Vốn ngoại sẽ tăng gấp 10 nếu Việt Nam gỡ các rào cản

(ĐTCK) “Dòng tiền sẵn sàng từ nhà đầu tư nước ngoài chảy vào TTCK Việt Nam có thể tăng gấp 10 lần quy mô hiện tại, nhưng đó là nói về lý thuyết. Trong thực tế đầu tư, vốn ngoại gặp ngay nhiều rào cản mà nhà đầu tư không thể tự xử lý được". Một nhà đầu tư đến từ Mỹ đã chia sẻ như thế tại hội thảo “Thị trường vốn - Động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế” do CTCK Sài Gòn (SSI) tổ chức cuối tuần qua.
Vốn ngoại sẽ tăng gấp 10 nếu Việt Nam gỡ các rào cản

Vốn ngoại sẽ vào mạnh nếu các rào cản được gỡ

Ý kiến chung của nhiều nhà đầu tư cho rằng, tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng tại nhiều doanh nghiệp (DN) niêm yết quá thấp, nhiều DN chưa thực hiện nới room (tỷ lệ đầu tư tối đa của nhà đầu tư nước ngoài)… TTCK Việt Nam không có hệ thống các sản phẩm được phân cấp như Thái Lan để mở rộng không gian đầu tư cho khối ngoại...

Sản phẩm được phân cấp mà nhà đầu tư trên đề cập chính là chứng chỉ có quyền biểu quyết, không có quyền biểu quyết (NVDR) mà Thái Lan đã phát triển rất thành công. Từ năm 2013, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã có nghiên cứu và đề xuất việc phát triển sản phẩm này tại Việt Nam, nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực.

Nhà đầu tư ngoại vẫn chỉ có 2 công cụ chính để giao dịch trên TTCK Việt Nam là cổ phiếu và trái phiếu. Sản phẩm quỹ ETF, tuy không hạn chế room ngoại, nhưng Việt Nam cũng mới chỉ có 2 quỹ loại này (một quỹ do VFM phát triển, một quỹ do SSIAM phát triển), với quy mô còn khiêm tốn.

Bên cạnh kiến nghị về sản phẩm, nhà đầu tư ngoại còn kiến nghị việc thúc đẩy sự minh bạch thông tin, chất lượng quản trị DN trên TTCK Việt Nam. Ông Marco Breu, Tổng giám đốc McKinsey &
Company Vietnam cho biết, triết lý đầu tư của công ty ông là nhìn vào chiến lược quản trị của DN định đầu tư.

“Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng mạnh mẽ, các DN, nhất là khối DN tư nhân, phải có một chiến lược riêng, độc đáo, mới có cơ hội phát triển”, ông Breu nói.

Thực tế, điểm để kết nối, để tạo niềm tin với nhà đầu tư là sự minh bạch và chuẩn mực trong công bố thông tin, đúng luật và cùng một quy chuẩn đánh giá. Đây là điểm nhiều DN Việt Nam còn non yếu, nên số DN trên sàn lên đến hàng nghìn, nhưng vốn ngoại chỉ có thể chảy vào vài chục DN tại đây.

Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) cho biết, từ năm 2017, dòng tiền của Ngân hàng Thế giới tài trợ chủ yếu qua IFC để đầu tư vào khối tư nhân, trong đó có thị trường Việt Nam.

“IFC chú trọng 3 tiêu chí hàng đầu khi rót vốn. Thứ nhất, ở tầm vĩ mô là vấn đề pháp lý, mức độ nới room và hiện trạng kết cấu hạ tầng. Thứ hai, ở tầm DN là sự minh bạch trong quản trị, điều hành. Thứ ba, IFC cần các công ty nội địa mà chúng tôi rót vốn phải đứng ở vị trí dẫn đầu ngành trong sự phát triển của nền kinh tế”, ông Kelhofer nói.

Với 3 tiêu chí như vậy, ông Kelhofer cho rằng, giai đoạn đầu DN sẽ thấy “khó” đáp ứng, nhưng nếu đáp ứng tốt các tiêu chí trên sẽ hỗ trợ tốt trên bước phát triển dài hạn. Nhiều nhà đầu tư quốc tế cho rằng, TTCK Việt Nam cần nhanh chóng chuẩn hóa nhiều điểm để hội nhập, mà một trong những cách làm là cần sớm hoàn thiện những điểm còn tồn tại để được nâng hạng trong bảng tổng sắp của MSCI.

Nâng hạng, cần quyết tâm và hợp sức của nhiều chủ thể

Những vướng mắc nhà đầu tư nêu ra cũng chính là nút thắt hiện nay của TTCK Việt Nam trong việc đáp ứng tiêu chí quan trọng “khả năng tiếp cận thị trường” của MSCI từ cận biên lên mới nổi.

Ông Valentin Laiseca, phụ trách thị trường Đông Nam Á, MSCI cho biết, MSCI dựa trên những tiêu chí được chuẩn hóa, quy trình khách quan, những bằng chứng và công bố thông tin minh bạch để đánh giá nâng hạng thị trường hàng năm. Đối với thị trường Việt Nam, về mặt lý thuyết thì đủ điều kiện, nhưng bản chất thì còn sơ khai, chưa đảm bảo được yếu tố an toàn và bền vững.

Xem xét 14 DN lớn nhất trên TTCK Việt Nam, hiện mới có 4/14 DN đảm bảo yêu cầu tỷ lệ free float, khả năng tiếp cận thị trường của nhà đầu tư ngoại vẫn bị hạn chế.

Chẳng hạn, với khối ngân hàng, trong room 30% cho nhà đầu tư nước ngoài thì có tới 25% cho nhà đầu tư chiến lược, phần còn lại cho các nhà đầu tư khác quá nhỏ. Khuôn khổ vận hành của Việt Nam dù đã được cải thiện nhưng vẫn cần cải thiện tiếp, không nên yêu cầu nhà đầu tư ngoại phải dịch đăng ký của họ sang tiếng Việt.

Trên thị trường, quy định thanh toán T+2 hay bắt buộc ký quỹ trước cũng cần cải tiến để tăng sức lưu chuyển cho dòng vốn. Đặc biệt, các DN trên sàn phải công bố thông tin bằng tiếng Anh và hướng đến việc áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS…

“Bên cạnh đó, quy trình thanh toán bù trừ của Việt Nam luôn có các ngân hàng có vốn nhà nước chịu trách nhiệm. Đây không phải là thông lệ tốt nhất trên thế giới áp dụng”, ông Laiseca nói.

Bên cạnh các tiêu chí định lượng và định tính định sẵn, MSCI còn phải tham vấn ý kiến của nhà đầu tư chuyên nghiệp trước khi đưa ra quyết định nâng hạng mỗi thị trường. Đây là điểm mà TTCK cũng như các DN Việt Nam cần hiểu rõ. Muốn nâng hạng, không chỉ là đủ các tiêu chí MSCI đưa ra, mà phải thuyết phục được ngày càng nhiều các nhà đầu tư ngoại chọn đầu tư vào Việt Nam.

Là DN đã nới room 100% và áp dụng các thông lệ tốt của quốc tế, ông Nguyễn Khắc Hải, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn PAN chia sẻ, thực tế DN rất muốn áp dụng chuẩn mực quốc tế như việc làm báo cáo tài chính theo IFRS, nhưng chi phí ban đầu rất đắt đỏ, phải thuê các kế toán đạt chuẩn quốc tế để thực hiện báo cáo. Bên cạnh đó, DN cũng phải nâng cấp/thay thế phần mềm kế toán mới để đáp ứng với chuẩn mực mới.

“Đây là những việc không hề dễ dàng, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng và tin rằng, nhiều DN lớn Việt Nam sẽ cùng chung nỗ lực để đưa TTCK Việt Nam lên tiêu chuẩn cao hơn”, ông Hải nói.

Bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc HOSE

Hiện nay, tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free float) toàn thị trường khoảng 31%, tính trong ổ VN30 là 20%, VN100 là 25%. Đây không phải là những tỷ lệ nhỏ, nhưng đúng là trên thực tế, ở nhiều DN, tỷ lệ này rất thấp. Những DN này hoặc tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ rất lớn, hoặc các cổ đông sáng lập, cổ đông chiến lược nắm lượng lớn cổ phần và muốn giữ dài hạn.

Về thanh khoản, TTCK Việt Nam đang có sự cải thiện đáng kể khi thị trường đón thêm các đợt niêm yết mới. Từ đầu năm đến nay, trên HOSE có 27 mã cổ phiếu mới lên sàn, sắp tới còn một số DN lớn nữa như Vincom
Retail cũng sẽ chào sàn. Hiện có 17 công ty niêm yết đã nới room nước ngoài, nhưng chỉ có khoảng 9 công ty có sở hữu nước ngoài từ 49% trở lên, chỉ có 3 công ty có trên 60% vốn ngoại. Có khoảng 20 công ty trong nhóm 30 công ty lớn nhất (VN30) bố thông tin song ngữ. Điểm đáng mừng là năm nay, có 70 công ty đã công bố thông tin bằng tiếng Anh, hơn hẳn con số 45 công ty hồi năm ngoái.

Theo chúng tôi, TTCK Việt Nam hội tụ nhiều yếu tố để sẵn sàng nâng hạng. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục học tập kinh nghiệm của các thị trường có điểm tương đồng với Việt Nam nhưng đã phát triển như Thái Lan, Hàn Quốc… và mong sớm đến thời điểm TTCK Việt Nam được nâng hạng trên trường quốc tế. 

Ông Keith Pogson, Phó tổng giám đốc Ernst & Young Hồng Kông

Tại Hồng Kông, 99% DN niêm yết đáp ứng được tỷ lệ free float trên 25%. Hơn nữa, thị trường có nhiều cách để giao dịch và đã khá hoàn chỉnh đến mức khi giá trị giao dịch của một loại cổ phiếu vượt 500 triệu USD, các công ty môi giới quốc tế sẽ “nhảy” vào DN mổ sẻ, tư vấn. Khi đó, một loại cổ phiếu cũng đủ sức thu hút lượng vốn rất lớn từ thị trường.

Mới đây, TTCK Trung Quốc đã được MSCI nâng hạng. Thực tế thị trường này cũng gặp vấn đề về tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng, tỷ lệ ký quỹ trước và cả ngân hàng giám hộ giao dịch, nhưng các chỉ số ở đây đã cải thiện rất nhanh. Nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng đầu tư những cổ phiếu của DN Trung Quốc trên sàn chứng khoán Hồng Kông.

Điểm cốt lõi trong đầu tư là nội lực của các DN. Ở Hồng Kông, nhiều công ty môi giới theo dõi sát sao hoạt động DN trên sàn, các chỉ số sinh lời hàng ngày. Bản thân các DN trên sàn cũng muốn thể hiện cho nhà đầu tư thấy nỗ lực làm việc để thực hiện các kế hoạch, cam kết mà họ đưa ra. Trong khi đó, ở Việt Nam, mức độ thông tin về DN còn thấp. Nhiều công ty chỉ có một cổ đông lớn duy nhất (thậm chí sở hữu tới 75% vốn), nên áp lực minh bạch và thực thi quản trị công ty tốt là rất yếu. Khi các nhà đầu tư ngoại hiểu rằng, họ sẽ mãi là cổ đông nhỏ và bị phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của cổ đông lớn thì sẽ rất khó để họ yên tâm đầu tư.

Ông Hoàng Quốc Hùng, Giám đốc Dịch vụ chứng khoán, Citibank Việt Nam

“Thời gian là tiền bạc”, vì thế chúng tôi cho rằng, cần có những quy trình chuẩn hóa nhằm tiết kiệm thời gian và đảm bảo an toàn các khoản đầu tư vào Việt Nam. Nhà đầu tư đang giám sát tài khoản như thế nào, lưu giữ có an toàn hay không?

Theo tôi, luồng thông tin giữa nhà đầu tư, ngân hàng, các cơ quan quản lý thị trường cần được thông suốt và liền mạch. Vấn đề quan trọng là dòng vốn ra vào phải được lưu thông thuận lợi. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài từng đánh giá những cuộc IPO rất hứa hẹn, nhưng luồng giao dịch tiền tệ ra vào lại khó khăn, nên họ nản lòng.

Bên cạnh câu chuyện này, TTCK Việt Nam cần cải thiện nhiều văn bản, thủ tục để tạo thuận lợi tối đa cho sự trung chuyển của các dòng vốn. Hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài mở tài khoản thanh toán phải tuân theo quy định của hệ thống ngân hàng, nhưng lại đăng ký tài khoản giao dịch với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Hai hoạt động này tách biệt gây phức tạp cho dòng vốn nước ngoài.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục