Vốn ngoại trợ lực thị trường chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Động thái mua ròng trở lại của khối ngoại đang tiếp sức tích cực cho tâm lý nhà đầu tư nội khi thị trường phải đối mặt với nhịp điều chỉnh trước áp lực chốt lời tại những ngưỡng kháng cự mới.

Thị trường chứng khoán tiếp tục thu hút các nhà đầu tư đến mở tài khoản và giao dịch. Thị trường chứng khoán tiếp tục thu hút các nhà đầu tư đến mở tài khoản và giao dịch.

Xu thế mua ròng từ cuối tháng 11

Sau khi bán ròng mạnh trong tháng 10 và nửa đầu tháng 11, bắt đầu từ cuối tháng 11 và sang đầu tháng 12, khối ngoại đã trở lại mua ròng khá mạnh.

Thống kê cho thấy khối ngoại đã mua ròng bằng phương pháp khớp lệnh khoảng 1.068 tỷ đồng trên HOSE trong 5 phiên đầu tháng 12/2020 (đề cập đến giao dịch khớp lệnh vì có giao dịch bán ròng lớn cổ phiếu DIG đầu tháng 12 liên quan đến việc Quỹ Dragon Capital thoái vốn).

Đây có thể xem là một yếu tố tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư nội địa, bởi lẽ khi thị trường vượt các mức kháng cự mạnh (VN-Index vượt 1.000 điểm), khối ngoại đã trở lại mua ròng.

Dù vậy, để dự đoán chính xác và có cơ sở, cần phân tách ra các nguyên nhân phổ biến thúc đẩy khối ngoại thực hiện hoạt động mua - bán.

Trước hết là hoạt động bán, thực tế có nhiều nguyên nhân như do sự biến động chung của TTCK thế giới, khi đó thị trường sở tại của các nhà đầu tư có thể cũng biến động và khả năng khác là nhà đầu tư ngoại bán do TTCK Việt Nam không còn là điểm đến hấp dẫn trong con mắt của họ.

Một nguyên nhân khác có thể khiến khối ngoại bán ra là khi thị trường Việt Nam tới các điểm nhạy cảm, khi đó họ trading như nhà đầu tư trong nước và thực hiện bán thoái vốn, chốt lãi/thanh lý một khoản đầu tư lớn (làm deal) hoặc đóng quỹ.

Như vậy, có thể nhìn nhận, trong tháng 10 và 11, khối ngoại bán mạnh vì các yếu tố kinh tế và địa chính trị trên thế giới biến động nhiều hơn là lý do trong nước, đỉnh cao là những phức tạp trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và làn sóng Covid-19 trở lại vượt tầm kiểm soát của nhiều quốc gia.

Còn về các yếu tố trong nước, nguy cơ rủi ro với nền kinh tế Việt Nam không cao, thậm chí ngày càng giảm, điều này có được một phần rất lớn do chúng ta kiểm soát rất tốt dịch bệnh.

Chỉ số VIX và CDS giảm dần cho thấy rủi ro giảm.

Chỉ số VIX và CDS giảm dần cho thấy rủi ro giảm.

Như vậy, sau khi thực hiện bán do thị trường tới các điểm nhạy cảm, khối ngoại cũng định thời điểm thị trường và trading như nhà đầu tư trong nước.

Lý do này chuyển sang tích cực khi chỉ số VN-Index vượt ngưỡng 1.000 điểm khiến tâm lý chung cả khối nội và ngoại khi giao dịch là tích cực và một điểm đang lưu ý mang tính chu kỳ, đó là khối ngoại (đặc biệt là các ETFs) thường xuyên có hoạt động mua ròng ở thời điểm cuối năm cũ, kéo dài đến sau Tết Âm lịch của Việt Nam.

Xu thế mua ròng còn tiếp diễn

Thực tế, nếu bỏ qua những thương vụ mua thỏa thuận hay lô lớn riêng biệt thì nhà đầu tư nước ngoài thường có xu hướng bán ròng từ khoảng tháng 8 và bắt đầu quay trở lại mua ròng tháng cuối năm.

Dòng tiền tích lũy trên ETF.

Dòng tiền tích lũy trên ETF.

Dòng tiền này đến từ các quỹ ETF cũng chiếm tỷ trọng lớn. Nếu nhìn lại nhóm cổ phiếu bị các quỹ bán ròng mạnh ở giai đoạn tháng 10 đến giữa tháng 11 chủ yếu tập trung vào các mã cổ phiếu đã tăng giá quá cao và có thể chốt lời như MSN, HPG.

Ngoài ra, hoạt động chủ yếu của nhà đầu tư nước ngoài là đảo danh mục khi bán những mã tăng cao và mua vào các mã chưa tăng.

Tuy nhiên, có một tín hiệu khá tích cực đó là việc giá trị tài sản ròng của các quỹ ETF mới như VFM Diamond và SSIAM Finlead lại thu hút được dòng vốn mới và tăng trưởng rất tích cực. Trong khi đó, dòng tiền ETF thường mang tính định hướng thị trường rất cao.

Biểu đồ VIX – thể hiện sự biến động của một số TTCK.

Biểu đồ VIX – thể hiện sự biến động của một số TTCK.

Ông Trần Lê Minh, Phó tổng giám đốc CTCP Quản lý Quỹ VMF chia sẻ, sự vận động của khối ngoại trên các TTCK năm nay khác rất nhiều so với những năm trước, nên dễ thấy khối ngoại có những sự “lệch pha” nhất định so với xu hướng đầu tư trong nước.

Tuy nhiên, việc khối ngoại mua ròng trở lại có trở thành xu hướng bền vững, cần phải chờ kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ được công bố chính thức.

Giá trị mua bán ròng của khối ngoại theo tháng.

Giá trị mua bán ròng của khối ngoại theo tháng.

Khi đó, các chính sách kinh tế - chính trị nước Mỹ sẽ được công bố rõ ràng hơn và có thể tác động rõ rệt tới TTCK, tới các ngoại tệ mạnh, cũng như xu hướng dòng tiền sẽ rõ nét hơn khi dịch chuyển sang thị trường mới nổi.

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư, VinaCapital cũng có góc nhìn khá tích cực về dòng vốn ngoại trong thời gian tới đây khi cho rằng, kinh tế vĩ mô Việt Nam sớm ổn định và môi trường đầu tư hấp dẫn là động lực để TTCK tăng trưởng mạnh, cùng với sự kiểm soát dịch bệnh tốt nên kinh tế Việt Nam đang phục hồi và là yếu tố để dòng vốn ngoại quay trở lại bền vững hơn.

Xa hơn, việc được MSCI nâng dần tỷ trọng cổ phiếu trong vòng một năm tới cũng sẽ giúp dòng vốn đầu tư nước ngoài quan tâm hơn đến TTCK Việt Nam.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2020 thêm 0,8 điểm phần trăm, lên 2,4%, thuộc nhóm cao nhất thế giới. Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Jacques Morisset gần đây cũng nhận định nền kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi cao.

Một điểm đáng lưu ý nữa là, khi các TTCK của các nền kinh tế phát triển đã tăng quá mạnh thời gian qua, như chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq liên tục lập những kỷ lục mới trong khi nền kinh tế Mỹ vẫn chìm trong khó khăn vì dịch bệnh thì ở nhiều thị trường khác, trong đó có Việt Nam, chỉ số chứng khoán dù ghi nhận tăng nhưng vẫn chưa lập lại đỉnh lịch sử.

Do vậy, nhiều chuyên gia cùng chung góc nhìn, dòng vốn đang có xu hướng chuyển dịch sang các thị trường khác có triển vọng tăng trưởng kinh tế tốt hơn trong khi TTCK mới chỉ phục hồi tương đối.

Từ luận điểm này, dư địa tăng của TTCK Việt Nam vẫn còn rất lớn và nhà đầu tư nước ngoài sẽ không bỏ qua cơ hội này.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục