Vốn ngoại tiếp tục chảy vào công ty chứng khoán nội

(ĐTCK) Một số công ty chứng khoán trong nước đang có kế hoạch bán một phần vốn cho đối tác ngoại, một số khác được cho là đã đàm phán xong để “sang tay đổi chủ” hoặc chốt tỷ lệ bán chi phối. Bên mua được biết là các nhà đầu tư đến từ châu Á.
Hợp tác với tập đoàn tài chính nước ngoài là xu hướng được dự báo sẽ chi phối hướng đi sắp tới của thị trường tài chính Việt Nam Hợp tác với tập đoàn tài chính nước ngoài là xu hướng được dự báo sẽ chi phối hướng đi sắp tới của thị trường tài chính Việt Nam

M&A công ty chứng khoán nội sẽ tiếp diễn

Hợp tác với các tập đoàn tài chính lớn từ nước ngoài là xu hướng dự báo sẽ chi phối hướng đi sắp tới của thị trường tài chính cũng như chứng khoán Việt Nam. Trên thị trường, có không ít ngân hàng đã hợp tác với đối tác ngoại. Trong lĩnh vực chứng khoán, SSI đã có cổ đông ngoại Hanwha song  hành. 

Hướng đi này cũng được Công ty Chứng khoán MB (MBS) lựa chọn, khi Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 đã thống nhất thông qua việc tìm cổ đông chiến lược nước ngoài với tiêu chí: có tiềm lực tài chính mạnh mẽ, với lợi thế riêng có từ thị trường chứng khoán Hàn Quốc; có nền tảng công nghệ tốt; giúp MBS khai thác hiệu quả tệp khách hàng hiện tại từ MB, Viettel cũng như tiệm cận và mở rộng tệp khách hàng đa dạng từ thị trường quốc tế.

Đây là tín hiệu cho thấy MBS dường như đã có đối tượng hợp tác “rõ ràng” đến từ Hàn Quốc. Đến thời điểm hiện tại, chưa có thêm thông tin mới về tiến trình chào đón đối tác ngoại và chuyển sàn, nhưng thông tin trên thị trường cho biết, MBS đã chốt được cơ bản đối tác và tỷ lệ muốn bán. Dĩ nhiên, điều này cần thời gian để chứng thực, nhưng cũng không thể phủ nhận kế hoạch chào đón cổ đông mới ngoại quốc tại MBS trở nên gần gũi hơn.

Dòng vốn ngoại vẫn đang tìm cách chảy vào ngành chứng khoán. Theo một nguồn tin đáng tin cậy, mới đây, Tập đoàn tài chính Hana (Hàn Quốc) đang vào tìm hiểu một công ty chứng khoán niêm yết trên sàn HOSE. Nếu thuận lợi, Tập đoàn này sẽ chính thức rót vốn. Tương tự, một tập đoàn Hàn Quốc khác là Kiwoom dự báo sẽ góp mặt trên “sân chơi” chứng khoán Việt Nam khi thương vụ mua 51% vốn cổ phần tại một công ty chứng khoán trực thuộc ngân hàng đã đi đến thoả thuận cuối cùng. Giá trị thương vụ khoảng 800 - 900 tỷ đồng.

Tìm hiểu thông tin về Công ty Chứng khoán Kiwoom, được biết, trong khoảng 3 năm trở lại đây, công ty này tích cực xuất hiện trong các sự kiện xúc tiến đầu tư, hội thảo chuyên ngành và cũng đã bắt tay với những tên tuổi trên thị trường như VinaCapital, hay khoản đầu tư vào các doanh nghiệp niêm yết. Cụ thể, Công ty Quản lý tài sản Kiwoom (Kiwoom Asset Management - Kiwoom) đã ký thoả thuận hợp tác cùng VinaCapital. Theo đó, Kiwoom sẽ chọn giới thiệu các sản phẩm đầu tư của VinaCapital cho các nhà đầu tư Hàn Quốc và về lâu dài, Kiwoom hy vọng có thể cung cấp các sản phẩm đầu tư của công ty này cho các nhà đầu tư Việt Nam.

Được biết, Kiwoom là công ty chứng khoán trực tuyến hàng đầu tại Hàn Quốc với thị phần lớn nhất trong lĩnh vực môi giới  suốt hơn một thập kỷ qua.

Tại Công ty Chứng khoán SJCS, giới thạo tin cho biết, cũng đã tìm kiếm được đối tác ngoại và thương vụ đang đi tới giai đoạn cuối cùng. Mức giá đàm phán khá bất ngờ, trên mệnh giá. Trong một diễn biến liên quan khác, cuối tháng 9 vừa qua, SJCS đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường để thông qua nhiều nội dung quan trọng, dường như là “dọn đường” sẵn để chào đón đối tác ngoại. Cụ thể, Đại hội đã thông qua việc nới room lên 100%, đồng thời cho phép các đối tác trong và ngoài nước mua trên 25% vốn từ cổ đông hiện hữu không qua chào mua công khai. Mục tiêu của việc nới room là để cải thiện khả năng huy động vốn của Công ty khi cần thiết và thay đổi cơ cấu cổ đông theo hướng thu hút nhà đầu tư nước ngoài, giúp mở rộng thị phần.

Bên cạnh những thương vụ dường như đã đi đến kết quả cuối cùng trên đây, được biết, có khá nhiều cuộc thăm dò, xem xét và tìm kiếm đối tác phù hợp ở một vài công ty chứng khoán từ nhà đầu tư ngoại. Xu hướng công ty chứng khoán ngoại thực hiện M&A công ty chứng khoán nội dự báo vẫn sẽ tiếp diễn và là phương án khả thi so với việc nhà đầu tư ngoại xin giấy phép thành lập mới, vừa tốn thời gian và chi phí nhiều hơn.

“Tay chơi” mới nhập cuộc, cạnh tranh trên thị trường gay gắt hơn

Thị trường chứng khoán Việt Nam trong mắt nhà đầu tư ngoại rất tiềm năng. Chẳng hạn, tổng số tài khoản chứng khoán trên thị trường chỉ mới hơn 2 triệu tài khoản, tương đương khoảng 2% dân số, trong khi đó, ở Hàn Quốc, tỷ lệ này là 15%. Mục tiêu của Việt Nam là tăng số lượng nhà đầu tư lên 3% đến năm 2020 và 5% đến năm 2025. Đây chính là cơ hội cho các công ty chứng khoán chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để lấy thêm khách hàng. Chưa kể, khả năng nâng hạng thị trường trong vài năm tới; kế hoạch IPO, cổ phần hóa hàng loạt tổng công ty, tập đoàn nhà nước có quy mô lớn và chính sách thúc đẩy nhiều doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn tiến hành niêm yết, các yếu tố vĩ mô ổn định, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do; có thêm thị trường phái sinh, CW và dự kiến nhiều sản phẩm và chỉ số mới… là những yếu tố góp phần khiến thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn.

Dĩ nhiên, có thêm các “tay chơi” mới đầy kinh nghiệm và sức mạnh tài chính, cuộc cạnh tranh trên thị trường sẽ trở nên gay gắt hơn. Cạnh tranh trên thị trường hiện nay vẫn đang là cuộc đua đúng nghĩa về giá: tung ra các gói cho vay margin và hạ phí giao dịch, phần thắng thế đang thuộc về các công ty chứng khoán ngoại và công ty chứng khoán nội trực thuộc ngân hàng.

Thực tế cũng cho thấy, trong các mảng hoạt động chính của các công ty chứng khoán như môi giới, tự doanh, cho vay ký quỹ và ngân hàng đầu tư (IB) thì gần như mảng cho vay ký quỹ (có tác động hỗ trợ cho mảng môi giới) vẫn thường là mảng có đóng góp tỷ trọng đáng kể trong doanh thu và nhiều khi đi ngược với diễn biến chung của thị trường.

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), dư nợ margin toàn thị trường đã tăng hơn 12.000 tỷ đồng so với cuối năm 2018, gấp 4 lần giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân hàng ngày sau 9 tháng. Trong đó, ba công ty chứng khoán có vốn từ Hàn Quốc, bao gồm Mirae Asset, KBSV và KIS đã chiếm hơn 37% dư nợ margin tăng lên. Trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc vừa tiếp tục hạ lãi suất lần thứ 2 trong năm, các công ty chứng khoán đến từ Hàn Quốc có lý do để gia tăng dư nợ ký quỹ khi lãi suất bình quân hiện nay vẫn ở mức cao.

Trong khi đó, các công ty chứng khoán lớn trong nước có uy tín có thể huy động với lãi suất thấp để phục vụ hoạt động ký quỹ. Theo đó, dự báo quý IV, thu nhập hoạt động chính của công ty chứng khoán vẫn đến từ hoạt động kinh doanh nguồn vốn. Dù vậy, với sự tham gia của các công ty chứng khoán có vốn ngoại, áp lực cạnh tranh gia tăng thị phần thông qua lãi suất ký quỹ, lợi suất cho vay bình quân có thể giảm so với cùng kỳ.

Hiện nay, mức lãi suất công bố rộng rãi trên thị trường dao động 13%/năm, nhưng thực tế, công ty chứng khoán có các gói cho vay margin cho từng đối tượng khách hàng, lãi suất rất cạnh tranh, từ 9 - 11%/năm. Mức lãi suất này, sẽ rất áp lực với nhiều công ty chứng khoán nội được tài trợ nguồn vốn từ vốn vay ngân hàng, nhưng với các công ty chứng khoán lớn có vị thế đàm phán và với các công ty chứng khoán vốn ngoại có chi phí vốn rất rẻ thì đã có lời. Tại thời điểm cuối tháng 9/2019, dư nợ cho vay của Mirae Asset lên tới 6.566 tỷ đồng, vượt qua 2 công ty chứng khoán hàng đầu Việt Nam là SSI (với dư nợ margin 5.310 tỷ đồng) và HSC (có dư nợ margin 4.670 tỷ đồng).

Dĩ nhiên, phát triển quá nhanh cũng khiến công ty chứng khoán ngoại đối mặt với vấn đề nợ xấu khi đang ưu tiên chính sách mở rộng thị phần mà xem nhẹ vấn đề quản trị rủi ro. Cách đây vài năm trước, một công ty chứng khoán có vốn đầu tư từ Hàn Quốc đã mất cả trăm tỷ đồng vì cho vay margin thiếu kiểm soát. Hay gần nhất là vụ việc cấp margin cho mã cổ phiếu FTM khiến hơn chục công ty chứng khoán có khả năng bị thiệt hại gần 200 tỷ đồng.

Một hệ luỵ khác cũng cần chú ý đến là, một vài công ty chứng khoán có vốn ngoại sẵn sàng tăng vốn “khủng” và cho vay lãi suất cạnh tranh trên thị trường, nhưng chiến lược phát triển và hệ thống vận hành vẫn chưa vào “guồng”, khiến dịch vụ có không ít vấn đề.

Dĩ nhiên, đó chỉ là bức tranh trước mắt, dài hạn hơn, khi các công ty chứng khoán ngoại củng cố các mảng hoạt động và ngược lại, các công ty chứng khoán nội cũng có những chiến lược riêng biệt để chinh phục khách hàng, có các sản phẩm tư vấn chất lượng và tệp khách hàng lớn, sự cạnh tranh trở nên cân sức hơn. Các công ty chứng khoán cũng nỗ lực để gia tăng chất lượng, tung nhiều sản phẩm ưu việt và dĩ nhiên giúp ngành chứng khoán được tái cấu trúc một cách tự nhiên, nhà đầu tư qua đó được hưởng lợi.

Nhã An
Đặc san doanh nghiệp niêm yết

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục