai, đặt trong bối cảnh các ngành này, Quỹ sẽ lựa chọn các DN chiếm thứ hạng cao về hiệu quả kinh doanh, uy tín thương hiệu, cũng như triển vọng duy trì và củng cố thứ hạng cao trong nhóm DN đứng đầu trong ngành đó. Thứ ba, khi một DN thỏa mãn đồng thời hai tiêu chí vừa nêu, chúng tôi sẽ căn cứ vào yếu tố thứ ba là mối quan hệ của chúng tôi với lãnh đạo DN Việt Nam đã đạt đến tầm tin cậy, thấu hiểu sâu sắc lẫn nhau chưa, để đưa ra quyết định giải ngân.

Hoạt động đầu tư của Quỹ không chỉ dừng lại ở đầu tư tài chính, mà còn cam kết hỗ trợ các đối tác là DN Việt Nam nâng cao năng lực quản trị, mở rộng thị trường và tăng cường mối quan hệ với các NĐT Nhật Bản, nhất là trong các dự án hạ tầng, các dự án FDI tại Việt Nam. Để gia tăng giá trị cho các khoản đầu tư, chúng tôi sẵn sàng giới thiệu cho đối tác Việt Nam các đối tác tin cậy, hàng đầu của Nhật Bản trong cùng lĩnh vực sản xuất - kinh doanh. Qua đó, giúp các đối tác Việt Nam thuận lợi trong tiếp cận, nhận chuyển giao các công nghệ hiện đại, tiên tiến từ Nhật Bản.

Ông có thể tiết lộ kế hoạch giải ngân của Quỹ vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới?

Thực ra, chúng tôi không chịu sự khống chế quá cứng về hạn mức đầu tư vào thị trường Việt Nam. Điều quan trọng là có tìm được đối tác đầu tư thỏa mãn các tiêu chí như tôi đề cập ở trên, để đưa ra quyết định đầu tư hay không.

Tại Việt Nam, chúng tôi đang đầu tư khá thành công tại nhiều DN hoạt động trong các lĩnh vực: vật liệu xây dựng, phát triển phần mềm, phát triển hạ tầng… Ngoài việc tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư trong các lĩnh vực này, chúng tôi đang tập trung tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào các DN hoạt động trong những lĩnh vực, mà các DN Nhật Bản đang có nhu cầu gia tăng hợp tác với các DN Việt Nam..

Hữu Đạo

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục