Vốn ngoại không đi đường tắt

Nhiều người cho rằng, về trung hạn, hiện tại xu hướng giảm đã nhường chỗ cho đà tăng khi các yếu tố vĩ mô đang được giải quyết tích cực, song thị trường chứng khoán vẫn cần có sự khai thông dòng vốn ngoại mới nhằm kích thích thị trường đi vào chu kỳ tăng bền vững. Tuy nhiên, có không ít ý kiến cho rằng, hoạt động đỡ giá của khối ngoại vào cuối năm vẫn sẽ diễn ra nhưng không thật sự mạnh.
(Ảnh minh họa: Đức Thanh) (Ảnh minh họa: Đức Thanh)

 

Dẫn dắt thị trường nhưng lợi nhuận không tối ưu

 

Tuy chưa thể lượng hóa được lãi/lỗ của khối ngoại khi tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng nhìn chuỗi mua ròng của khối ngoại có thể thấy khối ngoại cũng đã gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lợi nhuận.

 

Chẳng hạn, khối ngoại mua ròng mạnh nhất trong năm 2007, chủ yếu là tập trung vào đầu năm đạt đến 24.216 tỷ đồng, đây là giá trị mua ròng cao nhất kể từ khi khối ngoại tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

 

Trong năm 2007 này, giá trị trung bình của VN-Index đạt ở ngưỡng 1.000 điểm.

 

Đến năm 2008, tuy vẫn mua ròng nhưng khối lượng cổ phiếu được bán ra lại tăng mạnh, tổng khối lượng bán tăng đến 206% so với năm 2007 trong khi tổng khối lượng mua chỉ tăng 33,3%.

 

Như vậy, rõ ràng lượng cổ phiếu mua trong năm 2007 đã được khối ngoại bán ra để cắt lỗ kết hợp với trung bình giá trong năm 2008.

 

Riêng năm 2009, khối ngoại cũng trật nhịp thị trường khi bán ròng đầu năm nhưng lại mua ròng cuối năm khi VN-Index đạt mức cao nhất trong năm.

 

Như vậy, năm 2009, việc mua bán của khối ngoại khá cân bằng, khối lượng mua ròng vẫn tăng nhưng khối lượng bán so với năm 2008 tăng mạnh, đến 51,1%, trong khi khối lượng mua chỉ tăng 41,2%, giá trị mua ròng cũng sụt giảm đến mức 3.407 tỷ đồng, thấp nhất kể từ năm 2007.

 

Đến năm 2010, khối ngoại mua khá mạnh, tổng khối lượng cổ phiếu mua lên đến 838 triệu đơn vị, là mức cao nhất từ trước đến nay. Giá trị mua ròng đến 202 triệu đơn vị cổ phiếu với giá trị tương đương 12.334 tỷ đồng, như vậy, mỗi tháng khối ngoại mua 1.121 tỷ đồng.

 

Tổng giá trị mua đạt 37.396 tỷ đồng, tương đương với năm 2009 và bằng 66% so với năm 2007, nhưng khối lượng cổ phiếu mua được tương ứng lại bằng 110% năm 2009 và 208% năm 2007. Ngoài ra, giá mua trung bình tính theo cổ phiếu năm 2010 là 44.000 đồng/CP so với 48.000 đồng/CP năm 2009 và 140.000 đồng/CP năm 2007.

 

Như vậy, khối ngoại đã mua được cổ phiếu ở mức rất rẻ so với những năm trước, mức giá ngày càng rẻ là động lực giúp cho khối ngoại tăng mua mạnh hơn mỗi lần thị trường giảm điểm. Thời điểm khối ngoại mua ròng nhiều nhất ở thời điểm từ tháng 4 trở đi, mua mạnh và ổn định nhất khi chỉ số VN-Index giao động ở mức 440 - 460.

 

Tại sao mua ròng mạnh?

 

Việc mua ròng mạnh của khối ngoại liên tục trong năm qua đã thu hút sự quan tâm của giới đầu tư, và câu hỏi luôn được đặt ra là tại sao khối ngoại lại mua mạnh. Theo chúng tôi, ngoài việc đánh giá tiềm năng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam còn có một số yếu tố khác:

 

Thứ nhất, khối ngoại mua ròng khá mạnh với mức giá cao vào cuối năm 2009 đầu 2010 nên đã tăng cường mua mạnh hơn khi thị trường giảm điểm nhằm để bình quân giá vốn.

 

Ngoài ra, việc mua mạnh vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang nắm giữ cũng tạo lực đỡ để giá không giảm sâu, giảm bớt áp lực thua lỗ, nhất là các quỹ, giữ NAV (chỉ số giá trị tài sản thuần) không bị giảm sâu.

 

Thứ hai, năm 2010 khi nền kinh tế thế giới bắt đầu hồi phục, chính sách tiền tệ mở rộng ở nhiều cường quốc như Mỹ, Nhật được áp dụng, chi phí vốn trở nên rẻ, điều này làm cho một lượng lớn vốn chạy vào các nước có nền kinh tế mới nổi để tìm kiếm khả năng sinh lợi cao hơn.

 

Thị trường Việt Nam tuy không hấp dẫn lượng vốn này nhiều như Thái Lan, Indonesia, Singapore, nhưng trong năm 2010 cũng đã thu hút được lượng vốn đáng kể.

 

Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, giữa tháng 9, khoảng 2 tỷ USD “care trade” (nhà đầu tư bán một lượng ngoại tệ cụ thể có tỷ số lãi suất cho vay tương đối thấp và dùng số tiền thu được để mua một loại ngoại tệ khác có tỷ số lãi suất tương đối cao) đã vào Việt Nam và cho đến nay chưa rút ra, một phần lượng tiền này đã chảy vào chứng khoán.

 

Thứ ba, một vài cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh và liên tục từ đầu năm đến nay, lượng bán ra rất ít. Đây là một động thái cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đang tận dụng thị trường giảm để mua, nắm giữ doanh nghiệp tốt có thương hiệu mạnh với giá rẻ.

 

Như vậy, khối ngoại đã gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong những năm trước. Năm 2010, khối ngoại mua ròng mạnh ở đầu năm, lúc này giá cổ phiếu ở mức giá cao và thời điểm mua ròng mạnh khác là cuối năm, khi giá ở mức thấp, điều này cho thấy khối ngoại đang bình quân giá để giảm giá vốn.

 

Điểm đáng chú ý khác là giao dịch của khối ngoại có tác động rất lớn đến diễn biến của chỉ số VN-Index, mang tính chất dẫn dắt thị trường. Chiến lược bình quân giá và giữ giá cổ phiếu vốn hóa lớn đã mang lại thành quả khá đáng kể là khối ngoại gần như không bị lỗ trong năm 2010.

 

Vì vậy, chúng tôi cho rằng, thời gian tới, hoạt động đỡ giá NAV vào cuối năm vẫn sẽ diễn ra nhưng không thật sự mạnh, khối ngoại sẽ tăng cường bán ra khi thị trường tăng điểm để hiện thực hóa lợi nhuận và mua ròng trở lại lúc giá giảm. Động thái này sẽ tiếp tục nâng đỡ VN-Index và giữ cho thị trường không có những biến động mạnh.

Lê Anh Thi, Giám đốc phân tích CTCK AVS/Doanh nhân Sài Gòn
Lê Anh Thi, Giám đốc phân tích CTCK AVS/Doanh nhân Sài Gòn

Tin cùng chuyên mục